Phản biện phải hợp lòng dân
“Nếu không có những góp ý phản biện của Mặt trận cơ sở thì những gì không phù hợp với điều kiện của xã Vạn Phúc, không phù hợp với lòng dân có lẽ cũng khó để thực hiện như Chương trình xây dựng nông thôn mới, hay đề án dồn điền, đổi thửa mang lại kết quả cao như hiện nay” - ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội trao đổi với PV Đại Đoàn Kết.
Ông Nguyễn Văn Hải.
PV: Thưa ông, dựa vào đâu để Ủy ban MTTQ xã Vạn Phúc chọn những nội dung thực hiện phản biện?
Ông Nguyễn Văn Hải: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ chính trị địa phương hằng năm, những vấn đề gì nhân dân quan tâm nhất, nhân dân bức xúc nhất thì chúng tôi tiến hành phản biện. Đầu tiên, chúng tôi đóng góp ý kiến phản biện vào các báo cáo, các đề án để phát triển kinh tế - xã hội của xã trước các kỳ họp HĐND 6 tháng hoặc 1 năm. UBND chấp nhận đa số ý kiến phản biện của chúng tôi về các chương trình phát triển kinh tế được đưa vào chỉnh sửa báo cáo. Từ đó đến nay, qua theo dõi, nếu như phản biện được những báo cáo này thì đưa xuống các hội nghị tiếp xúc cử tri, ý kiến của cử tri sẽ cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo. Đó là những kết quả của phản biện.
Thứ hai, về Đề án xây dựng nông thôn mới, đến năm 2014 xã Vạn Phúc mới được nằm trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Là một xã rất khó khăn, nhưng chúng tôi đã mạnh dạn tổ chức 2 hội nghị mở rộng để phản biện đóng góp ý kiến vào đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới này. Mặt trận đã vận động trên 400 hộ hiến gần 4.000m2 đất. Có hộ gia đình hiến cả 2 mặt đường tới 30m2. Là một xã gần như khó khăn nhất của huyện, nhưng tuyên truyền vận động nhân dân xã hội hóa và năm 2015 chúng tôi đã về đích trước kế hoạch của huyện 2 năm về xây dựng nông thôn mới.
Một đề án nữa chúng tôi tham gia đóng góp ý kiến phản biện là đề án dồn điền đổi thửa. Trước khi thực hiện đề án này, người dân xã Vạn Phúc đã thu gom đất của những hộ dân để thuê làm trước. Nay xã Vạn Phúc đã có gần 40 trang trại. Thực hiện phương án dồn điền đổi thửa thì phải làm sao để giữ được mô hình sản xuất này không bị xáo trộn, phá vỡ, đây là vấn đề rất khó. Dù vậy, hiện nay chúng tôi đã thực hiện xong đề án dồn điền, đổi thửa, đến nay sản xuất đã ổn định, phát triển.
Như vậy, nếu không có những góp ý phản biện thì những gì không phù hợp với điều kiện của xã Vạn Phúc, không phù hợp với lòng dân có lẽ cũng khó để thực hiện đề án. Sau khi dồn điền đổi thửa chúng tôi thực hiện mô hình trồng cây ăn quả: bưởi, cam canh, quất cảnh. Xã Vạn Phúc trồng được trên 100ha, và thu nhập ban đầu có những ha cho thu nhập tới 150 triệu đồng. Bên cạnh đó phí thuê đất cũng tăng, trước khi dồn điền đổi thửa chỉ cho thuê 200.000đồng/sào/năm. Nhưng bây giờ giá cho thuê là 1.500.000 đồng/sào/năm.
Thực hiện Quyết định 218 về việc tham gia ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, Mặt trận xã Vạn Phúc đã làm như thế nào?
- Là một xã được chọn làm điểm Nghị quyết 05 giữa Chính phủ và Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam sau khi triển khai, chúng tôi treo 5 hòm thư góp ý với đảng viên để tạo điều kiện cho nhân dân giám sát đối với cán bộ công chức đảng viên ở nơi cư trú. Qua giám sát, chúng tôi thấy công việc này rất khó khăn, nhất là giám sát cán bộ đảng viên về thực hiện nghĩa vụ và tham gia hưởng ứng các phong trào của địa phương.
Qua 3 năm (2014-2016) chúng tôi tổ chức nhận xét lấy ý kiến đảng viên nơi cư trú, kết quả phản ánh tính khách quan và tác dụng khá. Tổng số có 315 đảng viên, theo đánh giá tín nhiệm cao là 215, tín nhiệm là 95 người và có 5 người không tín nhiệm- điều này cho thấy không phải cứ tình làng nghĩa xóm hay giám sát 100% đảng viên ở nơi cư trú đạt tín nhiệm cao. Trên cơ sở nhận xét này giúp cho các tổ chức làm tốt công tác quản lý giáo dục đảng viên cũng như phân tích chất lượng đảng viên cuối năm đối với cán bộ, đảng viên.
Qua giám sát, phản biện xã hội có những điểm gì trong Quyết định 217, 218 còn bất cập, cần đổi mới cách làm, thưa ông?
- Tôi xin kiến nghị việc giám sát cán bộ đảng viên nơi cư trú. Hiện nay, Trưởng ban Công tác Mặt trận phân công các thành viên cầm phiếu nhận xét đến gặp từng đảng viên, yêu cầu đảng viên phải tự nhận xét. Sau đó, Ban Công tác Mặt trận lại đến nhà từng người thu phiếu đó về. Rồi mới tiến hành tổ chức hội nghị Ban công tác Mặt trận với thôn để nhận xét từng người. Kết quả có được chuyển sang cho đồng chí Bí thư chi bộ để đồng chí nhận xét từng người. Như vậy gây khó khăn cho Ban công tác Mặt trận, vì có người trong Ban Công tác Mặt trận đến nhà đảng viên 2-3 lần không gặp, hoặc họ quên… từ đó gây khó khăn cho Ban Công tác Mặt trận. Thứ hai là không kịp thời để Ban Công tác Mặt trận họp để tổng hợp kết quả, để các đồng chí Bí thư chi bộ nhận xét Đảng viên. Thứ ba là ý thức của đảng viên chưa cao trong việc tự nhận xét.
Vậy nên tôi đề xuất, phiếu tự nhận xét đối với đảng viên ở nơi cư trú phải được phát ra từ cấp ủy các chi bộ. Và các đảng viên phải có trách nhiệm nộp phiếu này tới các trưởng Ban Công tác Mặt trận. Như vậy các đảng viên mới biết rõ được vai trò của Mặt trận đang làm chức năng giám sát, góp ý kiến cho đảng viên. Trên cơ sở này 100% đảng viên sẽ hiểu được ý nghĩa, mục đích Quyết định 218 là gì? Việc giám sát đối với đảng viên nơi cư trú theo Nghị quyết 05 và Quyết định 218 đối với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tới đảng viên cán bộ như thế nào thì đảng viên mới ý thức được. Và đó chính là tạo cơ chế cho hoạt động Mặt trận ở cơ sở có hiệu quả hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!