Tìm hiểu dấu xưa qua 'Hà Nội bộ hành'
“Hà Nội bộ hành” gồm các tour du lịch ngẫu hứng, được thiết kế theo sở thích, chuyên môn và sáng tạo riêng của người dẫn đường. Chương trình nằm trong hoạt động dự án “Tôi xê dịch” của một nhóm trẻ. Mới đây các thành viên của nhóm đã chính thức triển khai dự án. PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với người sáng lập của dự án về kế hoạch của chương trình Nguyễn Thị Thu Hà.
Các thành viên của nhóm dự án.
PV: Sau những hoạt động đồng hành với di sản, mới đây “Tôi xê dịch” đã giới thiệu về “Hà Nội bộ hành”. Chị có thể chia sẻ về ý tưởng này?
- Hà Nội bộ hành mang một quan điểm chủ đạo: việc tận hưởng và khám phá một thành phố cần một người dẫn đường am hiểu. Người dẫn đường với đầy đủ trí tuệ, lòng nhiệt thành và sáng tạo mới tạo nên sự thú vị của chuyến đi, chứ không phải là những lịch trình công nghiệp và những cuốn sách du lịch bỏ túi. Các “lịch trình bộ hành” của Hà Nội bộ hành được thiết kế theo chủ đề văn hoá, tập trung vào những câu chuyện, nhấn mạnh vào tính ứng biến và ngẫu hứng cũng như cá tính riêng biệt của người dẫn đường. Hiện tại, chúng tôi đang thử nghiệm một số ý tưởng bộ hành: “Mảnh đất kinh kỳ”, “Long Biên - chuyện rất dài”, “Chiếu đỏ sân đình”…
Đơn cử như ý tưởng cho lịch trình “Dấu sông hồn phố” được nảy ra trong một lần KTS Nguyễn Vũ Hải – một người dẫn đường của nhóm - nghĩ tới những đoạn mất của sông Tô Lịch, anh lấy bản đồ tìm xem những đoạn mất ấy từng chảy qua phố cổ và phố Phan Đình Phùng – rồi phát hiện cả một câu chuyện dài về sự đánh đổi tài nguyên để phục vụ cho sự phát triển của đô thị.
Quá trình thử nghiệm đang mang lại nhiều gợi ý cải tiến thiết kế và thực hiện sản phẩm, nên nhóm hẹn trả lời trong những dịp sau.
Vậy điều các bạn muốn hướng đến trong dự án này gì?
- Sau những đồng hành cùng với các giá trị văn hóa di sản điều chúng tôi muốn hướng tới là truyền cảm hứng và kiến thức để việc thưởng thức văn hóa và thưởng thức cuộc sống của người Việt trở nên thú vị hơn.
Đi bộ trong thành phố đối với tôi là một cách “thưởng thức” thành phố. Tốc độ ấy là đủ chậm để ta tập trung vào vẻ đẹp của cuộc sống đang diễn ra, và khám phá những phần những mảnh 'di sản' mà người Hà Nội qua nhiều thế hệ quần cư có được. Thi thoảng ta có thể ngước nhìn lên những ban công Juliet đầy cây xanh và hoa lãng mạn, hoặc những song sắt xưa uyển chuyển trên những ô cửa... Tôi cũng thấy tuyến phố đi bộ mở ra là một sáng kiến rất thú vị: vừa tạo ra một không gian công cộng và khuyến khích các hoạt động gắn kết con người với con người, và đặc biệt là để người ta cảm nhận được cái hay của âm nhạc truyền thống, những trò chơi truyền thống hơn bên cạnh những loại hình âm nhạc mới.
Dưới góc nhìn của một người trẻ gìn giữ di sản, chị nghĩ sao về cách ứng xử của những bạn trẻ về các giá trị văn hóa, lịch sử của cha ông để lại?
- Tôi muốn nhấn mạnh, không chỉ những bạn trẻ Việt, mà những bạn trẻ nhiều quốc gia khác mà tôi đã tiếp xúc, cũng không phải là những người “yêu” di sản ngay từ đầu. Chúng ta cần phải “học yêu” - tôi muốn nói đến việc cần đầu tư sáng tạo để nhiều người thấy: văn hoá dân gian, di sản văn hoá vật thể và phi vật thể… là vô cùng hấp dẫn.
Xin cảm ơn chị!
Theo kế hoạch trong lịch trình tháng 5, “Hà Nội bộ hành” sẽ có các chủ đề “Một mảnh kinh kỳ” vào ngày 13/5 và 27/5; “Long Biên – Chuyện rất dài” vào ngày 14/5 và 21/5; “Chuyện sân đình” 19-5; “Khi cái đẹp đổi thay” vào ngày 14/5 và 26/5. |