Vụ 20 nghìn viên thuốc hết 'đát' do thủ tục: Lỗi do đường... công văn
Trước sự lửng lơ trách nhiệm của các sở ngành liên quan đến việc gần 20 nghìn viên thuốc đặc trị Tasigna hết “đát” phải tiêu huỷ vì thủ tục rườm rà, chiều 8/5, ông Phùng Công Dũng - Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP HCM (Liên hiệp) khẳng định, đơn vị mình làm đúng quy trình, tuy nhiên có có chậm mấy tháng là do đường công văn?!
Bệnh viện Truyền máu & Huyết học TPHCM nơi phải tiêu hủy thuốc hết “đát” vì thủ tục. Ảnh: Tiền Phong/Văn Minh.
Ông Dũng dẫn giải, tháng 2/2014, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM mới gửi công văn xin thực hiện chương trình thuốc đến Sở Y tế TPHCM.
Đầu tháng 3/2014, Sở Y tế gửi công văn xin chấp thuận cho bệnh viện nhận lô thuốc đến 2 nơi là UBND TPHCM và Liên hiệp, nhưng công văn đó thì Liên hiệp không nhận được.
“Thông thường thì khi Liên hiệp nhận được sẽ tham mưu ngay cho UBND TP, hoặc lãnh đạo UBND TP có bút phê chuyển về Liên hiệp. Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian thì Liên hiệp ngay khi nhận được công văn từ Sở Y tế là tham mưu ngay cho UBND TP”- ông Dũng nói.
Theo ông Dũng thì trường hợp này, UBND TP HCM không làm phiếu chuyển về cho Liên hiệp. Thấy chậm trả lời, đại diện Bệnh viện Truyền máu& Huyết học TP HCM hỏi UBND TP HCM và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị. “Lúc này chúng tôi mới biết có việc như vậy và cho biết mình chưa nhận được công văn nào có liên quan từ Sở Y tế TPHCM.
Biết vậy nên phía bệnh viện mới chuyển cho chúng tôi một bản phô tô xin thực hiện chương trình thuốc vào ngày 4/6/2014. Ngay sau đó, ngày 10/6/2016, chúng tôi đã có công văn tham mưu ngay cho UBND TP chứ không phải 2-3 tháng như thông tin” - ông Dũng khẳng định và cho biết, mỗi năm, Liên hiệp vận động các nguồn viện trợ phi chính phủ từ 35 - 50 triệu USD nên chuyện này rất chuyên nghiệp.
“Đây là thuốc đặc trị, chỉ dùng cho 1 số bệnh nhân đặc biệt chứ không đưa ra bên ngoài được nên chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng cũng như tính khẩn thiết.
Do “đứt đoạn” từ Sở Y tế như thế nào đó thôi. Có chuyện trục trặc này là giữa bệnh viện với Sở Y tế, liên quan đến đường công văn” - vị này nói.
Ông Dũng cho rằng, về thông tin lô thuốc bị tiêu hủy trị giá 14 tỷ đồng là chưa chính xác. Thực tế, trị giá số thuốc viện trợ phải tiêu hủy tính theo đơn giá vào thời điểm tiếp nhận năm 2015 là gần 3,8 tỷ đồng do giá viện trợ 199.000 đồng/viên, không phải gần 14 tỷ đồng (700.037 đồng/viên) như kết luận thanh tra của TP HCM.
“Sau vụ việc đáng tiếc này, tôi sẽ kiến nghị UBND TP về việc phối kết hợp giữa các sở ban ngành chặt chẽ, liên thông hơn; tránh để tình trạng đáng tiếc xảy ra như vừa rồi chỉ vì vấn đề đường công văn.
Các sở như Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh & Xã hội… nên có một người chuyên trách theo dõi về mảng phi Chính phủ nước ngoài.
Đặc biệt Sở Y tế là nơi tiếp nhận nguồn viện trợ nhiều nhất, đa số các nguồn Liên hiệp vận động đều liên quan đến y tế (chiếm 70 – 80%)” - ông Dũng giải bày.
Trong khi đó, trao đổi với PV chiều 8/5, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM cho biết, hiện vẫn chưa báo cáo cho Bộ Y tế về vụ việc do các phòng ban có liên quan đang họp để kiểm điểm về trách nhiệm trong vụ việc này. “Hiện Bệnh viện Truyền máu & Huyết học đã có báo cáo giải trình trong khi nhiều bộ phận khác đang kiểm điểm tìm nguyên nhân sự chậm trễ. Trong tuần này, sở sẽ có báo cáo về vụ việc và trả lời cho báo chí”- bác sĩ Mai cho hay.
Bác sĩ Phù Chí Dũng- Giám đốc Bệnh viện Truyền máu & Huyết học TP HCM nói, nơi đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước đề xuất thực hiện chương trình viện trợ nhân đạo thuốc Tasigna cho bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy.
Tuy nhiên, quy trình nhập được thuốc về vô cùng khó khăn và phức tạp do phụ thuộc vào thủ tục xin tiếp nhận thuốc của các cơ quan chức năng quá lâu.
Phía bệnh viện phủ nhận mình làm sai, vì cho rằng, là đơn vị thụ hưởng nên rất tích cực xin nhập thuốc. Tuy nhiên, ban giám đốc bệnh viện không trả lời tại sao lại dự trù với một số lượng thuốc nhiều như vậy?
Muốn cho cả nước dùng nhưng không được chấp nhận Bác sĩ Phù Chí Dũng cho biết, khi thuốc về đến kho do các thủ tục rườm rà nên chỉ còn hạn sử dụng 10 tháng. Số bệnh nhân tham gia chương trình từ 50 người giảm còn một nửa nên bệnh viện không thể sử dụng kịp số thuốc vừa nhập trước thời gian hết hạn. “Để tận dụng được tối đa số thuốc, chúng tôi đã nhiều lần làm việc với Công ty Novartis đề nghị cho bệnh nhân được dùng thuốc miễn phí, mở rộng chương trình đến các bệnh viện trong toàn quốc đang cùng điều trị bệnh này hoặc thông báo cho các nơi chuyển bệnh đến. Tuy nhiên các đề nghị này không được phía công ty chấp nhận và đồng ý hủy thuốc nếu không sử dụng hết. |