Mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD: Chủ động nguồn tôm giống
Hướng tới con số xuất khẩu đạt 10 tỷ USD vào năm 2025, yêu cầu đầu tiên đặt ra đối với ngành tôm là phải chuẩn hóa được nguồn tôm giống, chất lượng tôm phải đảm bảo “sạch” để có thể vượt qua rào cản của các thị trường khó tính. Đó là nhận định của các doanh nghiệp, nhà quản lý tại buổi tọa đàm ngành tôm hướng đến mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD, diễn ra sáng 9/5, tại Hà Nội.
Hướng tới mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD cho ngành tôm, cần có sự vào cuộc của DN và nhà sản xuất.
Rào cản an toàn vệ sinh thực phẩm
Tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, về mặt quản lý và khoa học, ngành tôm có thể trở thành ngành mũi nhọn của đất nước với kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia ngành nông nghiệp, với thực trạng ngành tôm xuất khẩu hiện nay còn manh mún, khâu triển khai liên kết chuỗi thiếu chặt chẽ, chưa áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất… là những điểm nghẽn níu chân ngành tôm nước nhà. Tại buổi tọa đàm, các ý kiến đều cho rằng, cần phải giải tỏa được những bất cập nói trên, trong đó yếu tố quan trọng nhất là phải chủ động được nguồn tôm giống chất lượng cao mới có thể đạt được con số xuất khẩu 10 tỷ USD như mục tiêu đề ra.
Mặc dù xuất khẩu tôm luôn đứng trong top đầu các mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch cao của cả nước, song con tôm chính là đối tượng bị các thị trường quốc tế “săm soi” nhiều nhất do tôm của Việt Nam không đảm bảo chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhiều năm liền, con tôm bị trả về khi đã bước được một chân vào thị trường Nhật Bản, Mỹ, chỉ bởi “dính phốt” bơm tạp chất, bơm kháng sinh… Trong khi đó, thực tế, để giúp con tôm phòng chống với bệnh tật, bà con nông dân buộc phải sử dụng kháng sinh và đây chính là con dao hai lưỡi đẩy con tôm xuất khẩu vào tình cảnh khó khăn.
Cần chủ động dòng tôm
Chính bởi vậy, tại buổi tọa đàm, các ý kiến đều cho rằng, Việt Nam cần phải chủ động được nguồn tôm giống chất lượng cao, sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không bệnh tật, kháng thể tốt… mới có thể tạo được một nền sản xuất bền vững phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.
Theo ông Trần Đình Luân- Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), chất lượng tôm giống đóng vai trò rất quan trọng đối với ngành tôm Việt Nam, ngành nông nghiệp đang hướng đến việc chủ động được nguồn tôm giống đảm bảo yếu tố đầu tiên là an toàn sinh học. Chính bởi vậy, từ năm 2015, Bộ NN&PTNT đã thành lập một ban chỉ đạo chuyên để thực hiện mục tiêu này trong đó vai trò của Ban Chỉ đạo này là hỗ trợ các DN hiệp hội nhập những nguồn tôm giống chất lượng cao từ Mỹ để từ đó lai tạo ra dòng tôm giống có chất lượng tốt nhất. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo này cũng phải phối hợp với cơ quan chức năng trong việc kiểm soát việc nhập khẩu tôm giống của các DN để làm sao đảm bảo nguồn tôm giống này khỏe và sạch, không dịch bệnh.
“Mục tiêu của chúng ta là chủ động được nguồn tôm bố mẹ chất lượng cao, ở Mỹ họ đã đi trước chúng ta 20 năm, và đây là lợi thế của Việt Nam để có thể thừa hưởng nguồn tôm giống chất lượng cao từ Mỹ cũng như khoa học công nghệ để duy trì nguồn tôm này”- ông Luân nhận định.
Cũng theo ông Luân, để hướng tới mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD cho ngành tôm, chỉ nỗ lực của Nhà nước thôi là chưa đủ. Cần có sự vào cuộc của DN và nhà sản xuất. Hiện nay, sự liên kết trong chuỗi sản xuất nông nghiệp của ta rất yếu, chúng ta vẫn sản xuất manh mún, rất cần phải tổ chức lại sản xuất, “cần phải có sự kết nối những hộ sản xuất nhỏ thành một hộ lớn, có người đứng đầu để có thể cung ứng sản phẩm con giống đến từng hộ sản xuất mà không cần phải thông qua trung gian, như vậy vừa đảm bảo được chi phí thấp (khi mà qua trung gian đã bị đội lên 3, 4 lần- PV), vừa đảm bảo được nguồn con giống sạch không bị pha tạp khi thu gom từ nhiều khâu trung gian”- ông Luân nêu quan điểm.
Đứng ở vai trò DN, ông Lê Anh Xuân- Chủ tịch HĐQT Công ty N.G Việt Nam cũng cho rằng, chất lượng con giống có yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của ngành tôm. Cứ thử hình dung, bà con sản xuất mà thả pha tạp nhiều loại tôm giống, con khỏe sẽ bị lây bệnh từ con yếu, rồi lại phải sử dụng kháng sinh…
Theo ông Xuân, công ty của ông đang thực hiện giải pháp sử dụng công nghệ tiên tiến để nghiên cứu giải mã gen tôm bố mẹ chất lượng cao nhập ngoại, để từ đó tạo ra một dòng tôm bố mẹ khỏe hơn, tốt hơn, có thể kháng được bệnh tật.
“Ở đây, vai trò của khoa học công nghệ là rất quan trọng, khi chúng ta sử dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động được nguồn tôm giống chất lượng cao. Và khi đã chủ động được nguồn tôm giống tốt, tôi nghĩ mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD là trong tầm tay”- ông Xuân nhấn mạnh.
Theo Hiệp Hội chế biến xuất khẩu thủy sản (Vasep), biến đổi khí hậu như hạn hán và xâm ngập mặn có thể vẫn xảy ra và tác động đến sản xuất tôm nước lợ trong năm 2017. Dự báo sản lượng tôm nguyên liệu năm 2017 sẽ tăng nhẹ đạt 660 nghìn tấn trên 700 ha diện tích nuôi. Xuất khẩu tôm năm 2017 dự báo sẽ đạt 3,4 tỷ USD, tăng 9%. Trong đó, tôm chân trắng đạt khoảng 2 tỷ USD, tăng 8%, tôm sú trên 900 triệu USD, tăng 2%. |