Hàng nghìn ha lúa Thiên Ưu 8 nhiễm bệnh

Hạnh Nguyên 10/05/2017 10:00

Đã giáp mùa thu hoạch nhưng nhiều người dân ở Hà Tĩnh không màng đến việc gặt hái. Thay vào đó là sự buồn chán, thất vọng vì đa phần lúa của họ nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông. Tại cánh đồng của người dân xóm Vĩnh Trung, xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà, người dân xót xa vì lúa mới tươi tốt ít ngày trước đây, giờ bỗng nhiên ngả vàng bất thường. Không chỉ huyện Thạch Hà mà lúa ở nhiều địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đều “dính” loại bệnh tai hại này.

Gần 5.300ha lúa ở Hà Tĩnh bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông.

Con số thống kê của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Tĩnh (CCTT Hà Tĩnh) cho thấy: Hiện nay trên địa bàn tỉnh này có gần 5.300 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, trong đó chủ yếu tập trung vào giống lúa Thiên Ưu 8. Sự việc khiến hàng nghìn hộ nông dân Hà Tĩnh phải đối diện với cảnh mất mùa hiện hữu trước mắt.

Thiên Ưu 8 nhiễm bệnh

Đã giáp mùa thu hoạch nhưng nhiều người dân ở Hà Tĩnh không “màng” đến việc gặt hái. Thay vào đó là sự buồn chán, thất vọng vì đa phần lúa của họ nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông. Tại cánh đồng của người dân xóm Vĩnh Trung, xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà, nhiều người dân xót xa vì lúa mới tươi tốt ít ngày trước đây, giờ bỗng nhiên ngả vàng bất thường.

Chị Phạm Thị Thanh bùi ngùi nói: “Nhà tôi có 8 sào ruộng thì có tới 5 sào nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông. Năm ngoái giống lúa này cho năng suất khoảng 300kg thóc/sào, mùa này may ra chỉ được khoảng 50kg, có ruộng mất trắng phải gặt non về cho trâu, bò ăn”.

Không chỉ huyện Thạch Hà mà lúa ở tất cả các địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đều “dính” loại bệnh tai hại này. Chị Nguyễn Thị Vân, trú xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc cho hay: Gia đình chị xuống giống Thiên Ưu 8 trên 8 sào ruộng và phun thuốc phòng ngừa dịch bệnh đều đặn, nhưng không hiểu sao trời càng nắng thì lúa càng khô dần. “Lỗ vốn trầm trọng, tôi đành gặt sớm lấy rơm về cho bò ăn”, chị Vân nói.

Ông Nguyễn Công Ty- Trưởng ban Nông nghiệp xã Mỹ Lộc cho biết: Toàn xã có hơn 200 ha bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông. Bệnh này đa phần do nấm bám phía cổ bông, khi trời nắng hoặc nhiệt độ cao thì bông lúa khô lại, trong ruột hạt lép, hoặc hạt bóc ra bị nát.

Ông Ty nói: “Cách đây gần một tháng, xã đã huy động bà con phun thuốc để đẩy lùi dịch bệnh nhưng hiệu quả mang lại không đáng kể”. Con số thống kê của CCTT Hà Tĩnh cho thấy: Trên địa bàn toàn tỉnh có gần 5.300 ha lúa bị nhiễm bệnh với gần 1.000 ha bị nhiễm bệnh nặng, nguy cơ mất trắng. Trong đó giống Thiên Ưu 8 bị nhiễm bệnh nặng nhất, ngoài ra giống Xi 23, VTNA2 cũng bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông.

Không ngờ giống thoái hoá nhanh

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Tống Phong- Chi cục phó CCTT Hà Tĩnh cho biết: Giai đoạn một, bệnh đạo ôn gây hại trên lá và gây hại vào thời kỳ gần trổ đòng. Giai đoạn 2, đạo ôn cổ bông gây hại từ lúc lúa trổ bông đến lúc lúa chín.

“Dân ta có tập quán là trong khi lúa trổ vè hoặc kết thúc trổ bông không phun thuốc nữa vì sợ độc và thực tế là độc thật. Hơn thế ở thời kỳ trổ bông, thời tiết chuyển từ nắng sang mưa thường xuyên nên muốn triển khai phun thuốc cũng không thực hiện được. Bệnh đạo ôn trổ bông gây bệnh thông qua bào tử nấm và nó phát tán theo gió nên phạm vi nhiễm bệnh lan ra trên diện rộng rất nhanh. Chưa khi nào thấy lúa nhiễm đạo ôn nặng như năm nay” - ông Phong nói.

Cũng theo ông Phong, đối với những giống lúa nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông không nằm trong diện được hỗ trợ vì đây là bệnh phổ thông. Đối với giống Thiên Ưu 8 mới được công nhận cách đây 3 năm. 2 năm trở lại đây, hàng nghìn hộ nông dân Hà Tĩnh đưa giống này vào sản xuất trên tổng diện tích gần 18 nghìn ha.

“Sở dĩ giống này được trồng nhiều như vậy vì năng suất cao, ít sâu bệnh, gạo ngon, nhưng không ngờ lại thoái hóa nhanh như vậy” - ông Phong phân trần.

Theo tìm hiểu, năm 2016, do bị lũ lụt, Hà Tĩnh được hỗ trợ 500 tấn giống lúa, trong đó có 350 tấn giống Thiên Ưu 8 từ nguồn dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, không chỉ riêng giống do Trung ương hỗ trợ mà cả giống do người dân mua ngoài thị trường cũng nhiễm bệnh.

Hạnh Nguyên