Tìm hiểu về loài gấu

Bích Quyên (Nguồn tham khảo: Wikipedia) 10/05/2017 14:10

Trong rất nhiều loài thú thì gấu luôn được coi là loài quan trọng, thu hút sự chú ý của con người. Chúng thường được cho là một loài vật hung tợn với sức mạnh khủng khiếp và bộ móng vuốt khổng lồ. Tuy vậy sức hút của chúng đến con người vẫn rất lớn.

Gấu có nhiều phân loài, nhưng người ta thường biết đến gấu chó, gấu ngựa, gấu Bắc cực, gấu xám. Riêng với gấu trúc, lại là một phân loài hết sức đặc biệt.

Gấu chó sống chủ yếu trong các rừng mưa nhiệt đới Đông Nam Á. Loài này có thân hình gọn ghẽ so với những loài gấu khác. Sở dĩ gọi là “gấu chó” cũng chính bởi đặc điểm ấy. Gấu chó trưởng thành có chiều dài khoảng 1,2m, chiều cao khoảng 0,7m. Trừ gấu trúc ra thì chúng được coi là “em út” của họ hàng nhà gấu. Loài gấu này đuôi rất ngắn, chỉ khoảng 5-7cm. Cân nặng tối đa cũng chỉ trên dưới 60kg, có nghĩa là cũng chỉ nhỉnh hơn một con chó to chút đỉnh mà thôi.

Gấu chó.

Lông của gấu chó ngắn và mượt, phù hợp với môi trường sống độ ẩm cao. Chúng thường có màu đen, duy phần ngực có màu vàng da cam nhạt. Bàn chân gấu chó khá to, gan bàn chân trần thích hợp với việc leo trèo. Khi đi, chúng có dáng vẻ “vòng kiềng” do các chân hướng vào trong. Gấu chó thường kiếm ăn vào ban đêm, còn ban ngày chúng thường tắm nắng, nghỉ ngơi ở những quãng rừng thưa. Chính vì đặc điểm này mà gấu chó dễ dàng rơi vào tầm ngắm của những kẻ săn bắn.

Gấu chó rất thích ăn mật ong. Nhờ có khả năng leo trèo chúng có thể đu bám vào những cành cây cao để lấy mật ong. Nhưng cũng chính vì thế mà chúng thường bị ong đốt đến chết ngất. Lúc bấy giờ, một con gấu chó dù táo tợn đến đâu cũng không còn khả năng tự vệ. Loài gấu này sinh nở không theo mùa, mỗi lứa đẻ 2 con, sau khi mang thai khoảng 96 ngày. Sau khi được mẹ cho bú khoảng 18 tháng, gấu con tự đi kiếm mồi và sau 3 năm chúng đạt độ trưởng thành. Một con gấu chó sống trong điều kiện tự nhiên có thể tới 27 năm.

Gấu ngựa, hay còn gọi là gấu đen châu Á, thường sống ở những khu vực có độ 3.000m so với mực nước biển. Nó cũng là loài giỏi leo trèo cho nên việc kiếm thức ăn với chúng khá dễ dàng. Một con gấu ngựa đực trưởng thành nặng từ 100-120kg; gấu cái nhỏ hơn: chừng 70-90kg. Chiều dài toàn thân từ 1,5-2m, gần như một con ngựa.

Gấu ngựa.

Gấu ngựa được cho là loài thú khá hung dữ, chúng hoàn toàn có thể tấn công con người một cách trực diện. Tuy nhiên, loài gấu này cũng là đối tượng bị săn bắn nhiều nhất, tới nay chúng đã được đưa vào Sách đỏ của IUCN (Hiệp hội bảo tồn thế giới) như là loài dễ bị thương tổn trong số các động vật đang bị đe dọa. Gấu ngựa thường về khu vực gần người sinh sống, phá hoại hoa màu, vì thế chúng bị săn đuổi thường xuyên. Thêm nữa, người ta cho rằng mật của loài gấu này quý nên chúng cũng thường bị giết để lấy mật.

Gấu trắng Bắc cực là một loài động vật có vú lớn, là loài động vật ăn thịt lớn nhất trên đất liền. Loài gấu này có mặt ở ngoài khơi bờ biển phía bắc và tây bắc Alaska, Canada, Greenland, Svalbard (Nauy) và Liên bang Nga. Hiện chúng co khoảng 35.000 con, trong đó tới 60% sống ở lãnh thổ Canada.

Một con gấu đực Bắc cực khi trưởng thành có thể nặng tới 800kg, trong khi đó con cái chỉ chừng 400kg. Con đực trưởng thành dài khoảng 2,4-2,6m; con cái từ 1,9-2,2m. Người ta từng ghi nhận một con gấu Bắc cực nặng tới 1 tấn, khi đứng cao tới 3,4m.

Lông gấu Bắc cực màu trắng, lẫn vào với màu băng tuyết. Lông của chúng cũng không thấm nước, giúp cho việc bơi lội tìm mồi khá dễ dàng. Tuy nhiên, để chống chọi được với nhiệt độ quá thấp, cùng với bộ lông, gấu Bắc cực còn có một lớp mỡ dày đến 10cm. Nhờ đó, ngay cả khi nhiệt độ xuống tới -40°C thì gấu Bắc cực vẫn không hề rét mướt.

Một gia đình gấu Bắc cực.

Một con gấu cái khi mang thai cũng trùng với lúc loài này ngủ đông. Lúc đó, nhịp tim của nó giảm từ 70 lần/phút xuống 8 lần/phút, nhưng thân nhiệt của chúng vẫn bình thường. Khi ngủ đông, chúng sống được là nhờ vào lượng mỡ của cơ thể. Thật kỳ lạ là vào quãng thời gian này, chúng không hề đại, tiểu tiện.

Gấu Bắc cực nuôi sống mình bằng hải cẩu. Chúng thường lột da hải cẩu trước khi ăn và cũng chỉ ăn lớp mỡ dưới da và bộ lòng mà thôi. Loài gấu này được coi là sát thủ bậc nhất trong những động vật ăn thịt, nhờ vào sức mạnh của toàn bộ cơ thể, tốc độ chạy rất nhanh và sự dẻo dai hiếm gặp. Khi cách con mồi chừng 1m, chúng đẩy hai chân sau để bật tới với sức mạnh hủy diệt.

Một con gấu Bắc cực cái khi được 5 tuổi thì bắt đầu giao phối, trong khi con đực phải đợi đến 8 tuổi. Tháng 4 hàng năm là mùa “kết bạn” của gấu Bắc cực, sau đó gấu cái sẽ mang thai trong vòng từ 195-265 ngày. Người ta cũng không hiểu tại sao thời gian mang thai của loài gấu này lại chênh lệch quá rộng như vậy. Thường chúng đẻ sinh đôi. 26 ngày tuổi, gấu con đã có thể nghe được, nhưng phải đợi đến 1 tuần sau mới mở mắt. Gấu con bú mẹ chừng 20 tháng, sau đó tự đi kiếm mồi.

Gấu xám có khả năng bắt cá tài tình.

Loài gấu bị săn bắn nhiều không chỉ để lấy da, lông, thịt..., mà quan trọng hơn là lấy mật. Quan niệm mật gấu rất bổ đã là nguyên nhân chính đẩy chúng tới bờ của sự tận diệt. Tuy nhiên, y học hiện đại chứng minh rằng mật gấu không phải là một vị thuốc chữa những chứng nan y, ngược lại nó còn gây ra ngộ độc cho con người nếu dùng quá liều. Dẫu đã có nhiều cảnh báo nhưng nhiều người vẫn săn lùng mật gấu với giá cao. Vì thế, thị trường xuất hiện nhiều loại mật gấu giả, mang tới nguy hại cho người sử dụng.

Ở một số quốc gia châu Á, gấu được nuôi để lấy mật. Tuy nhiên, đó là điều không được khuyến khích.

Bích Quyên (Nguồn tham khảo: Wikipedia)