Phi hành gia - những điều ít biết

Thế Tuấn (Nguồn tham khảo: National Geographic) 12/05/2017 10:10

Cuộc sống của những nhà du hành vũ trụ được xem là rất đặc biệt, bản thân họ cũng đã là những con người có tố chất đặc biệt. Họ rèn luyện ra sao? sinh hoạt thế nào trên trạm không gian vũ trụ? sau một chuyến công du khi trở về trái đất họ thế nào? Đó là những câu hỏi không dễ gì để tìm được câu trả lời chính xác.

1. Trong một báo cáo cách đây chưa lâu của các nhà khoa học tại Đại học Michigan (Mỹ) đã làm dấy lên quan ngại về các sứ mệnh gửi người đến sao Hỏa. Báo cáo cho biết não của các phi hành gia thay đổi hình dạng trong các chuyến bay kéo dài trên quỹ đạo.

Trang Space Daily cho biết, đội ngũ chuyên gia đã tiến hành chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) cho các nhà du hành vừa mới rời Trạm không gian quốc tế (ISS), thấy một số khu vực của não có dấu hiệu hao hụt chất xám. Toàn bộ ảnh chụp não của 12 phi hành gia dành 2 tuần trên ISS và 14 người trải qua nửa năm trên trạm đều xuất hiện các dấu hiệu này.

Theo GS Rachael Seidlar- Trưởng nhóm nghiên cứu thì họ đã phát hiện khối lượng chất xám ở nhiều khu vực bị vơi đi, có thể liên quan đến sự tái phân bổ dịch não - tủy trong điều kiện không gian. Theo bà R.Seidlar, tình trạng vi trọng lực không thể rút dịch xuống cơ thể như bình thường, dẫn đến cái gọi là “mặt bị phù” trong không gian.

Nữ phi hành gia Nhật Bản Soichi Noguchi cắt tóc cho đồng nghiệp.

“Nhiều khả năng việc thiếu lực hút của trái đất dẫn đến sự chuyển đổi trong quá trình phân bố và cô đọng não bộ. Và đó là điều rất đáng phai quan tâm”- bà R.Seidler lưu ý. Bà cũng cho biết, nhóm nghiên cứu đã triển khai một cuộc nghiên cứu khác, nhằm theo dõi những thay đổi trên duy trì bao lâu sau khi các phi hành gia trở lại trái đất.

Câu chuyện về cuộc sống của những phi hành gia bên ngoài trái đất luôn thu hút sự quan tâm của mọi người. Đặc biệt, khi trở về họ có những biểu hiện khác lạ. Ví dụ như trường hợp của phi hành gia Scott Kelly, sau 1 năm “ngao du”, về lại trái đất đã cao thêm tới 5cm. Điều đó được giới khoa học giải thích là do các đĩa cột sống bị trọng lực (khi ở trái đất) nén lại, còn trong môi trường không trọng lực, lực nén không còn nên các đĩa này giãn ra, cột sống kéo dài ra dẫn đến chiều cao tăng lên- dù đã... hết tuổi lớn.

Trong khi Scott Kelly đã được NASA đưa lên Trạm Không gian quốc tế ISS (kéo dài 1), thì dưới đất người ta cũng theo dõi tình hình sức khỏe người em song sinh của ông là Mark, để làm cơ sở đối chiếu. Bằng cách so sánh đặc điểm của cặp song sinh này, các nhà nghiên cứu có thể xác định được toàn bộ những tác động của việc du hành vũ trụ đối với con người, đặc biệt là những thay đổi về mặt di truyền. Kết quả cho thấy, sau khi từ Trạm vũ trụ trở về, người anh đã cao hẳn so với người em song sinh.

Phi hành gia người Canada Chris Hadfield đánh đàn ở ISS.

Hiện, người ta đã có thể nhận thấy những thay đổi “khác bình thường” đối với những phi hành gia. Cụ thể như sau:

- Xương giòn: Do các phi hành gia không dùng chân đi lại mà trôi bồng bềnh trong môi trường không trọng lực, khiến khả năng chịu tải của xương chân, hông và cột sống của họ giảm xuống đáng kể. Vì vậy, xương sẽ trở nên suy yếu.

- Yếu cơ: Do chân và lưng không được vận động nhiều nên cơ bắp suy yếu và teo đi.

- Sưng mặt: Trong không gian, máu ở phần trên cơ thể chảy nhiều hơn, phần dưới chảy ít hơn. Do đó, mặt của các phi hành gia thường bị sưng.

- Tim nhỏ đi: Do trên vũ trụ tim làm việc nhẹ nhàng hơn và nếu kéo dài, kích thước tim sẽ giảm xuống.

- Cơ chế giữ thăng bằng: Trên vũ trụ, phi hành gia có thể bị mất phương hướng, mất cảm giác điều hướng và chóng mặt, buồn nôn. Khi trở lại trái đất, họ phải làm quen lại với trọng lực và khi đó việc đi đứng sẽ gặp khó khăn.

- Tăng nguy cơ ung thư: Do có thể phơi nhiễm phóng xạ trong vũ trụ.

- Rối loạn nhịp sinh học: Bởi trên không gian không có khái niệm 24 giờ 1 ngày.

- Cao lên: Khi lên vũ trụ, lực nén không còn nên các đĩa có xu hướng giãn ra, cột sống kéo dài và phi hành gia sẽ cao lên.

3 nhà phi hành gia đá bóng ở Trạm Không gian quốc tế (ISS).

2. Trong số những phi hành gia từng lên vũ trụ thì phi hành gia người Mỹ- Jeff Williams, là người hiện giữ kỷ lục về thời gian tích lũy nhiều nhất trong vũ trụ. Tính đến ngày 6-9-2016, J.Williams đã có hơn 534 ngày sống trong vũ trụ, phá vỡ kỷ lục do nhà du hành vũ trụ Scott Kelly lập khi thực hiện sứ mệnh kéo dài gần một năm trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Cuộc sống “ngoài trái đất” của các phi hành gia là những điều khác thường.

Ghi chép của Sheyna Gifford- nhà vật lý của NASA ít nhiều hé lộ những điều đó. S.Gifford viết: “Tôi và các đồng nghiệp đã sống qua 200 ngày trong một khu vực đặc biệt của NASA có tên là HI-SEAS IV. Buổi tối, bầu trời tối đen, dày đặc sương mù và bão bụi. Trời lạnh đến mức chúng tôi phải mặc tới 5 lớp áo và găng tay, bật lò sưởi liên tục và uống trà nóng để giữ nhiệt cho cơ thể. Không gian vắng lặng khiến chúng tôi dễ rơi vào trạng thái trầm cảm và sợ hãi. Khi rời trái đất, mỗi người trong phi hành đoàn được phát một túi sinh tồn. Bên trong chiếc túi này ngoài những thiết bị hỗ trợ sự sống còn có thêm một số những vật dụng cần thiết cho sinh hoạt cá nhân khác như giày, tất, bàn chải đánh răng, nước, mũ giữ ấm, đồ ăn nhẹ, và một chiếc máy tính bảng. Để tồn tại trong môi trường khắc nghiệt của sao Hỏa, chúng tôi phải mặc những bộ đồ không gian để cung cấp lượng oxy cần thiết, chống lại nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh cũng như là các tia cực tím nguy hiểm...”.

Elena Serova- nữ phi hành gia đầu tiên của Nga lên ISS và làm việc160-170 ngày đêm trên Trạm không gian quốc tế. Để làm được điều đó, người ta phải chuẩn bị tới gần 3 năm tại Trung tâm đào tạo phi công vũ trụ. E.Serova đã vượt qua khoá huấn luyện làm thế nào để sống sót qua mùa đông trong sa mạc, hoặc một mình bị rơi giữa đại dương. Vốn là một kỹ sư làm việc tại Tập đoàn sản xuất tên lửa phục vụ các chuyến bay, chị xin theo học Trung tâm đào tạo phi công và ngày 9/6/2009 chị tốt nghiệp. Sau đó chị được tuyển chọn vào đội ngũ những nhà du hành.

Thế Tuấn (Nguồn tham khảo: National Geographic)