Tham nhũng, không thể khoan thứ
Một danh sách những vụ án được đưa ra “điểm danh” chưa chắc đã phải là cuối cùng; nhưng chính việc nêu tên thẳng thừng những vụ án tham nhũng để dân biết, dân giám sát đã cho thấy sự công khai trong thông tin. Điều ấy cũng phần nào nói lên quyết tâm chính trị cao, tích cực, chủ động, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của pháp luật của các cơ quan chức năng.
Đối tượng Phạm Công Danh ngày ra xét xử.
1. Đầu năm 2017 các cơ quan tư pháp đã đưa ra xét xử công khai vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng -VNCB) và đồng phạm trong vụ đại án kinh tế thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB. Tại phiên tòa này, Hội đồng xét xử đã bác toàn bộ kháng cáo của Phạm Công Danh và y án 30 năm tù với nhân vật này. Một phiên tòa phúc thẩm kéo dài đến cả tháng, đi từ năm cũ qua năm mới với số lượng bị cáo- đồng phạm lên tới 26 người. Nó cho thấy 2 việc. Thứ nhất, số tiền bị thất thoát là lớn, tính chất vụ việc nghiêm trọng. Thứ hai, một vụ việc mà số lượng bị cáo lớn như vậy đủ thấy tính chất của lợi ích nhóm và sự câu kết làm trái quy định của pháp luật.
Tháng 2/2017, tại Hà Nội, lại một vụ án tham nhũng nữa được đưa ra xét xử công khai. Đó là vụ án tại Vinashinlines mà Giang Kim Đạt và đồng phạm đã lợi dụng chiếm đoạt tới 260 tỉ đồng. Chiều 22/2, Hội đồng xét xử sau 5 ngày làm việc đã tuyên án- những bản án nghiêm khắc cho những bị cáo đã cố tình tìm cách rút ruột tiền Nhà nước. Trong đó, đáng chú ý, các bị cáo Trần Văn Liêm, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) và Giang Kim Đạt đã phải nhận mức án tử hình. Còn bị cáo Trần Văn Khương phải nhận mức án tù chung thân. Có những bị cáo như Trần Văn Liêm, Trần Văn Khương, Giang Văn Hiển sau quá trình nghị án, tòa đã tuyên ở khung hình phạt cao hơn so với mức Viện Kiểm sát đề ra. Điều đó cho thấy, tính nghiêm minh của luật pháp và sự không khoan nhượng đối với những vụ án tham nhũng. Riêng với vụ Giang Kim Đạt, người ta đặt dấu hỏi: Vì sao chỉ một trưởng phòng của Vinashinlines mà có thể “điều binh khiển tướng” và rút ruột tiền công quỹ nhiều đến vậy? Phải chăng chỉ do khả năng quản lý yếu kém của cấp trên của Đạt hay vì chính những cấp trên ấy và chính những đồng nghiệp một thời của Đạt đã mờ mắt trước đồng tiền mà Đạt mang về đưa cho họ. Cũng có thể bởi cả hai mà những người đã từng đứng trong đội ngũ lãnh đạo; thậm chí là đảng viên đã ngã ngựa.
Bị cáo Giang Kim Đạt trước vành móng ngựa.
2. Trước đó, trong một phiên họp BCĐ TƯ về phòng chống tham nhũng, các thành viên BCĐ đã nhận định việc “đánh án” tham nhũng thời gian qua có biến chuyển tích cực là bởi sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp và sự nỗ lực của Ban Nội chính Trung ương. Nhưng, BCĐ cũng đã cho rằng: “Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm”. Trong đó, có những án điểm như: Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty In, thương mại và dịch vụ Agribank; vụ án “Đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam; vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh; vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương…
Một danh sách những vụ án được đưa ra “điểm danh” chưa chắc đã phải là cuối cùng; nhưng chính việc nêu tên thẳng thừng những vụ án tham nhũng để dân biết, dân giám sát đã cho thấy sự công khai trong thông tin. Điều ấy cũng phần nào nói lên quyết tâm chính trị cao, tích cực, chủ động, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của pháp luật của các cơ quan chức năng.
3. Nói về vấn đề chống tham nhũng, trong một phiên họp tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cử tri Trần Công Dân (phường Thành Công, Hà Nội) cho biết, cử tri cả nước đồng tình cao với sự cố gắng của Đảng, Chính phủ trong phòng chống tham nhũng kinh tế. “Chống tham nhũng quyền lực hình như càng khó khăn gấp bội. Dây kinh nghiệm chúng ta đã rút, nhưng rút dây kinh nghiệm chống tham nhũng quyền lực là động đến rừng, thậm chí cả cây gỗ quý” - cử tri Trần Công Dân chia sẻ khó khăn ấy.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri nói trên, Tổng Bí thư cũng đã thừa nhận: “Nhiều người bảo chống nội xâm càng khó, là vì tự ta đánh vào ta. Ai dám tự phê bình, tự nhận mình khuyết điểm, nhận kỷ luật. Kiểm điểm rất nghiêm túc, nhưng xin được rút kinh nghiệm, thế thôi... Vì vậy, việc chống tham nhũng vẫn chưa được như chúng ta mong muốn”.
Quả là đã xảy ra tình trạng chống tham nhũng gặp khó trong một thời gian khá dài. Đó là bởi, tham nhũng thường xảy ra ở những người có chức có quyền. Mà toàn những người chức quyền câu kết với nhau làm trái, rút ruột tiền Nhà nước thì sự che đậy hành vi tham nhũng của họ sẽ vừa tinh vi, vừa được che đậy theo “dây” hệ thống- điều chúng ta vẫn thường gọi bằng ba từ “lợi ích nhóm”. Khó phát hiện và khó xử lý tham nhũng chính là ở yếu tố này.
Bị cáo Huyền Như trước tòa.
4. Nhận rõ những nguy cơ không còn ở dạng tiềm năng mà đã chuyển sang dạng nhãn tiền, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều biện pháp để kiểm soát tình trạng tham nhũng của cán bộ có chức, có quyền. Nhưng, nói như ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, vướng là ở chủ quan của cán bộ.
Họ- những cán bộ có điều kiện và có khả năng tham nhũng, có tài sản mà tìm cách tẩu tán, hợp thức hóa như trường hợp của Giang Kim Đạt thì làm thế nào? Và, cũng không loại trừ khả năng, còn nhiều cán bộ cỡ Giang Kim Đạt hoặc chức vụ to hơn Đạt đã tẩu tán, hợp thức hóa những khối tài sản bất minh một cách thành công mà cơ quan quản lý chưa biết hoặc chưa tìm ra.
“Ngay kê khai tài sản như là một biện pháp được coi là “cứu cánh” nhưng còn rất hình thức. Có ai đi kiểm soát tài sản của cá nhân đâu? Cho nên nhiều người khai báo xong thì cứ ém trong hồ sơ thôi, khai báo xong để đấy chứ có làm gì đâu”- ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đã nói như thế.
5. Dự Hội nghị 6 UBTƯ MTTQ Việt Nam hồi đầu tháng 1 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ sự hoan nghênh khi Mặt trận đã đưa vào thảo luận Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bày tỏ mong muốn, “Mặt trận cần phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch. Mặt trận phải là nơi để người dân có thể phản ảnh, tố giác tội phạm tham nhũng, tố giác những người có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân” - Tổng Bí thư nói.
Thực ra chức năng giám sát phản biện xã hội của Mặt trận đã được thể hiện rất rõ trong Quyết định 217 và 218 của Ban Bí thư trong đó chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với các tổ chức đảng và cơ quan chính quyền, bao gồm cả việc giám sát các cán bộ, đảng viên, các đại biểu dân cử; tích cực tham gia chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… là một trong những nội dung giám sát quan trọng được chỉ rõ.
Trên cơ sở những quy định cơ bản ấy, chắc chắn, Mặt trận sẽ được tạo điều kiện để triển khai hoạt động giám sát và phản biện xã hội trên các lĩnh vực trong đó có chống tham nhũng lãng phí, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với mục tiêu tăng thêm sự đoàn kết thống nhất, đồng thuận xã hội chứ không phải là làm phân tán, phân tâm tư tưởng, làm giảm sự đồng thuận xã hội. Và Mặt trận sẽ làm tốt những gì Đảng và Nhân dân tin tưởng giao phó.