Gìn giữ bảo tàng địa chất của nhân loại
Nằm trên địa bàn 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ của tỉnh Hà Giang, Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn có quy mô diện tích tự nhiên khoảng 232.606 ha. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Quy hoạch xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030.
Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
1. Nằm ở độ cao trung bình 1.000 - 1.600m so với mực nước biển, cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ Trái đất. Khảo sát của các nhà khoa học ở Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, cao nguyên đá Đồng Văn đã trải qua tất cả các giai đoạn phát triển của vỏ Trái đất, từ Đại cổ sinh, Đại trung sinh đến Đại tân sinh với 13 hệ tầng địa chất đã được phân chia, bao gồm Chang Pung, Lut Xia, Si Ka, Bắc Bun, Mia Lé, Si Phai, Tốc Tát, Lũng Nậm, Bắc Sơn, Đồng Đăng, Hồng Ngài, Sông Hiến và Lân Pảng, trong đó Chang Pung là hệ tầng cổ nhất có niên đại khoảng 540 triệu năm.
Ngày 3/10/2010, tại Hy Lạp, Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (GGN) đã chính thức công nhận cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên của Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu, dựa trên những giá trị nổi bật về: cảnh quan; cổ sinh địa tầng; lịch sử phát triển địa chất - địa mạo và truyền thống văn hóa phong phú của cộng đồng cư dân bản địa.
Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên Địa chất toàn cầu là bởi những giá trị địa chất, địa mạo và những kiến tạo độc đáo của địa chất nơi đây. Vì thế, nó như một bảo tàng về địa chất của nhân loại và chứa đựng tiềm năng cho phát triển du lịch, trở thành sinh kế cho người dân.
Thực hiện các tiêu chí khuyến nghị của Chuyên gia Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, những năm qua Hà Giang đã và đang rất nỗ lực trong điều kiện của một tỉnh khó khăn. Công viên đã được tái đánh giá tư cách thành viên lần thứ nhất vào năm 2014 và đang chuẩn bị trải qua kỳ tài đánh giá lần thứ 2 vào năm 2018.
2. Trong Quy hoạch xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030, đã phân vùng phát triển không gian, định hướng và quản lý phát triển Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn với các vùng: Vùng bảo tồn di sản địa chất; vùng bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; vùng phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên; vùng bảo vệ cảnh quan, danh lam thắng cảnh; vùng phát triển đô thị và các khu trung tâm du lịch; vùng nguyên liệu nông, lâm sản gắn với chế biến công nghệ cao; vùng phát triển mạng lưới điểm dân cư nông thôn; vùng phát triển dược liệu chất lượng cao.
Trong đó, vùng bảo tồn di sản địa chất diện tích khoảng 35.840 ha, khoanh định 139 Di sản địa chất hiện hữu (cấp quốc tế, quốc gia và địa phương) phân bổ tại các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc thành 30 cụm di sản.
Vùng bảo vệ cảnh quan, danh lam thắng cảnh có tổng diện tích 2.564 ha gồm khu vực bảo vệ cảnh quan Mã Pì Lèng; khu vực bảo vệ cảnh quan di tích Cột cờ Lũng Cú; khu vực xã: Cán Tỷ (huyện Quản Bạ), Thài Phìn Tủng (huyện Đồng Văn).
Tại các khu vực nêu trên, hạn chế xây dựng mới, tôn tạo các công trình văn hóa, lịch sử hiện có. Nâng cấp, cải tạo hạ tầng các điểm dân cư nông thôn gắn với các hoạt động sản xuất, phát triển du lịch sinh thái, homestay, đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực tới cảnh quan môi trường tự nhiên.
Về định hướng phát triển đô thị, sẽ phát triển các đô thị đóng vai trò trung tâm du lịch. Đảm bảo liên kết, chia sẻ giữa các khu vực nội vùng và giữa vùng với khu vực bên ngoài. Nâng cao chất lượng hạ tầng xã hội, kỹ thuật và dịch vụ đô thị, không gian công cộng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho người dân và khách du lịch.
Tập trung phát triển các khu chức năng đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, dịch vụ thương mại. Bảo tồn các giá trị di sản đặc trưng tại các đô thị. Nâng cấp chất lượng hạ tầng và dịch vụ tại các làng truyền thống trong đô thị phục vụ du lịch cộng đồng. Các hoạt động xây dựng đảm bảo không ảnh hưởng tiêu cực tới cảnh quan thiên nhiên và môi trường tại các đô thị.
Hệ thống các đô thị gồm: Thị trấn Phó Bảng, thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn), thị trấn Mèo Vạc, thị trấn Xín Cái (huyện Mèo Vạc); thị trấn Tam Sơn, thị trấn Quyết Tiến (huyện Quản Bạ), đô thị (loại IV) Yên Minh, thị trấn Mậu Duệ (huyện Yên Minh). Đảm bảo định hướng phát triển về quy mô, tính chất, chức năng theo yêu cầu phát triển.
Quy hoạch chung xây dựng 4 đô thị - trung tâm du lịch gồm: Thị trấn Đồng Văn - Trung tâm du lịch văn hóa lịch sử; thị trấn Mèo Vạc - Trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm và thương mại cửa khẩu; đô thị Yên Minh - Trung tâm du lịch sinh thái, đô thị xanh; thị trấn Tam Sơn - Trung tâm du lịch, vui chơi giải trí.
Để gìn giữ và phát huy giá trị của Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn rất cần có sự phối hợp nhịp nhàng của các ban ngành, cũng như sự chung tay giữ gìn của bà con đang sống trên cao nguyên đá Đồng Văn.