Nhà rông - Biểu tượng đại ngàn

Hồng Duyên 11/05/2017 14:47

Bất cứ ai đặt chân đến Tây Nguyên, đặc biệt là khi đến buôn làng người dân tộc như Gia Rai, Ba Na... đều cảm thấy thú vị trước những ngôi nhà rông truyền thống. Nét đẹp kiến trúc của những ngôi nhà này thể hiện thẩm mỹ của bà con dân tộc, tôn vinh được bản sắc của đại ngàn Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiện nay nhà rông đang đứng trước nguy cơ bị bê tông hóa.

Biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên bên nhà rông.

Nơi gặp gỡ của cộng đồng

Ngày xưa, ở nhiều nơi trên dải đất Tây Nguyên đều có những ngôi nhà rông truyền thống. Theo đó, nhà rông được bà con dựng lên để làm ngôi nhà cộng đồng (giống như đình làng người Kinh), dùng làm nơi tụ họp, trao đổi, thảo luận của dân làng trong các buôn làng trên Tây Nguyên, hoặc còn là nơi đón khách (theo phong tục người Ba Na), dù khách riêng của gia đình hay chung của làng. Bên cạnh đó, nhà rông còn là nơi lưu giữ các hiện vật truyền thống: cồng, chiêng, trống, vũ khí, đầu các con vật hiến sinh trong các ngày lễ.

Nhà rông được xây dựng chủ yếu bằng các vật liệu của chính núi rừng Tây Nguyên như cỏ tranh, tre, gỗ, lồ ô... và được xây cất trên một khoảng đất rộng, nằm ngay tại khu vực trung tâm của buôn.

Qua khảo sát, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, nhà rông thường được dựng trên những cột cây to, thường là 8 cột bằng cây đại thụ, thẳng, chắc. Mỗi ngôi nhà rông thường dài khoảng 10 m, rộng 4-6 m, cao 15-16 m (có những nơi, bà con dựng nhà rông cao tới 18 m), lá lợp bằng cỏ tranh hay lá.

Nhìn mái nhà rông giống như lưỡi búa hướng thẳng lên trời cao như thách đố với thời gian, với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Trên đầu cầu thang chính lên nhà rông thường được trang trí các mô típ, văn hóa đặc trưng của các dân tộc như ngọn rau dớn, quả bầu, nồi đồng hay cối giã gạo… Tất cả được tạo nên bằng đôi tay tài hoa, bằng trí tuệ và sức lực của cộng đồng.

Nguy cơ bêtông hóa

Tuy nhiên, trải qua thời gian, hiện nay nhà rông chỉ còn nhiều ở 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Thống kê của ngành văn hóa tỉnh Kon Tum cho biết, tỉnh Kon Tum hiện có 445 nhà rông truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó khoảng 77% giữ đúng nguyên mẫu cột gỗ, mái tranh, xung quanh tre nứa. 23% số nhà rông còn lại được xây dựng hiện đại hóa bằng các vật liệu bêtông, sắt, thép với nền xi măng, tường gạch, mái lợp tôn.

Riêng thành phố Kon Tum có 57/62 làng đồng bào dân tộc thiểu số có nhà rông, nhưng có đến 31 nhà rông bị bêtông hóa. Đây là một vấn đề mà giới nghiên cứu văn hóa dân gian đang lưu tâm, đồng thời quan ngại về nguy cơ mất dần nét bản sắc văn hóa cộng đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bà con sử dụng các vật liệu hiện đại phục vụ cho cuộc sống gia đình, hay cộng đồng thôn bản là cần thiết, nhằm cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy vậy, cũng có những ý kiến băn khoăn.

Cụ thể, việc bêtông hóa nhà rông đã kéo theo nhiều hệ lụy bởi nơi tập trung sinh hoạt cộng đồng của người bản địa không còn “cái hồn” nữa, người già không thiết tha ngồi hát dân ca trên sàn xi măng, con trẻ chẳng thích chạy quanh trụ bêtông chơi trốn tìm. Đặc biệt hơn, tiếng cồng, tiếng chiêng khi biểu diễn trong những ngôi nhà rông bị bêtông hóa cũng không còn giữ được âm sắc của núi rừng. Hay điệu múa xoang cũng trở nên lạc nhịp trong không gian của sàn xi măng hiện đại…

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến ngày càng nhiều nhà rông bị bê tông hóa, ông Trương Xuân Nhật- Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VHTT&DL tỉnh Kon Tum) cho rằng, do các nguyên vật liệu từ rừng để làm nhà rông như gỗ, tranh đều rất khan hiếm, việc nhà rông bị bêtông hóa là không thể tránh khỏi.

Chính quyền địa phương đã tuyên truyền bà con nên gìn giữ, bảo tồn các nếp nhà rông cũ còn giữ nguyên kiến trúc và vật liệu truyền thống. Những nhà rông mới bắt buộc phải xây dựng theo kiểu hiện đại nên giữ lại kiến trúc truyền thống, mỗi địa phương có thể nghiên cứu, chọn làm một ngôi nhà rông phù hợp với đặc điểm văn hóa từng vùng, từng địa bàn.

Nhà rông là thiết chế văn hóa cổ truyền, là biểu tượng sinh động, đầy kiêu hãnh của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Nó có một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của người đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên và là nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của bà con. Một khi mái nhà rông không còn “cái hồn,” các bản sắc, ý thức văn hóa khác cũng khó có cơ hội được bảo tồn.

Hồng Duyên