Bảo tàng cho thuê đất trái quy định
Thời gian gần đây, có nhiều ý kiến phản ánh về việc cho thuê sân bãi để kinh doanh, gây nên tình trạng lộn xộn tại các bảo tàng ở Nghệ An. Qua thực tế, chúng tôi thấy những phản ánh của người dân là có cơ sở.
Quán cà phê Tre Việt nằm trong khuôn viên Bảo tàng Nghệ An.
Biến bảo tàng thành nơi kinh doanh
Có mặt tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh (BTXVNT) tại đường Đào Tấn, phường Cửa Nam, TP Vinh, chúng tôi thấy tại mặt trước của bảo tàng có 5 ki-ốt bán quần áo. Hỏi ra mới biết, các hộ kinh doanh thuê với mức giá 2,8 triệu đồng/tháng/ki-ốt. Ngoài ra, trong khuôn viên đơn vị này còn có một quán cà phê Thành Cổ, đi sâu vào phía sau là gara ô tô với diện tích cả nghìn mét vuông, xây biệt lập. Nếu không có phản ánh, sẽ rất khó nhận biết đây là phần đất được cấp cho BTXVNT bởi nó được xây “kín cổng cao tường”, tách một cổng ra vào riêng biệt và cho một đơn vị thuê mở showroom bán ô tô. Như vậy, với việc cho thuê mặt bằng không đúng quy định, ước tính mỗi năm BTXVNT thu về hàng trăm triệu đồng, câu hỏi đặt ra là khoản tiền nói trên sẽ được sử dụng ra sao?.
Không kém cạnh, Bảo tàng Nghệ An (BTNA) cũng cho thuê mặt bằng để người kinh doanh mở quán cà phê Tre Việt trên diện tích rộng khoảng 400m2. Việc kinh doanh đồ uống tại BTNA diễn ra tấp nập với lượng xe ô tô, xe máy ra vào thường xuyên đậu, dựng lộn xộn chắn lối đi làm mất mĩ quan ở nơi lưu trữ văn hoá. Điều đáng nói, quá trình tìm hiểu, chúng tôi đều nhận được câu trả lời từ người có chức năng của các bảo tàng rằng, họ làm theo luật?.
Tìm hiểu được biết, năm 2011, BTNA dùng hơn 800 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, nằm trong dự án xây dựng khu trưng bày nội, ngoại thất BTNA do UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt năm 2010 để thi công một công trình rộng hơn 400m2. Nhưng sau khi xây dựng xong, BTNA ký hợp đồng với một cá nhân cho thuê lại công trình để mở quán cà phê Tre Việt với mức giá 7 triệu đồng/tháng, hợp đồng có giá trị thực hiện trong 15 năm. Để phù hợp với việc kinh doanh cà phê, BTNA đã đồng ý cho đối tác tháo dỡ, cải tạo một số hạng mục công trình nhưng không xin phép cơ quan có thẩm quyền.
Cố tình làm trái quy định?
Về việc này, Đoàn thanh tra của UBND tỉnh Nghệ An đã làm việc với BTNA và kết luận: BTNA cho thuê công trình để người dân mở quán cà phê Tre Việt là không đúng chức năng nhiệm vụ của bảo tàng được quy định tại Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL. BTNA là đơn vị được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động nên chưa đủ điều kiện để cho thuê đất hoặc dùng đất để góp vốn kinh doanh, liên kết theo quy định. Kết luận của Đoàn thanh tra là vậy nhưng suốt hơn 3 năm qua, BTNA vẫn không có động thái khắc phục, quán cà phê vẫn hoạt động hết công suất.
Ông Cao Văn Xích, Giám đốc BTXVNT thừa nhận: “Bảo tàng không có thẩm quyền cho thuê đất”. Vậy nhưng ông Xích lại chống chế: Theo Luật Di sản, bảo tàng có chức năng tổ chức các hoạt động dịch vụ. “Chỗ quán cà phê là mô hình xã hội hoá, chúng tôi phối hợp với Hội Cổ vật Sông Lam, họ đầu tư và chỉ được hoạt động vài ba năm là họ rút. Các ki-ốt cho thuê bán quần áo đã hình thành từ mấy chục năm rồi. Riêng chỗ bãi trông xe rộng hơn 1.000m2, đã có quy hoạch của UBND tỉnh, dùng để phục vụ khách tham quan”- ông Xích khẳng định. Tuy nhiên, hiện bãi trông xe này do một cá nhân bỏ tiền ra đầu tư và khai thác là trái với quy định.
Qua đó cho thấy, những việc “lùm xùm” trong khai thác mặt bằng của 2 bảo tàng nêu trên cần được ngành chức năng tỉnh Nghệ An vào cuộc làm rõ.