Trái đắng từ giấc mơ xuất ngoại - Bài cuối: Nhiều lỗ hổng quản lý
Việc tạo điều kiện cho các công ty cung ứng nhân lực tuyển người địa phương đi xuất khẩu để góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên không ít doanh nghiệp cung ứng nhân lực xuất khẩu lao động đã trục lợi trên những giọt mồ hôi, nước mắt của người lao động.
Ma trận công ty cung ứng nhân lực
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Đắk Lắk, đến cuối năm 2016 Sở đã giới thiệu 35 doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân đến các địa phương để tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong năm 2016, các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ và Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐTB&XH đã tư vấn cho 2.310 lượt người lao động có nhu cầu đi XKLĐ. Kết hợp với các chương trình XKLĐ, năm 2016, toàn tỉnh có 560 lao động xuất cảnh đi làm việc tại các nước: Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ả Rập Xê Út… công việc làm chủ yếu là công nhân xây dựng, cơ khí chế tạo, sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm, giúp việc gia đình…
Ông Lê Hạnh, Trưởng phòng Việc làm-An toàn lao động (thuộc Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Hiện tỉnh Đắk Lắk chưa có một công ty, doanh nghiệp nào được Bộ LĐTB&XH cấp phép trực tiếp tuyển dụng đưa người đi XKLĐ ở ngoài nước. Lâu nay việc tuyển người đi lao động xuất khẩu do chi nhánh, văn phòng các công ty, doanh nghiệp ở các tỉnh khác được cấp phép đến liên hệ với Sở và thực hiện tuyển dụng.
Mặc dù công tác quản lý nhà nước được Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk khá bài bản, nhưng lợi dụng các kẽ hở như công ty này tuyển dụng nhưng lại bán sang cho công ty khác ký hợp đồng đưa đi lao động nước ngoài, thậm chí khi người lao động khiếu nại thì các công ty này đổ trách nhiệm cho nhau không ai chịu nhận và đứng ra giải quyết. Có công ty thay đổi tên khác hoặc các nhân viên chuyển qua làm cho công ty khác để tránh sự phát hiện của người lao động khi muốn tìm tung tích các đối tượng môi giới.
Không chỉ chị Nguyên, chị Hằng là nạn nhân của Công ty Quang Trung mà nhiều người lao động khác cũng bị các công ty cung ứng nhân lực dạng này môi giới dụ dỗ và thoái thác trách nhiệm khi xảy ra chuyện. Bà Phan Thị Bích Phương cán bộ Phòng Việc làm và An toàn lao động (Sở LĐTB&XH Đắk Lắk) cho biết, trong năm 2016, bên cạnh đơn thư của chị Nguyên phản ánh, Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận đơn 3 người lao động gồm Nguyễn Văn Hậu, Phạm Nhật Trường (cư trú tại phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột) đi làm việc tại Qatar và bà Nguyễn Thị Hạnh (mẹ của bà Hoàng Thị Hoàng Anh) đi làm việc tại Ả Rập Xê út do Công ty Cổ phần xây dựng cung ứng nhân lực và xuất khẩu Thiên Ân đưa đi nhưng không đúng như hợp đồng đã ký phải về nước trước thời hạn; riêng bà Hoàng Thị Hoàng Anh ở Ả Rập Xê Út đang kêu cứu xin được về nước. Trước những đơn thư phản ánh của người lao động, Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk gửi công văn cùng đơn thư của người lao động đến Công ty này, thế nhưng thay vì đối thoại tìm hướng giải quyết cho người lao động, phía Công ty này lại vòng vo và trốn tránh.
Trước đó, năm 2012 hai công ty gồm Công ty Cổ phần dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia Thanh Hóa, Công ty Cổ phần xuất- nhập khẩu tổng hợp Sơn La cũng đến địa bàn huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk tuyển 6 lao động đi làm việc tại Malaysia. Các hộ đã đứng ra vay tiền của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện từ 18 đến 28 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi nộp tiền cho các công ty này chờ đợi năm này qua năm khác. Sau khi xảy ra việc phía các công ty này tuyên bố giải thể để trốn tránh trách nhiệm, Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk đã có công văn gửi đến Cục quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các công ty này thực hiện cam kết theo hợp đồng hoặc hoàn trả lại tiền cho người lao động, nhưng cho đến nay các công ty này vẫn phớt lờ.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Chỉ cần lên mạng gõ tên các công ty như đã nêu trên gồm Công ty Quang Trung; Công ty BIMEXCO; Công ty Cổ phần xây dựng cung ứng nhân lực và xuất khẩu Thiên Ân… sẽ cho ra hàng trăm bài viết, thông tin liên quan đến các hoạt động của các công ty này. Thế nhưng khi xảy ra đơn thư khiếu kiện của người lao động, họ lại đùn đẩy trách nhiệm, tìm mọi cách đổ lỗi cho người lao động. Thậm chí họ nhanh chóng thay đổi nhân sự công ty để các cơ quan chức năng không có căn cứ tìm ra.
Về trường hợp chị Hồ Thảo Nguyên, Sở LĐTB&XH tỉnh cũng đã gửi công văn đến Công ty Quang Trung thì được Công ty này phúc đáp trước khi đi Ả Rập Xê Út thì lao động Hồ Thảo Nguyên đã được Công ty Quang Trung trao đổi chuyển lao động qua Công ty BIMEXCO. Sở tiếp tục gửi công văn đến Công ty BIMEXCO thì được phía Công ty này tiếp tục đưa ra các lý do là lao động không chịu làm việc, sử dụng điện thoại trong suốt thời gian làm việc; tự ý phá vỡ hợp đồng nên phía Công ty yêu cầu chị Nguyên phải bồi thường 26 triệu đồng. Công ty Quang Trung sau đó đã ra công văn thông báo thu hồi tư cách cán bộ tuyển dụng đối với ông Đỗ Đình Hiền người trước đây Công ty Quang Trung giới thiệu đến Sở làm công tác tuyển dụng lao động. Cùng với đó, ông Đỗ Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Quang Trung người trực tiếp liên quan vụ việc và tiếp quản chức vụ của ông Nguyễn Đình Hiền cũng được Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Công ty ra quyết định đình chỉ công tác…
Lần tìm về những người môi giới đưa chị Nguyên, chị Hằng đi Ả Rập Xê Út, chúng tôi được biết hiện những người trong gia đình bà Đinh Thị Nga sau khi Công ty Quang Trung rút khỏi địa bàn, nhóm người này đã chuyển sang làm môi giới cho Văn phòng đại diện tại Đắk Lắk của Công ty Cổ phần cung ứng nhân lực Việt-Nhật (địa chỉ tại số 75 Nguyễn Hữu Thọ, Phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột)…
Ông Lê Hạnh chia sẻ: Việc cấp phép cho các công ty tuyển dụng người đi lao động nước ngoài do Bộ LĐTB&XH cấp phép vì vậy khi các đơn vị này vi phạm thì cơ quan có chức năng thu hồi giấy phép và xử phạt là do Bộ. Theo các nạn nhân thì lợi dụng luật quy định khi ký kết hợp đồng lao động thì mỗi bên giữ một bản nhưng các công ty này thu luôn các hợp đồng giấy tờ trước khi bay qua nước khác. Vì vậy, khi các nạn nhân trở về không có hợp đồng trong tay nên rất khó đứng ra kiện các công ty tuyển dụng. Còn phía bên kia dù bị hành hạ, ngược đãi nhưng rất ít người có bằng chứng cụ thể để tố cáo chủ sử dụng.
Những lỗ hổng trong công tác quản lý, cấp phép cho các công ty tuyển dụng lao động, việc gian dối của các đối tượng môi giới đang khiến cho ước mơ xuất ngoại lao động của nhiều người dân trở thành cơn ác mộng. Để công tác XKLĐ thực sự đem lại lợi ích tốt đẹp cho mọi người lao động, rất cần có cách quản lý mới phù hợp với từng thị trường lao động ngoài nước, từng địa phương trên cơ sở các giải pháp hiệu quả nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, doanh nghiệp XKLĐ và xã hội.