Hà Tĩnh: Thảm cảnh ô nhiễm do chăn nuôi ế ấm

Hạnh Nguyên 12/05/2017 10:10

Lợn thừa quá nhiều, thị trường tiêu thụ kém, hàng trăm hộ nông dân ở Hà Tĩnh đang lâm cảnh khốn đốn, nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản. Nguy cơ tiềm ẩn như ô nhiễm môi trường, dịch bệnh… đang đe dọa người chăn nuôi.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ tình trạng tồn dư đàn lợn.

Tiềm ẩn nhiều mối nguy

Ông Phạm Văn Cảnh - chủ trại lợn nái ở tổ dân phố 5, thị trấn Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho biết trang trại của ông có hơn 350 con lợn nái và 1.000 con lợn thịt, mỗi ngày, dù chạy đôn, chạy đáo gọi mối thì giỏi lắm cũng chỉ xuất chuồng được 2 con. Đàn lợn cứ liên tục sản sinh, trong chuồng hiện còn có 500 con lợn thịt đã đến ngày xuất chuồng, chẳng ai hỏi mua. “Bình quân mỗi tháng sẽ có thêm 600 con lợn con sinh ra, trang trại vẫn phải duy trì các chế độ chăm sóc mất khoảng trên 50 triệu đồng/ngày. Chắc tôi chẳng thể cầm cự được lâu nữa , ông Cảnh nói.

Theo ông Cảnh, kể từ tháng 10/2016 đến nay, trang trại của ông phải chịu lỗ 1 tỷ đồng, riêng trong hai tháng 3 và 4/2017 lỗ 600 triệu đồng. Không còn cách nào khác, ông Cảnh phải mổ lợn, đưa thịt đi bán rong. Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Sửu - chủ trại lợn nái ở xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà đã giảm giá bán, đến gõ cửa từng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ “xin” bỏ giống và cho nợ tiền nhưng vẫn không bán được . “Tôi có 470 nái, dự kiến sẽ sản sinh khoảng 12.000 lợn con, hiện tôi chỉ có thể nuôi 4.000 con, còn lại chưa biết tính vào đâu”- ông Sửu ngán ngẩm.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, hiện nay, tại 26 cơ sở chăn nuôi lợn nái cung ứng quy mô vừa và nhỏ còn tồn đọng 30.000 con lợn giống. Giá lợn giống chỉ dao động từ 300 - 450 nghìn đồng/con nhưng mức tiêu thụ chậm khiến những cơ sở nuôi từ 300 con trở lên phải chịu lỗ 300 - 600 triệu đồng/tháng. Thời điểm này, tổng đàn lợn thịt đến kỳ xuất chuồng của Hà Tĩnh còn tồn đọng khoảng hơn 80.000 con. Lợn giống bán không ai mua buộc người dân phải loại bỏ bớt đàn. Nếu loại bỏ đàn, lợn chết sẽ chôn ở đâu và như thế nào để không ô nhiễm? Nếu nuôi sẽ phá vỡ cấu trúc chuồng trại, việc chăm sóc, công tác thú y sẽ không đảm bảo, dẫn đến dịch bệnh…

Xảy ra ô nhiễm môi trường

Từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều vụ việc ô nhiễm môi trường do chăn nuôi lợn đã xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh. Đó là việc ô nhiễm nghiêm trọng tại hồ chứa nước Vực Trống, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, sản xuất của hàng nghìn hộ dân xuất phát từ việc thải loại lợn dư thừa. Tại huyện miền núi Hương Sơn, nhiều trang trại chăn nuôi lợn xả thải trực tiếp ra môi trường khiến đập Hồ Vậy, đập Kim Thành, xã Sơn Tây bị ô nhiễm nguồn nước. Ông Phan Tiến Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Tây cho biết: Qua kiểm tra cho thấy, một số trại lợn chưa có bể bioga, một số trại quá tải và đều không đảm bảo các yếu tố về môi trường.

Cảnh hàng chục xác lợn chết vứt bừa bãi giữa kênh dân sinh ở xã Thạch Tiến hay vứt bên lề đường QL1B ở xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà vừa qua cũng khiến nhiều người khiếp đảm. Việc người dân tự giết mổ lợn tại nhà để tự “cứu mình” ở thời điểm này giúp họ vớt vát được chút vốn nhưng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. “Tôi sợ rằng nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ là tiền lệ xấu và dịch bệnh lây lan từ đó”- một cán bộ kiểm dịch chia sẻ.

Hạnh Nguyên