Tham gia sâu trong chuỗi giá trị toàn cầu
Ngày 12/5, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc và tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường”, tại Nhà khách Điếu Ngư Đài, Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự và phát biểu tại Tọa đàm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc 2017.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi Tọa đàm hợp tác Kinh tế, Thương mại Việt - Trung.Ảnh: TTXVN.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn hai nước tiếp tục phát huy những thành quả hợp tác, tiến tới chủ động xây dựng định hướng, kế hoạch, giải pháp và lĩnh vực hợp tác cụ thể với tầm nhìn chiến lược dài hạn, tối đa hóa thế mạnh của mỗi nước, cùng tham gia sâu và vươn cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng tham dự Tọa đàm có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành hai nước, cùng gần 500 đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ cao, bất động sản, tài chính, nông nghiệp hai nước.
Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: Trong những năm qua, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2016 đạt gần 72 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam là cửa ngõ và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN. Về đầu tư, Trung Quốc cũng là một trong số 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với hơn 11 tỷ USD tổng vốn đăng ký và có xu hướng liên tục tăng nhanh, trong đó nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận thị trường Việt Nam thông qua nền kinh tế mở Hongkong. Đồng thời, Việt Nam cũng đang nổi lên là điểm đến du lịch hấp dẫn của người dân Trung Quốc với những di sản, thắng cảnh nổi tiếng và các đường bay thương mại kết nối giữa hai nước liên tục được mở rộng.
Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Sau gần 30 năm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô trên 220 tỷ USD, trong đó tầng lớp trung lưu được coi là phát triển nhanh của thế giới. Đồng thời, Việt Nam cũng là nền kinh tế mở với quy mô thương mại gấp hơn 1,6 lần GDP. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang phát triển sâu rộng với mạng lưới Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã mở rộng không gian kinh tế cho hợp tác và phát triển.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh trạnh quốc gia, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài là động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Việt Nam đặc biệt coi trọng và ưu tiên thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Trung Quốc; mong muốn hai nước tiếp tục phát huy những thành quả hợp tác trong những năm qua, tiến tới chủ động xây dựng định hướng, kế hoạch, giải pháp và lĩnh vực hợp tác cụ thể với tầm nhìn chiến lược dài hạn, tối đa hóa thế mạnh của mỗi nước, cùng tham gia sâu và vươn cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong quá trình đó, cộng đồng doanh nghiệp hai nước không chỉ là chủ thể của tiến trình hợp tác kinh tế, mà còn đóng vai trò khởi xướng các ý tưởng đột phá, tạo động lực mới trong thương mại và đầu tư, góp phần củng cố và làm phong phú hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước”.
Nhấn mạnh Việt Nam sẽ chủ động tiếp cận, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; xây dựng nền tảng trong chuỗi giá trị để sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; tạo tiền đề cho tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững, Chủ tịch nước cho biết: Việt Nam hoan nghênh và mong muốn tiếp nhận thêm các dòng vốn đầu tư mới từ Trung Quốc, nhất là những dự án có hàm lượng công nghệ cao tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc mà Việt Nam có nhu cầu, ưu tiên các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ khí, điện tử, dược phẩm, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao. Xuất phát từ định hướng hợp tác với tầm nhìn dài hạn, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp và nhà đầu tư Trung Quốc đặc biệt chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, quan tâm lợi ích của người lao động và tham gia tích cực hơn vào các hoạt động an sinh xã hội tại Việt Nam.
“Với mục tiêu sớm nâng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương lên 100 tỷ USD theo hướng cân bằng cán cân thương mại, chúng tôi mong muốn các sản phẩm nông - thủy - hải sản đã qua chế biến, điện tử, hàng tiêu dùng của Việt Nam sẽ được tiếp cận thuận lợi hơn nữa với thị trường giàu tiềm năng của Trung Quốc. Đồng thời, tạo điều kiện để các sản phẩm công nghệ, linh kiện đầu vào phục vụ sản xuất cũng như hàng tiêu dùng của Trung Quốc tiếp cận thị trường Việt Nam với sức mua ngày càng tăng”- Chủ tịch nước nêu rõ đồng thời khẳng định: Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả, ổn định lâu dài gắn với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Trên cơ sở tiềm năng, nhu cầu và lợi ích chiến lược của Việt Nam và Trung Quốc, Chủ tịch nước tin tưởng rằng quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp trong thời gian tới.
Trước đó, phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương đánh giá cao tiềm năng và kết quả hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước thời gian qua; khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư tại Việt Nam và hỗ trợ mạnh mẽ để doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang thị trường Trung Quốc, thúc đẩy sự cân đối thương mại giữa hai bên. Phó Thủ tướng đề nghị hai cần bên tăng cường kết nối chiến lược phát triển, đi sâu hợp tác kinh tế thương mại, thúc đẩy hợp tác về năng lực sản xuất.
Trong khuôn khổ Tọa đàm, doanh nghiệp hai bên đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực phân phối sữa, thành lập nhà máy sản xuất giống lúa, sản xuất xi măng, du lịch.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường; Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang.