Thời tiết cực đoan ngày một nhiều lên

Tuấn Việt 13/05/2017 10:05

Không chỉ Việt Nam, biến đổi khí hậu thông qua các hiện tượng thời tiết cực đoan đã xuất hiện ngày một nhiều, với nhiều dị thường khó lường. Hậu quả là ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế - xã hội, gây thảm trọng về kinh tế lẫn con người. Chính vì vậy, nâng cao năng lực dự báo thiên tai, thời tiết là “bước đầu” quan trọng nhất, để Chính phủ có những chỉ đạo kịp thời, nhằm ứng phó có hiệu quả, giảm bớt các thiệt hại.

Mới đây Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận như trên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Điều này đặc biệt phù hợp với thực tiễn bối cảnh tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu, cực đoan thời tiết tại Việt Nam ngày một bất thường và khó lường.

Cụ thể, trong năm 2016, mưa lũ, gió bão, lốc xoáy đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho nhiều địa phương. Thống kê chưa đầy đủ, cả nước có 264 người chết và mất tích,5.431 nhà bị đổ, sập, trôi, gần 365 nghìn nhà bị ngập, hư hại, tốc mái, hơn 828 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp,

Cũng trong khoảng 3 năm trở lại đây, cực đoan thời tiết ngày càng hiện hữu với tần suất dày. Có thể kể đến các đợt rét đậm rét hại và băng tuyết phủ rộng nhiều tỉnh thành phía Bắc năm 2014. Mưa trái mùa tại Quảng Ngãi. Dông lốc bất thường tại Đà Lạt, Lâm Đồng năm 2015. Mưa lớn tại Quảng Ninh trong nhiều thập niên năm 2016. Bão đổ bộ bất thường vùng ven biển. Hạn hán cục bộ tại Ninh Thuận. Ngập mặn gay gắt ở Kiên Giang và Bến Tre. Sạt lở đất ở Lào Cai năm 2016.v.v..

Mới đây nhất là miền Bắc trong nhiều thập kỷ xuất hiện “kiểu” thời tiết lúc nóng, lúc lạnh, thậm chí ngay cả mùa đông 2017 cũng không còn băng giá nhường lại là cái nắng đầu hè. Khu vực miền Trung, Tây Nguyên xuất hiện mưa gió thất thường. Khu vực Nam Bộ trong tháng 4 hứng trọn một đợt nắng nóng kéo dài hơn 10 ngày với nhiệt độ lên tới 39 đến 40độC. Ngoài ra, đầu năm 2017, tình trạng sạt lở bờ sông, biển, kéo theo hệ quả là nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền đang ngày càng gia tăng là hiểm họa cho sản xuất nông nghiệp. Nhiều địa phương nước mặn xâm nhập hàng chục km…

“Tình trạng thời tiết, khí hậu ngày càng cực đoan, khiến xã hội đang đứng trước những thách thức khó lường nhất trong nhiều thập niên trở lại đây. Hiện nay công tác dự báo là ưu tiên số Một. Chỉ có dự báo chắc chắn, chính xác, Chính phủ mới có những chỉ đạo ứng phó kịp thời, phòng chống hiệu quả, giảm bớt các thiệt hại cho nhân dân” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Hiện nay, theo báo cáo của Bộ TN&MT, hệ thống mạng lưới trạm quan trắc trên toàn quốc còn thưa thớt, chưa đáp ứng yêu cầu dự báo. Nhiều công trình thủy lợi, thủy điện, hồ chứa đang thiếu kiểm tra, giám sát từ lập quy hoạch đến vận hành hoạt động. Song quan trọng hơn cả là việc xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai ở một số địa phương, bộ, ngành chưa sát với thực tế, chưa phù hợp với những kịch bản ứng phó với các loại hình thiên tai, tình huống thiên tai cực đoan.

Nhiều địa phương còn phòng chống thụ động, hoặc tách biệt thiên tai, không gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo dự báo, tình hình thời tiết năm 2017 và những năm tiếp theo còn diễn biến phức tạp. Nếu tiếp tục một tâm lý “chờ thiên tai mới ứng phó”, sự tình sẽ khó lường.

Có lẽ đó là lý do, ngay từ lúc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác vận hành các hồ chứa thủy điện, đề xuất các giải pháp quản lý, vận hành an toàn và kiến nghị điều chỉnh các bất cập đối với các quy trình vận hành đã được phê duyệt nhằm bảo đảm an toàn công trình, góp phần chống lũ, chống hạn.

Bộ Xây dựng rà soát quy chuẩn, tiêu chuẩn về thoát nước của các đô thị, khu dân cư trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu, chỉ đạo các địa phương rà soát quy hoạch hệ thống tiêu thoát nước tại các đô thị và triển khai các phương án, giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng khi mưa lớn.Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhà ở chống bão lũ ở các tỉnh ven biển miền Trung.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp, xây dựng phương án ứng phó các loại hình thiên tai trên địa bàn theo cấp độ rủi ro thiên tai, đặc biệt, phải triển khai lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là phòng chống bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn. Bộ TNMT nâng cao năng lực dự báo…

“Sự thụ động phòng chống thiên tai sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, mà đối tượng gặp nguy hại vẫn là nhân dân. Đối phó với sự khó lường thời tiết, phải cần thêm những cảnh báo cẩn trọng, chính xác. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp. Phòng, ngừa là chính, song muốn vậy công cụ để thực hiện phải đủ mạnh, đủ tầm” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Tuấn Việt