Không tổ chức lễ kỷ niệm ngày, thành lập tràn lan

Minh Quang 13/05/2017 07:10

Một dự thảo Nghị định qui định ngày thành lập, ngày truyền thống của các Bộ, ngành, địa phương do Bộ VHTT&DL soạn thảo đang trong quá trình thẩm định trước khi cơ quan này trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Theo đó, bên cạnh những qui định chi tiết, cụ thể liên quan đến một lễ kỷ niệm ngày thành lập, dự thảo cũng nhấn mạnh việc cấm tổ chức những lễ kỷ niệm phô trương, lãng phí tổ chức tràn lan.

Theo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL), thống kê sơ bộ cả nước hiện hàng năm có khoảng 200 ngày thành lập, ngày truyền thống của các Bộ, ngành và địa phương. Việc qui định ngày thành lập, ngày truyền thống… trong thời gian qua vẫn chưa có văn bản pháp lý cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục để tổ chức.

Mỗi cơ quan, đơn vị có cách thức tổ chức khác nhau, nghi thức rườm rà dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”, gây tốn kém khiến dư luận không đồng tình. Chính vì lẽ đó, theo lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở, việc ban hành Nghị định về việc tổ chức ngày truyền thống, ngày thành lập như đã đề cập ở trên là cần thiết.

Nhưng từ những kỳ vọng của nhà quản lý, có nhiều băn khoăn đang được đặt ra: Liệu sự ra đời của một Nghị định có thực sự góp phần hạn chế được những thứ còn hạn chế trong hoạt động hội hè, lễ lạt bấy lâu nay?

Trước đó, vào tháng 12/2013, Nghị định 145/2013/NĐ-CP Qui định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài có hiệu lực cũng từng được cơ quan quản lý kỳ vọng siết lãng phí, tốn kém…

Khi ấy dư luận quan tâm hơn cả là qui định về hạn chế “kính thưa” trong các diễn văn báo cáo. Nhận định một cách khách quan, kể từ sau khi Nghị định nói trên được ban hành, thủ tục “kính thưa” trong nhiều hoat động hội hè, lễ lạt có giảm, góp phần tiết kiệm được ít nhiều thời gian và giúp buổi lễ không trở nên nhàm chán.

Nhưng nói rằng có tiết kiệm hay không, giảm bớt chi phí như kỳ vọng hay không, hẳn đến nay chưa có một khảo sát, thống kê nào cho thấy.

Và điều đáng nói là với Nghị định 145 kể trên, người có trách nhiệm của Bộ VHTT&DL khi ấy cũng đã khẳng định rằng, với các điều khoản qui định chi tiết và tỉ mỉ đến từng bộ trang phục, cách đi đứng, cách kính thưa, kính gửi, Bộ VHTT&DL cũng cho biết nghị định sẽ không đi kèm thông tư hướng dẫn; không qui định hình thức chế tài đối với những đơn vị vi phạm. Ai làm sai, cấp nào sai thì cấp đó phải chịu trách nhiệm xử lý ở cấp đó. Hay hình dung một cách dễ hiểu hơn, Nghị định chủ yếu mang tính vận động, khuyến khích người dân thực hiện…

Lần này, dự thảo Nghị định quản lý việc tổ chức các ngày lễ thành lập hướng tới đối tượng áp dụng là các Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự thảo cũng qui định nhiều điểm chi tiết, trong đó chi tiết đến cả trang phục của ban tổ chức, khách mời…

Theo dự thảo Nghị định, thẩm quyền và trình tự công nhận ngày thành lập, ngày truyền thống trong thời gian tới sẽ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh.

Mục tiêu của qui định này nhằm xóa bỏ hiện tượng công nhận tràn lan, không rõ ràng về thẩm quyền.

Việc có Nghị định nhằm siết hoạt động tổ chức các ngày thành lập được nhà quản lý kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý cần thiết nhằm điều chỉnh các hoạt động trong việc tổ chức buổi lễ mít tinh, lễ kỷ niệm trang nghiêm.

Những điều cấm được dự thảo Nghị định nêu gồm: Cấm lợi dụng hoạt động tổ chức lễ kỷ niệm nhằm mục đích chống phá đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cấm buổi lễ kỷ niệm phô trương, lãng phí…

Được biết, hiện dự thảo Nghị định đang trong quá trình thẩm định trước khi Bộ VHTT&DL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Nhưng có lẽ yêu cầu trước tiên với mỗi lễ kỷ niệm là đơn vị tổ chức cần xác định rõ: việc tổ chức ngày kỷ niệm thành lập thực chất chính là cái mốc nhắc nhau về việc giáo dục truyền thống, nhất là với thế hệ trẻ hôm nay.

Minh Quang