Xóa rào cản để kinh tế tư nhân phát triển
Rất nhiều sự kiện nóng diễn ra trong những ngày đầu tháng 5 này. Trong khi Trung ương sôi nổi bàn các giải pháp để cởi trói, tạo bứt phá cho kinh tế tư nhân thì một vấn đề không kém phần bức thiết với người dân đồng bằng sông Cửu Long đó là nỗi lo sạt lở.
Một nỗi lo hơn mọi nỗi lo đối với mỗi người tham gia giao thông đó là sinh mệnh của mình trở nên mong manh hơn bao giờ hết khi gặp những chiếc xe “điên” của những tài xế hung thần.
Sạt lở nghiêm trọng ở Vàm Nao (An Giang).
Rộng cửa với kinh tế tư nhân
Cửa đã rộng mở chưa từng có đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân khi mà tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ, chúng ta đã thừa nhận kinh tế tư nhân “là một trong những động lực”, và đến nay “là một động lực quan trọng”, để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Theo Tổng Bí thư, cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chăm lo phát triển kinh tế tư nhân nhanh, lành mạnh và đúng đắn hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng để giải phóng sức sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể làm nòng cốt để bảo đảm xây dựng thành công nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Do đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
Để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư nhấn mạnh, “Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, cần có sự đột phá trong tư duy và hành động, kiên trì đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật tốt luật pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với quy luật thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế; xoá bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.
Phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước, doanh nghiệp (DN), doanh nhân và người lao động. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch; ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, đặc biệt là phòng chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, “thao túng chính sách”, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính”.
Tất nhiên, không chờ đến Trung ương 5 vấn đề kinh tế tư nhân mới được nhìn nhận đúng vị trí của nó. Ngay sau hội nghị Thủ tướng đối thoại với DN vào tháng 4 năm ngoái, lần đầu tiên Chính phủ có riêng một Nghị quyết về DN tư nhân mang tên Nghị quyết 35, trong đó nhấn mạnh DN là đối tượng để phục vụ, được tạo thuận lợi để đầu tư, kinh doanh và phát triển. Tất cả các DN đều bình đẳng, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực và đầu tư kinh doanh.
Gần 1 năm thực hiện nghị quyết riêng cho DN có thể vẫn còn nhiều ý kiến chưa hài lòng từ việc thực thi Nghị quyết này sẽ được đưa ra “chất vấn” người đứng đầu Chính phủ, song không thể phủ nhận được sức mãnh liệt của cuộc cách mạng mà Nghị quyết này đã mang lại cho khu vực kinh tế tư nhân, đó là cuộc cách mạng mang lại sự bình yên hơn trong sản xuất kinh doanh, khi Nghị quyết khẳng định rõ “không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật”. Một năm đã trôi qua, gần như không còn xảy ra vụ việc nào gây bức xúc dư luận như vụ việc quán cà phê Xin Chào.
Nói và làm còn là một khoảng cách không nhỏ. Những năm qua, kinh tế tư nhân nước ta đã phát triển nhanh, có đóng góp lớn, giữ vị trí ngày càng quan trọng trong sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, kinh tế tư nhân chưa thật sự trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế; chủ yếu vẫn là kinh tế hộ cá thể. Nếu lấy mốc thời điểm là năm 2015, kinh tế tư nhân đóng góp 39,21% GDP cả nước, nhưng các hộ cá thể chiếm tới 31,33%, DN tư nhân chỉ đóng góp 7,88%.
Chưa kể, hơn 97% DN tư nhân hiện nay có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới... Phải tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn để kinh tế tư nhân phát triển phải là hành động thực sự.
Hồ hởi đón nhận tin vui và khẳng định Nghị quyết Đại hội Đảng đến Nghị quyết Trung ương 5 khẳng định vai trò kinh tế tư nhân là phù hợp, là niềm vui cho giới DN tư nhân ông Lê Vĩnh Sơn (Chủ tịch Công ty CP quốc tế Sơn Hà, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam) cho rằng DN tư nhân được cởi trói, được tạo môi trường phát triển mạnh mẽ sẽ đóng vai trò thỏa đáng nhất trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, để nghị quyết vào cuộc sống, theo ông Sơn, phải hiện thực hóa nó bằng những quyết sách cụ thể. Bởi nếu chỉ dừng lại ở nghị quyết, không có hành động quyết liệt, các cấp thi hành không tạo điều kiện cho DN thực sự thì rất khó.
Do đó, cần làm rõ Việt Nam sẽ tập trung lĩnh vực mũi nhọn nào, phát triển và hành động cụ thể ra sao? Gắn với đó, phải thực sự lắng nghe người dân và DN.
Sự nghiệp kinh tế là của toàn dân thì kinh tế tư nhân phải là động lực chủ yếu, đảm bảo phát triển bền vững, tự chủ của Việt Nam. Còn vai trò của Nhà nước là tạo ra môi trường, sân chơi, luật chơi, làm trọng tài.
Chính phủ kiến tạo là chính phủ không làm thay người dân và DN, mà tạo môi trường và khuyến khích huy động mọi nguồn lực trí tuệ của người dân để phát triển nền kinh tế.
Chỉ khi nào sự nghiệp kinh tế là sự nghiệp của người dân, chỉ khi nào sự nghiệp kinh tế huy động được không chỉ nguồn lực tài chính, mà cả trí tuệ thì mới đạt mục tiêu.
Phải đổi mới và cải cách đồng bộ cả hệ thống quản trị kinh tế quốc gia GS.TS Phùng Hữu Phú- Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị.
Ông Phùng Hữu Phú cho rằng, cải cách phải từ các góc độ lập pháp, hành pháp đến tư pháp để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển. Do đó, hệ thống cơ chế chính sách “phải thở hơi thở của thị trường”, thực sự là “bà đỡ”, tạo ra sự liên kết, phát triển mạnh mẽ cho DN nói chung và DN tư nhân nói riêng.
Đồng bằng sông Cửu Long điêu đứng vì sạt lở
Trong những ngày này người dân khu vực ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang nơm nớp nỗi lo sạt lở nghiêm trọng ở bờ sông Vàm Nao. Sạt lở đã làm 16 căn nhà bị trôi xuống sông, hơn 100 hộ dân xung quanh phải khẩn cấp di dời, điều đáng lo ngại là sạt lở không có dấu hiệu dừng lại.
Phân tích nguyên nhân khiến sạt lở nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long, PGS.TS Dương Hồng Sơn- Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng, hơn 50% nguyên nhân sạt lở là do khai thác quá tải lượng cát hiện tại của sông Mê Kông.
Trước tình trạng thiếu bùn cát và phù sa bồi đắp từ thượng nguồn, việc khai thác cát không giảm đi mà còn tăng lên đã dẫn đến việc sạt lở ngày một nhiều và diễn biến phức tạp hơn. Việc khai thác cát sẽ dẫn đến việc kết cấu địa tầng và dòng chảy thay đổi, từ đó dẫn đến tình trạng sạt lở và ảnh hưởng các tỉnh hạ nguồn.
“Do đó, để hạn chế sạt lở chúng ta phải khai thác có tính toán. Hiện nay hầu hết các tỉnh đều có quy hoạch khai thác khoáng sản liên quan đến cát nhưng đa số đều thực hiện riêng lẻ mà không dựa vào một quy hoạch tổng thể nào”- ông Sơn nói.
Điều đáng quan ngại hơn cả là sạt lở không chỉ mình An Giang gánh chịu, với tình trạng khai thác cát bừa bãi như hiện nay Hậu Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, TP HCM và một số tỉnh thành khác nằm cạnh sông sẽ rơi vào cảnh sạt lở, tính mạng, tài sản của người dân có thể bị hà bá nuốt chửng bất kỳ lúc nào nếu không có giải pháp kịp thời ngăn chặn tình trạng cát tặc lộng hành.
Hung thần xe khách và nỗi sợ hãi của người dân
Tuần qua, một vụ tai nạn thảm khốc gây rúng động dư luận vừa xảy ra. Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra lúc 4h30 ngày 7/5, tại Km 1632+100 đường Hồ Chí Minh qua thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê (Gia Lai) giữa xe tải 77C và xe khách 18B, làm 13 người chết, 32 người bị thương.
Thế là đã có 13 sinh mệnh bị tước đoạt, 13 gia đình mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha mẹ chỉ vì sự tắc trách của tài xế. Khi tai nạn thương tâm xảy ra, người ta đi truy tìm nguyên nhân của nó mới phát hiện ra quá nhiều kẽ hở trong quản lý xe khách.
Xe chạy quá tốc độ, chạy ngược chiều trong khi tài xế Võ Văn Quý khi được xét nghiệm đã dương tính với chất ma túy. Hiện Công an tỉnh Gia Lai khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Võ Văn Quý.
Tài xế gây hậu quả nghiêm trọng này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Sự việc là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người bất chấp pháp luật, coi thường luật giao thông đường bộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng cũng gióng một hồi chuông cảnh báo các cơ quan chức năng buông lỏng khâu quản lý, lỏng lẻo trong tiền kiểm khiến tính mạng của hành khách bị trao cho những hung thần xa lộ.
Rõ ràng, việc sát hạch, giám sát người điều khiển xe không thể xem nhẹ. Việc đăng kiểm, kiểm duyệt chất lượng xe không thể làm ào ào, bởi nếu chỉ lơ là một phút sinh mệnh hành khách có thể bị tước đoạt bất kỳ lúc nào.