Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in: Từ người tị nạn đến niềm hy vọng mới

Khánh Duy 14/05/2017 07:45

Khi âm thanh hân hoan của đám đông người ủng hộ vang khắp thủ đô Seoul, ăn mừng chiến thắng cách biệt trong kỳ bầu cử Tổng thống vừa qua, ông Moon Jae-in đã đứng trên bục chiến thắng và tuyên bố rằng: “Hôm nay chính là ngày để mở ra một cánh cửa mới với nước Cộng hòa Hàn Quốc”.

Trong bối cảnh hậu bê bối tham nhũng, ông Moon được coi là hy vọng mới của người dân Hàn Quốc.

Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hàn Quốc trong tuần này đã tuyên bố ông là ứng viên đắc cử chức Tổng thống với 41% số phiếu bầu. Ông Moon thừa hưởng vị trí lãnh đạo một đất nước mà người dân đang khao khát một nhà lãnh đạo có tầm nhìn mới.

Nhiệm kỳ của ông bắt đầu từ hôm thứ Tư vừa qua, và nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu chính là điều hành mối quan hệ với CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ, cùng lúc phải đối phó với vô số thách thức đang hiện hữu trong nước.

Ông Moon Jae-in, 64 tuổi, có xuất thân khá khiêm tốn. Ông sinh trưởng ở Geoje, một hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi phía Nam của Hàn Quốc, và sau đó trở thành một người tị nạn khi tháo chạy khỏi cuộc chiến Triều Tiên. Dù phải sống trong cảnh nghèo khổ khi còn bé, ông vẫn hoàn thành xuất sắc chương trình học phổ thông và sau đó giành được một xuất học tại trường ĐH Seoul trong những năm 1970, nơi mà ông ghi danh ngành luật.

Vào thời điểm đó, dưới chế độ quân chủ của Park Chung-hee, cha của bà Park Geun-hye, vị Tổng thống mới bị phế truất – ông Moon đã đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc biểu tình sinh viên phản đối chính quyền ông Park hạn chế quyền dân sự và chính trị. Ông bị bắt giữ và buộc thôi học tại trường ĐH Seoul, nhưng sau đó lại được phép nhập học trở lại để hoàn thành chương trình học.

Sau khi ra trường, ông Moon không thể kiếm được một công việc trong chính phủ, tại tòa án hay trở thành công tố viên, do từng bị bắt giữ vì hoạt động phong trào biểu tình sinh viên. Ông chuyển tới Busan, thành phố lớn thứ hai ở Hàn Quốc, nơi ông trở thành một luật sư nhân quyền, làm việc chung với ông Roh Moo-hyun, người trở thành Tổng thống Hàn Quốc trong năm 2003. Ông Roh sau đó chỉ định ông Moon làm Chánh văn phòng của mình, và kinh nghiệm quản lý đầu tiên của ông Moon từ đó phát triển.

Kể từ khi bắt đầu xây dựng sự nghiệp chính trị của riêng mình, ông Moon được xem là vị chính trị gia thừa hưởng nhiều tính cách đặc trưng của ông Roh, người dù rất có uy tín trong giới chính trị gia có tư tưởng tự do nhưng lại bị xem là người vận hành đất nước kém hiệu quả.

Ảnh chụp ông Moon năm 1987, lúc đang là một luật sư nhân quyền và lãnh đạo của một phong trào dân chủ.

Tiếp cận mềm mỏng với Triều Tiên

Nếu xét về nhân khẩu học, ông Moon thu được tỷ lệ ủng hộ thấp nhất trong giới cử tri lớn tuổi ở Hàn Quốc, những người có xu hướng bảo thủ và không hài lòng với quan điểm ôn hòa với Triều Tiên của ông Moon.

Trên các chương trình truyền hình mang tư tưởng cánh hữu, ông Moon thường bị cáo buộc là một người “biện hộ” cho Triều Tiên, và là người quá dễ tin, thiếu khả năng để có thể đảm bảo được vấn đề an ninh quốc gia của nước nhà.

Ứng viên đại diện cho trường phái bảo thủ trong kỳ bầu cử vừa qua, ông Hong Joon-pyo, từng tung cả một đoạn quảng cáo chiến dịch trong đó có chồng quốc kỳ Triều Tiên lên ảnh của ông Moon trên lá phiếu bầu, ám chỉ việc bỏ phiếu cho ông là bỏ phiếu cho Bình Nhưỡng.

Phần lớn các hãng truyền thông phương Tây đưa tin về kỳ bầu cử vừa qua ở Hàn Quốc đều tập trung vào chính sách của ông Moon đối với mối quan hệ với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, và cách thức mà ông sẽ đối phó với chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Ông Moon từng cam kết sẽ tăng cường quan hệ đồng minh lâu năm với Mỹ và hợp tác với Tổng thống Trump. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post, ông Moon cũng đánh tiếng rằng Tổng thống Trump “là người hiểu biết hơn những gì người ta tưởng”.

Nhưng cùng lúc, ông Moon cũng tuyên bố sẽ thổi luồng sinh khí mới vào mối quan hệ đóng băng với Triều Tiên, nói rằng ông ủng hộ việc tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp với Triều Tiên và tái khởi động lại các dự án hợp tác kinh tế còn đang dang dở với láng giềng phía Bắc.

Dưới thời Tổng thống Roh trước kia, ông Moon từng đóng vai trò nhà kiến thiết nên cái gọi là “Chính sách Ánh Dương”, trong đó chủ trương viện trợ vô điều kiện cho Triều Tiên để thúc đẩy việc giải trừ hạt nhân ở nước này. Nhiều nhà phê bình bảo thủ từng lên án chính sách này như một sự lãng phí tiền bạc và thất bại trong việc thay đổi thái độ của Bình Nhưỡng.

Việc làm, tham nhũng và nền kinh tế

Những gì mà người dân Hàn Quốc bàn luận nhiều nhất về cuộc bầu cử vừa qua chính là về việc tân Tổng thống của họ làm thế nào để giúp xã hội trở nên công bằng hơn, và làm thế nào để tạo động lực mới cho một nền kinh tế đang đầy bất ổn do tỷ lệ thất nghiệp và bất bình đẳng thu nhập ở mức cao.

Một cuộc thăm dò do hãng Gallup thực hiện, công bố một tuần trước ngày bầu cử, cho thấy hồi phục nền kinh tế và tạo cơ hội việc làm là hai vấn đề quan trọng nhất để người dân lựa chọn tân Tổng thống, trong khi vấn đề an ninh quốc gia chỉ đứng thứ ba.

Và để xoa dịu những nỗi quan ngại về tỷ lệ thất nghiệp, một trong những cam kết mà ông Moon đưa ra chính là tạo ra 12.000 công ăn việc làm mới trong chính phủ và ngành phục vụ công. Các công việc trong chính phủ ngày nay đặc biệt được giới trẻ Hàn Quốc ưa thích nhờ đặc thù ổn định cùng mức lương hưu cao.

Bà Park Geun-hye, người tiền nhiệm của ông Moon, đã buộc phải rời nhiệm sở sau hàng loạt cáo buộc cho rằng bà lợi dụng tầm ảnh hưởng của mình để giúp một người bạn thân thu về lợi bất chính hàng triệu USD từ các tập đoàn lớn.

Vụ bê bối trên đã khiến cho người biểu tình tràn ngập các khu vực quảng trường trên khắp cả nước trong nhiều tháng liền, phản đối cái mà họ cho là sự hợp tác đen tối giữa tầng lớp lãnh đạo cấp cao trong chính phủ và giới doanh nghiệp.

Giờ đây, trên cương vị Tổng thống, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ông Moon chính là lắng nghe nguyện vọng của người dân và nhổ tận gốc nạn tham nhũng, đồng thời cải cách các tập đoàn gia đình trị đang thống lĩnh nền kinh tế nước nhà.

Vụ điều tra của giới công tố viên liên quan tới vụ bê bối tham nhũng đã khiến bà Park bị luận tội cũng gây chấn động tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, Samsung Group, khi lãnh đạo Lee Jae-young bị bắt giữ vì hối lộ cho Tổng thống và người bạn thân của bà.

Geoffrey Cain, một chuyên gia phân tích kinh tế và tác giả của một cuốn sách về Samsung sắp được cho ra mắt, nhấn mạnh rằng những lời cam kết mạnh tay với các tập đoàn trong nước đã biến mất khỏi chiến dịch tranh cử của ông Moon.

Các đời Tổng thống Hàn Quốc trước đây, trong đó có cả bà Park, cũng từng tuyên thệ nhậm chức với lời hứa hẹn sẽ mạnh tay với các tập đoàn tài chính, nhưng đến sau đó lại thể hiện rõ sự bất lực- hoặc không sẵn lòng trong việc thực hiện cam kết này.

“Các tập đoàn lớn nhúng tay vào mọi thứ. Họ là một bộ máy tiền tệ và là bên bảo trợ chính trị của gần như mọi đời Tổng thống. Bởi vậy, xét về mặt chính trị, sẽ là không khôn ngoan nếu đối đầu với họ”- ông Cain nhận định.

Khởi đầu chông gai

Cuối cùng, ông Moon cũng không có đủ thời gian để ăn mừng chiến thắng của mình, bởi nhiệm kỳ của ông đã bắt đầu rất sớm, từ ngày 10/5.

“Khoảng thời gian ăn mừng của ông Moon sẽ rất ngắn ngủi bởi ông phải lập tức đối diện với khả năng Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân, các chính sách trong khu vực chưa rõ ràng của chính quyền Trump, bất đồng với Trung Quốc trong khi cử tri mong muốn các cuộc cải cách ngay lập tức trong hệ thống chính trị Hàn Quốc” - Markus Bell, Giáo sư thuộc Viện Nghiên cứu Đông Á, Trường ĐH Sheffield, nhận định.

“Ông Moon thậm chí còn không có thời gian để xem xét lại các thách thức này, bởi ông Donald Trump và ông Kim Jong-un sẽ thử thách ông ấy ngay từ lúc khởi điểm” - ông Bell nhận định.

Khánh Duy