Đấu giá tác phẩm nghệ thuật tại Việt Nam: Đường xa chuyên nghiệp
Tuần qua, câu chuyện họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan lên tiếng việc nhà đấu giá Lythi Auction không chịu trả tiền bức tranh “Cẩm chướng” dù đã đấu giá thành công từ ngày 17/12/2016 với giá khoảng 65 triệu đồng, cho thấy việc đấu giá tác phẩm nghệ thuật ở Việt Nam còn xa mới tiệm cận đến sự chuyên nghiệp.
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan và bức tranh “Cẩm chướng”.
Đấu giá thành công, 5 tháng vẫn chưa chịu trả tiền
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan cho biết, bức tranh “Cẩm chướng” được chị vẽ vào năm 2015, sau đó họa sĩ đã gửi triển lãm tại Eight Gallery vào tháng 5-2016 trong loạt tranh chủ đề “Sự sống mong manh”.
Cho tới tháng 12/2016, họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan được nhà đấu giá Lythi Aution mời tham gia mở màn cho cuộc đấu giá đầu tiên do Lythi Aution tổ chức vào ngày 17/12/2016.
Bức “Cẩm chướng” được đấu giá với giá khởi điểm 2.000 USD. Sau 4 lượt đấu và 3 người trả giá, bức tranh đã chốt với giá thắng cuộc là 2.500 USD (khoảng hơn 65 triệu đồng). Họa sĩ Ngọc Đan cho biết, chị đã giao tranh cho nhà đấu giá Lythi từ trước khi tổ chức đấu giá và giấy chứng nhận tranh sau khi đấu giá thành công.
Tuy nhiên sau gần 5 tháng kể từ lúc phiên đấu giá kết thúc (tính đến ngày 5/5), họa sĩ Ngọc Đan cho biết chị chưa từng nhận được bất cứ thông báo nào từ “Nhà đấu giá” về việc thanh toán.
“Trong khoảng thời gian đó, tôi phải chủ động nhắn tin hỏi 2 lần và một lần lên gặp trực tiếp để nói chuyện về số phận bức tranh. Thật sự đây là việc rất mỏi mệt đối với tôi, vì với tôi việc bán tranh không phải là nguồn thu nhập chính, rất hiếm hoi có những họa sĩ sống được bằng tranh, tôi hiện giờ chưa phải là một trong số đó nên vẫn phải làm nhiều việc tay trái để nuôi tay phải.
Vẽ chưa từng mưu cầu bán hay để rao bán nên việc bắt tôi phải cuốn theo chuyện tiền nong như thế này khiến tôi mệt. Tôi chỉ muốn bức tranh quay lại để khỏi phải đau đầu mặc dù trên thực tế bức tranh đã được “bán” kể từ ngày 17/12/2016”, họa sĩ Ngọc Đan bày tỏ bức xúc và công khai vụ việc lên Facebook.
Họa sĩ cũng chụp lại nội dung một số trao đổi trước đó với nhà đấu giá, trong đó có tin nhắn thông báo đến ngày 5/5 nếu không nhận được tiền bức tranh “Cẩm chướng” thì sẽ đòi lại bức tranh.
Bà Lý Thị Bích Ngọc- đại diện Lythi Auction cũng trưng ra nhiều tin nhắn giao dịch để chứng minh rằng khách hàng là người giàu có, nhưng liên tục ở nước ngoài, không kịp trả tiền tranh. Rồi thanh minh “trong công việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ như mình muốn”.
Chỉ đến khi sự việc được tung hê lên mặt báo thì đại diện nhà đấu giá mới rốt ráo đòi lại tranh để trả cho họa sĩ. Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan cho biết: Chiều 8/5, đại diện Lythi Auction đã đến giao trả tranh cho tôi”.
Điều lạ là, người đại diện này “đã đến tận nhà gặp trực tiếp người mua lấy tranh về”. Như vậy, có thể thấy lý do “liên tục đi công tác xa”, hay “thường xuyên sống ở nước ngoài” chỉ là cái cớ…
Cần giữ uy tín ngay từ đầu
Phải thừa nhận, sàn đấu giá các tác phẩm nghệ thuật ở Việt Nam mới được hình thành vài năm nay, với mong muốn tốt đẹp là để theo kịp, để hội nhập với thế giới.
Số các nhà đấu giá đang hoạt động cũng chưa nhiều, loanh quanh chỉ có Lạc Việt, Lythi Auction, Chọn… và nhóm đấu giá tranh trên mạng như Vietnam Art Space (VAS)…
Vì thế, sự non nớt là điều khó tránh khỏi. Đòi hỏi sự chuyên nghiệp ngay lập tức cũng là điều khó. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là chúng ta chấp nhận những điều sai quấy rất sơ đẳng.
Còn nhớ, ở phiên đấu giá nghệ thuật đầu tiên do Cty CP Bán đấu giá Lạc Việt tổ chức ngày 28/5/2016, cặp chóe Tứ Linh ở mức trả giá 6 tỷ 50 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 6/6/2016, Cty Lạc Việt đã nhận được phản hồi chính thức từ ông Vũ Mạnh Hùng (đại diện cho ông Đỗ Anh Dũng) về việc từ chối mua tài sản ông đã đấu trúng tại phiên đấu giá nêu trên. Phiên đấu giá nghệ thuật đầu tiên đã không thành công.
Trở lại vụ lùm xùm không chịu thanh toán tiền đấu giá tranh bức tranh “Cẩm chướng”. Vụ việc khi “lộ sáng” khiến nhiều người bất ngờ. Giới họa sĩ cũng tỏ ra bất bình và chán nản trước cung cách làm ăn của đơn vị tổ chức, cụ thể là nhà đấu giá Lythi Aution. “Làm ăn thế, còn ai muốn hợp tác nữa… Nên tẩy chay nhưng cơ sở như vậy!”- họa sĩ Phạm Hà Hải bức xúc.
Họa sĩ Đỗ Phấn thì bình luận: Buồn cười vì giá của một công ty đấu giá mà rẻ quá! Làm ăn chộp giật vậy không biết bao giờ Việt Nam mới có nổi một nơi đấu giá tranh?
Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình cho rằng: Lythi Auction vừa không chuyên nghiệp vừa thiếu tự trọng trong việc xử lý tình huống sau khi đấu giá tác phẩm “Cẩm chướng”... Sự chuyên nghiệp có thể học được, tuy nhiên, uy tín mới là vấn đề sống còn đối với bất kỳ cá nhân hay doanh nghiệp nào.
Điều hành một phiên đấu giá có thể còn lúng túng, thiếu sót, nhưng một khi “sự cố” xảy ra (điều rất khó tránh cho những “doanh nghiệp” non trẻ) thì việc đầu tiên cần nghĩ đến là giữ chữ “tín”.
Phân tích cụ thể hơn, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình cho rằng, “trong trường hợp này (không liên lạc được với người mua tranh), nhà đấu giá phải tự bỏ tiền túi ra, thanh toán cho họa sĩ đúng thời hạn.
Mọi tranh chấp nếu có, chỉ nên là việc giữa nhà đấu giá với người mua tranh. Bởi vì nhà đấu giá tồn tại và phát triển bởi người tạo ra tác phẩm chứ không phải bởi người tiêu thụ. Người mua có thể rất nhiều, nhưng người tạo ra chỉ có một. Uy tín không chỉ bảo đảm cho một thương vụ mà nhiều thương vụ khác nhau”.
Họa sĩ nên tỉnh táo
Tuy nhiên, bên cạnh đòi hỏi sự chuyên nghiệp của nhà đấu giá thì trước khi vào “cuộc chơi” các họa sĩ cũng cần tìm hiểu kỹ lưỡng. Bởi có đòi hỏi, có yêu cầu và được giải quyết thỏa đáng bằng những văn bản được pháp luật công nhận, thì khi có xảy ra những lùm xùm mới có cơ sở giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Ở trường hợp họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan, chị đã giao tranh để tham gia đấu và tự làm giấy chứng nhận giao tranh. Sau vụ việc này, họa sĩ Ngọc Đan cho rằng, “lẽ ra nhà đấu giá phải có giấy chứng nhận nhận tranh từ họa sĩ cùng các hợp đồng chi tiết nếu đấu giá thành công thì sẽ thanh toán ra sao trong thời hạn thế nào. Đằng này bên Lythi Auction không hề có gì, thậm chí còn ngạc nhiên khi tôi đưa ra giấy chứng nhận giao tranh và đòi ký xác nhận”.
Như vậy, có thể thấy rằng hiện một số họa sĩ vẫn tham gia, làm việc bằng niềm tin và cảm tính mà thiếu tìm hiểu về Luật Đấu giá. Bởi thiếu hợp đồng cam kết giữa họa sĩ với nhà đấu giá nên khi xảy ra chuyện, họa sĩ Ngọc Đan chỉ biết bức xúc phản ứng bằng cách “đòi” tranh về. Nếu có những hợp đồng cụ thể, họa sĩ hoàn toàn có thể khởi kiện chứ không chỉ là những phản ứng mang nhiều cảm xúc, thậm chí thể hiện “lực bất tòng tâm”.
Từ vụ việc này, nhiều họa sĩ thừa nhận họ khá mù mờ về các các khoản cam kết cũng như các điều luật bảo hộ khi đấu giá. Theo các chuyên gia, nhiều họa sĩ và các nhà sưu tập quên mất rằng, đấu giá thực chất là một hành vi kinh tế, là một sự trưởng thành của kinh doanh nghệ thuật. Bên cạnh đó việc đấu giá phụ thuộc vào nhiều thứ: cơ sở hạ tầng, pháp luật, cần chế tài đủ đảm bảo cho thuận mua vừa bán.
Theo bà Đỗ Thị Hồng Hạnh - Tổng Giám đốc Cty CP Bán đấu giá Lạc Việt, muốn việc đấu giá nghệ thuật Việt trở nên chuyên nghiệp, chúng ta cần phải làm tốt 4 điều: Học hỏi các nước phát triển, xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên môn giỏi; Làm thật, bán thật; Giữ chữ tín, trung gian giữa mua và bán thật khách quan; Theo đuổi đến cùng để xây dựng thị trường ngành đấu giá thật nghiêm túc. |