Cây cọ của đồng quê
Công chúng yêu mỹ thuật vừa có dịp chiêm ngưỡng những bức họa nổi tiếng của họa sĩ Tạ Thúc Bình tại nhà triển lãm Trường Đại học Mỹ thuật VN, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Những bức tranh sống động, đã dựng lại đồng quê Việt Nam những năm đầu thế kỷ trước.
Tác phẩm “Góp thóc vào kho”.
1. Đứng trước di sản hội họa mà họa sĩ Tạ Thúc Bình để lại, người ta có thể ngạc nhiên về sức lao động, sáng tạo của ông. Trong số những tác phẩm của ông để lại, có nhiều bức tranh với các chất liệu bột màu, lụa, thuốc nước về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Phong cách hội họa của hoạ sĩ Tạ Thúc Bình nghiêng về hiện thực và tràn đầy xúc cảm chân thành, gần gũi với quần chúng nhân dân.
Họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN cho rằng, tác phẩm của họa sĩ Tạ Thúc Bình thể hiện sự trân trọng đối với những con người trong lịch sử, gắn với vẻ đẹp đồng quê, cây đa, bên nước...
Sinh năm 1917, họa sĩ Tạ Thúc Bình quê ở phủ Lạng Thương (nay là TP Bắc Giang). Năm 1937, Tạ Thúc Bình tốt nghiệp Thành chung. Đi làm được 3 năm, ông thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và vào học khóa 15 cùng lớp với các họa sĩ: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Gấm…
Là người con của đất Kinh Bắc, những nét đẹp của tranh làng Hồ thấm sâu trong ông. Họa sĩ Tạ Thúc Bình đã tìm về làng tranh nổi tiếng này mời bằng được nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần tham gia kháng chiến.
Cùng với họa sĩ Trần Văn Cẩn, nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần, ông thành lập xưởng tranh tuyên truyền, vừa vẽ, khắc, in tranh. Con gái của ông, họa sĩ Tạ Diệu Tâm nhớ lại: “Khi đó, bố tôi làm ở Ty Thông tin Tuyên truyền khu XII.
Ông thành lập phòng hội họa, sáng tác các thể loại tranh tuyên truyền, tập hợp các nghệ nhân hoàn thành những bản khắc gỗ và in tranh trên chất liệu giấy điệp, giấy dó - một sản phẩm dễ làm, có thể tự túc nguyên liệu - rất thích hợp với hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ”. Hàng trăm bức tranh có nội dung diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm từ Bắc Giang chuyển về các tỉnh, sau đó được khắc, in lại để đưa về tận làng xã.
Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ông là một trong những người đầu tiên cùng với các họa sĩ: Trần Văn Cẩn, Trần Đình Thọ, Lương Xuân Nhị… tham gia thành lập lại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội).
Cái đẹp trong sáng nhiều ẩn dụ của tranh lụa thấm vào họa sĩ Tạ Thúc Bình qua con đường rất hàn lâm của hội họa phương Tây mà ông được hấp thụ tại nhà trường, tạo ra một phong cách rất riêng biệt gần với cách nhìn bình đồ của tranh dân gian.
Tác phẩm của ông thường gắn liền với những sự kiện của đời sống, cho dù có khắc nghiệt và gian khó đến đâu, ông cũng luôn nhìn ra vẻ đẹp của người và cảnh.
Những tác phẩm lớn của ông xuất hiện ở giai đoạn này, như những bức lụa khổ lớn: “Góp thóc vào kho”, “Mùa lúa chín”, “Mừng hội làng”... Đặc biệt, ở bức tranh “Mừng hội làng”, họa sĩ Tạ Thúc Bình đã khẳng định một hướng đi riêng khi miêu tả cả khu đình làng với cột trụ, mái cong, cây trái sum suê cùng cảnh hội làng như đấu vật, chọi gà, múa sạp, múa sư tử, hát chèo... Trong tranh có hàng trăm nhân vật mà không ai lẫn với ai, mỗi nhân vật mang một dáng vẻ. Hiện, tác phẩm được lưu trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Sinh thời, họa sĩ Tạ Thúc Bình quan niệm, “với tôi, cái đẹp phải gắn với không gian mà người nghệ sĩ đã đến, đã sống, đặc biệt là ở quê hương. Do đó, những tranh tôi vẽ thành công thường về con người và cuộc sống quê hương Bắc Giang”.
2.Họa sĩ Tạ Thúc Bình còn tham gia cộng tác với NXB Kim Đồng, và vẽ minh họa cho nhiều tác phẩm của các tác giả viết truyện lịch sử, truyện thiếu nhi như: “Thạch Sanh”, “Phù Đổng Thiên Vương”, “Bánh chưng bánh dầy”… Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ - nhà giáo Tạ Thúc Bình, NXB Kim Đồng phối hợp cùng gia đình cố họa sĩ Tạ Thúc Bình xuất bản cuốn sách ảnh “Dung dị một hồn quê Kinh Bắc”.
Cuốn sách dày 108 trang, in 4 màu, khổ 20x24cm. Đặc biệt, lần đầu tiên, nhiều tư liệu, tranh ảnh quý của họa sĩ Tạ Thúc Bình được gia đình công bố. Theo họa sĩ Tô Chiêm- người đứng ra biên soạn cuốn sách này, một mảng quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ Tạ Thúc Bình đã hình thành khi ông cộng tác với NXB Kim Đồng từ những ngày đầu thành lập (6/1957).
Ông là một trong ba người thiết kế bìa mẫu cho loạt sách đầu tiên của nhà xuất bản này. Những cuốn sách sau đó của NXB Kim Đồng, từ những tác phẩm lịch sử, truyện thiếu nhi của tác giả Nguyễn Huy Tưởng, Hà Ân, Tô Hoài, Thy Thy Tống Ngọc, Phạm Hổ… đến những cuốn truyện dân gian như “Tấm Cám”, “Bánh chưng bánh dày”, “Con cóc là cậu ông Trời”, “Thạch Sanh”, “Thánh Gióng”, “Sự tích Trầu Cau”… đều do ông vẽ bìa.
Họa sĩ Tạ Thúc Bình mất ngày 3-5-1998. Với cống hiến cho mỹ thuật Việt Nam, ông đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.