Vượt rào cản
Chị bạn tôi mới đây chia sẻ chuyện cô con gái đang ở tuổi 13 - 14, gặp trục trặc trong chuyện tình cảm bạn bè. Cô bé có chia sẻ với mẹ và tất nhiên người mẹ đã đưa ra một số lời khuyên. Tuy nhiên, chị khá lo lắng khi thấy con gái không thực sự thoải mái với những tư vấn của mẹ.
Hiểu vấn đề của con, chị đã khuyên con đến phòng tham vấn tâm lý của trường để tham khảo cách ứng xử cho phù hợp. Thế nhưng, cô bé lắc đầu, tỏ ra vô cùng e ngại, thậm chí nói thẳng rằng hầu như bạn nào đến phòng tham vấn tâm lý cũng bị bạn bè dị nghị, soi mói .
Ngoài ra các bạn cũng ngại người tư vấn không giữ được bí mật chuyện mình đang lo lắng, băn khoăn hoặc họ sẽ không thực sự hiểu được vấn đề mà học sinh gặp phải.
Lứa tuổi học sinh nhìn chung rất coi trọng mối quan hệ tình bạn, nên khi có vướng mắc thường tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bạn bè vì nghĩ cùng trang lứa, có những đặc điểm tâm lý tương đồng, có nhiều nỗi băn khoăn tương tự nên dễ sẻ chia tâm sự.
Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề của cuộc sống mà các bạn bè cùng trang lứa không có kiến thức và kinh nghiệm để cho những lời khuyên xác đáng nên thường không giải quyết được dứt điểm hoặc đi sai vấn đề. Vì thế rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ từ cha mẹ, thầy cô và đặc biệt là phòng tham vấn tâm lý học đường.
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn (Công ty TNHH Tư vấn tâm lý - đào tạo phát triển cá nhân & cộng đồng) cho rằng việc thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường trong các trường học đáp ứng nhu cầu cấp thiết của học sinh, là một giải pháp trong việc xây dựng trường học thân thiện, an toàn và bình đẳng.
Việc tư vấn tâm lý học đường nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức, trang bị cho học sinh kỹ năng phòng chống, ứng phó với tình trạng bạo lực và xử lý các tình huống có vấn đề trong học tập, cuộc sống; hỗ trợ, chia sẻ và giúp đỡ học sinh giải quyết các khó khăn tâm lý.
Song câu hỏi đặt ra là tại sao học sinh lại ngại đến phòng tham vấn để giải tỏa, thổ lộ những tâm tư, nguyện vọng của mình? Ông Đoàn cho biết, theo kinh nghiệm cá nhân cũng như kết quả của những cuộc khảo sát nhỏ lẻ cho thấy khi học sinh có vướng mắc về tâm lý, các thầy cô giáo không phải là đối tượng ưu tiên hàng đầu để các em tìm đến nhờ trợ giúp.
Học sinh có nhiều vấn đề cần tư vấn như vấn đề phát triển tâm sinh lý, ứng xử, đối mặt với những căng thẳng, áp lực trong học tập và các mối quan hệ, định hướng nghề nghiệp, rèn luyện kỹ năng sống, giá trị sống…
Vì vậy, để các em thật sự tin tưởng và đến các phòng tham vấn tâm lý học đường, trước hết, cần có một cơ sở tư vấn đáng tin cậy, đảm bảo sự riêng tư, nhạy cảm và bí mật, đặt ở địa điểm phù hợp.
Nhà trường cần tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, phẩm chất, cho đội ngũ những người tư vấn tâm lý, để họ trở thành những người có uy tín và là điểm tựa tinh thần vững chắc cho học sinh.