[ẢNH]: Tam Kỳ, ‘phố trong làng, làng trong phố’
Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Tam Kỳ vẫn giữ giữ gìn được nét độc đáo mà thiên nhiên đã ban tặng, Tam Kỳ đã khiến cho nhiều du khách ngỡ ngàng với nét đẹp “phố trong làng, làng trong phố”.
Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng hiện đại bên những thửa ruộng chín vàng.
Thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam được tổ chức Định cư con người Liên Hiệp Quốc tại châu Á (UN Habitat châu Á) phong danh là “Phong cảnh TP Châu Á”. Nó được xuất phát từ lịch sử thành phố với đặc điểm nổi bật của một địa danh năm núi, năm sông, gắn liền với thiên nhiên và con người. Càng đáng quý khi quá trình xây dựng và phát triển, Tam Kỳ vẫn giữ giữ gìn được nét độc đáo mà thiên nhiên đã ban tặng, nên Tam Kỳ đã khiến cho nhiều du khách ngỡ ngàng với nét đẹp “phố trong làng, làng trong phố”.
Thật vậy, là tỉnh lỵ Quảng Nam có diện tích 92,8 km2, với dân số 135.000 người. Là địa phương có 13 đơn vị hành chính, là vùng đất gặp gỡ của những con sông. Nơi hợp lưu của sông Bàn Thạch và hai nhánh sông Tam Kỳ xưa nay gọi là sông Tam Kỳ và sông Trường Giang.
Các công trình nhà làm việc, trường học, nơi thờ tự in bóng xuống hồ điều hòa, đẹp như những bức tranh thủy mạc.
Từ vùng đất Hà Đông tên gọi xưa của Tam Kỳ nay, bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, những con sông nặng nghĩa, nặng tình đem lại thủy hải sản, sự phì nhiêu cho vùng đất, đã chứng kiến những thăng trầm, thay đổi của vùng đất này.
Dọc theo những con sông là xóm làng hiền hòa, những lũy tre làng, hàng sưa soi bóng, những cánh đồng lúa phì nhiều trải rông,… cho đến ngày nay có thêm những khu phố mới mọc lên, nhưng con đường trải rộng, xanh, sạch, đẹp. Người dân nơi đây luôn sống một cuộc sống hiền hòa, yêu người, mến khách, đoàn kết để xây dựng quê hương.
Trong các khu dân cư, trên những con đường làng vẫn còn những hàng cau rợp bóng.
Theo ông Văn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ: Một bước ngoặt để Tam Kỳ phát triển, đó là sự chia tách tỉnh vào năm 1997, Tam Kỳ trở thành trung tâm trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị của tỉnh Quảng Nam. Chính nhờ những bước đi chiến lược mà Tam Kỳ liên tục gặt hái được những kết quả tốt. Đó là việc phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên vốn có, TP Tam Kỳ đã và đang tập trung phát triển thành phố trở thành đô thị thủ phủ xanh, cộng sinh với thiên nhiên và phát triển bền vững.
Khu Văn Thánh Khổng miếu được nhiều người biết đến như một địa chỉ tham quan đầy lý tưởng.
Cụ thể Tam Kỳ đã xác định phát triển theo hướng “Tăng trưởng xanh”, trong đó, xác định cơ cấu kinh tế của Tam Kỳ theo hướng du lịch, dịch vụ, thương mại - công nghiệp sạch, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường - nông nghiệp đô thị; nâng cao sự nhộn nhịp, sức hấp dẫn và hiệu quả của trung tâm đô thị. Xây dựng lối sống xanh cho người dân đô thị.
Bờ sông Tam Kỳ rợp vàng mỗi khi mùa hoa sưa nở.
Cùng với đó là phát triển chiến lược bền vững Nông- Lâm- Thủy sản; xây dựng đô thị cộng sinh với môi trường tự nhiên. Phát triển du lịch tự nhiên, du lịch đô thị… Chính vì vậy, dù thành phố Tam kỳ không ngừng vươn mình lớn dậy, với những công trình, phố xa nguy nga đẹp đẽ, nhưng phong cảnh thiên nhiên vẫn được giữ gìn.
Ngay trên những con phố là những hàng sưa đến kỳ trổ sắc vàng làm say đắm lòng người. Đó đây những cánh đông xanh, hay lúa vàng triễu bông nằm sát những con phố thân yêu. Đó đây những vồng khoai, luống cải, sân vườn, dòng sông êm đềm chảy qua phố thị, những ngư dân tung lưới dưới nắng vàng,… tất cả đã làm nên Tam Kỳ một thành phố “phố trong làng và làng trong phố”, đắm say lòng người.
Làng quê được tái hiện tại Quảng trường 24/3 trong dịp tết Đinh Dậu (2017).