Tìm nguồn nguyên liệu cho dệt may
Thị trường nguyên liệu sản xuất dệt may của Việt Nam đang được các nước đánh giá cao và đang tìm cách thâm nhập thị trường này. Lý do 86% nguyên liệu dệt may nhập khẩu từ các nước khác.
Bà Đặng Phương Dung - Phó Ban cố vấn Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chuyên gia Dự án EU – Mutrap cho rằng, ngành dệt may sức cạnh tranh còn yếu chủ yếu vì đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu bị động, giá trị thấp. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu đa phần là phụ thuộc. Theo tính toán, tỷ lệ lệ thuộc vải nhập khẩu chiếm 86% nhu cầu.
Liên quan đến vấn đề này bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thông tin, Việt Nam là một trong những nước nhập khẩu sợi dệt, vải nhiều trên thế giới, nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Hiện, ngành dệt may chủ yếu nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan...
Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành dệt may trong những năm qua không ngừng tăng. Chi nhập khẩu vải của ngành dệt may trong năm 2015 lên tới 10,85 tỷ USD, tăng hơn 1,422 tỷ USD so với năm 2014, ở năm 2016 cả nước cũng đã nhập khẩu vải các loại hơn 10,48 tỷ USD. Hiện nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số nguyên liệu nhập khẩu của ngành dệt may.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm 2017 này, nhập khẩu vải từ Trung Quốc là 1,2 tỷ USD. Ông Nguyễn Xuân Hồng - Chủ tịch Hội dệt may Thêu đan TP. HCM khẳng định, ngành dệt may đang ỷ lại vào các nhà cung cấp lớn. Chính vì thế mà tốc độ đầu tư nguyên phụ liệu trong nước thời gian qua vẫn còn chậm chưa đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất xuất khẩu, mặc dù ngành dệt may nhận thức được điểm yếu cố hữu trong nhiều năm qua. “Thị trường nguyên liệu dệt may của Việt Nam qua tiềm năng nên vài năm gần đây ngoài các thị trường cung ứng nguyên liệu truyền thống, một số quốc gia có trình độ dệt nhuộm phát triển cũng không ngừng tiếp cận và mong muốn thâm nhập sâu thị trường này”, ông Nguyễn Xuân Hồng nhấn mạnh.
Ông Stefan Moser – chuyên gia Dự án EU – Mutrap cho hay, với hiệp định thương mại Việt Nam – EU, chắc chắn nhiều đối tác thuộc EU sẽ chủ động tìm đến cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, điều này đồng nghĩa nguồn nguyên liệu của ngành dệt may Việt Nam sẽ đa dạng hơn. Thực tế cho thấy, không chỉ các nhà cung cấp nguyên liệu dệt may đang tìm cách chen chân vào thị trường Việt Nam và các nước trong khu vực cũng có kế hoạch tương tự.
Theo thông tin từ Phó chủ tịch Hội đồng xúc tiến xuất khẩu Dệt may Xơ sợi Ấn Độ, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu vải và nguyên liệu của Ấn Độ sang Việt Nam qua các năm qua là 20%/năm. Bà Smita Pant - Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP HCM nhận định, Ấn Độ và Việt Nam đã có ký kết hợp tác trong ngành dệt may. Dù cả 2 nước đều có tiềm năng hợp tác nhưng kết quả vẫn còn khiêm tốn. Không riêng gì Ấn Độ, DN của Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và cả Trung Quốc cũng không ngừng tổ chức các chương trình tiếp cận hàng năm để doanh nghiệp các nước tìm kiếm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Như vậy, cơ hội tiếp cận với các nguồn nguyên liệu giờ đây đã khá dễ dàng. Đây cũng chính là phương án để khắc phục các khó khăn về tiêu chí xuất xứ theo một số hiệp định đã đề ra trước đó.