Người tuần đường cứu 1.000 hành khách
Vừa qua, trong lúc đi tuần đường, anh Nguyễn Văn Hưởng (công nhân tuần đường, Cung đường sắt Cao Xá, Đội tuần đường Hải Dương, Công ty CP Đường sắt Hà Hải) phát hiện một đoạn đường ray bị gãy. Anh đã báo cho đơn vị khắc phục kịp thời, nhờ đó “cứu”được một đoàn tàu chở hơn 1.000 hành khách an toàn.
Anh Nguyễn Văn Hưởng.
Cuối buổi chiều một ngày tháng 5, chúng tôi có mặt tại Cung Cao Xá, xã Cao An, huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) để gặp anh Nguyễn Văn Hưởng, người đã “cứu” cả một đoàn tàu chở hơn 1000 hành khách an toàn, bình yên. Khi chúng tôi đến, cũng là lúc anh vừa đi tuần đường về. Trên gương mặt đen sạm vẫn còn lấm tấm những giọt mồ hôi, sau một buổi chiều đi tuần đường dưới cái nắng gay gắt đầu hè.
Hôm đó, ảnh Hưởng có cả tuần buổi sáng. Như thường lệ, anh dậy từ sớm vào nhận ca. 6 giờ sáng, từ ga Cao Xá anh đi bộ dọc đường ray về ga Cẩm Giàng. Vừa đi anh vừa kiểm tra các đoạn ray, rà từng bu lông, ốc vít, tay ray. Đến km 47 + 960 thuộc thôn Phú An (xã Cao An), ảnh Hưởng chợt phát hiện một đoạn ray bị gãy rời hẳn ra.
Lúc này, mới 6 giờ 15 phút, anh Hưởng nghĩ chỉ 1 giờ đồng hồ nữa là có một đoàn tàu khách chạy qua đây, nếu không xử lý hoặc thông báo kịp thời thì hậu quả sẽ rất khôn lường, tính mạng của bao nhiêu hành khách trên đoàn tàu bị đe dọa. Nghĩ vậy, anh liền gọi điện thoại về báo cho lãnh đạo đơn vị, sau đó anh đặt pháo phòng vệ ở 2 đầu đường sắt để cảnh báo mất an toàn.
Nhận được thông tin sự cố, lãnh đạo Cung Cao Xá ngay lập tức huy động toàn bộ công nhân vận chuyển 12,5m đường ray mới lên xe goòng đẩy đến nơi có sự cố. Mọi người khẩn trương tháo thanh ray gãy để lắp đặt thay thế thanh ray mới. Còn anh Hưởng sau khi thông báo và chờ khi có người đến anh bàn giao hiện trường, rồi tiếp tục đi tuần đường.
Đến 7h20 đoạn đường ray mới đã được thay thế và thông báo cho đơn vị điều hành để báo cho đoàn tàu biết là “đường đã thông”. Ít phút sau, đoàn tàu khách HP1 dài 14 toa chạy tuyến Hà Nội – Hải Phòng rầm rập chạy qua an toàn trong sự vui mừng phấn khởi của anh em Cung đường sắt Cao Xá.
“Đoạn đường ray gãy đó nếu không được phát hiện và thay thế kịp thời thì với tốc độ và sức nặng của đoàn tàu mà chạy qua thanh ray gãy đó, chắc chắn sẽ xảy ra tai nạn với hậu quả rất nghiêm trọng” - anh Hưởng cho biết.
Anh Nguyễn Văn Hưởng, sinh năm 1978, quê ở xã Cao An, huyện Cẩm Giàng làm việc trong ngành đường sắt được 12 năm. Công việc tuần đường của anh vất vả ở chỗ bất kể sáng, chiều hay đêm, dù mưa, nắng, giông bão cũng phải có mặt trên đường.
“Nhất là khi thời tiết mưa bão lại càng phải đi. Lúc này, đường sắt dễ gặp phải sự cố nhất, dễ gây mất an toàn cho những chuyến tàu nhất. Vì vậy, công việc của người tuần đường để phát hiện những sự cố xảy ra để kịp thời xử lý”, anh Hưởng cho biết.
Một tuần, anh Hưởng có 7 buổi đi tuần đường, với 2 ca sáng, 2 ca chiều và 3 ca đêm, tổng chiều dài anh phải “cuốc” bộ trong một tuần là 80 km. Mỗi ca anh Hưởng phải đi hơn 10 km: Bắt đầu từ ga Cao Xá đi đến ga Cẩm Giàng, rồi quay về ga Cao Xá. Sau đó đi tiếp về đến Chi Các (phường Việt Hòa, TP Hải Dương) rồi lại trở về ga Cao Xá. Kết thúc một ca làm việc.
Hôm nào tuần ca đêm, anh bắt đầu đi từ 20h tối hôm trước đi bộ hành trình hơn 10 km xuyên màn đêm đến khi về lại ga Cao Xá vào tầm 4 đến 5h sáng hôm sau, rồi giao ca cho người khác. Như vậy, những người tuần đường đi 24 giờ trong ngày bất kể trời mưa, nắng. Bằng sự cần mẫn, trách nhiệm, anh Hưởng cùng đồng nghiệp đã góp phần bảo đảm an toàn cho hàng nghìn chuyến tàu với hàng triệu lượt hành khách và hàng hóa.