Tạo điều kiện để Hải Phòng đột phá về phát triển kinh tế-xã hội
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng.
Quang cảnh Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN).
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết nhằm tạo điều kiện, tăng tính đột phá thúc đẩy phát triển-xã hội của Thành phố Hải Phòng, Chính phủ nhận thấy cần ban hành Nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hải Phòng. Việc quy định cơ chế tài chính-ngân sách đặc thù phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn tại địa phương và phù hợp với thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước; kế thừa, phát triển và hoàn thiện các quy định của Quyết định số 54/2004/QĐ-TTg ngày 5/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế tài chính ngân sách ưu đãi đối với Thành phố Hải Phòng đồng thời bổ sung một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù trên cơ sở những quy định của pháp luật và đặc thù riêng của thành phố Hải Phòng.
Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hai nội dung: Về mức dư nợ vay của ngân sách thành phố Hải Phòng và về bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu so với dự toán và thưởng vượt dự toán thu.
Về mức dư nợ vay, tại điểm b khoản 6 Điều 7 của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 quy định: “Đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp lớn hơn chi thường xuyên của ngân sách địa phương không vượt quá 30% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp." Như vậy, theo quy định này, mức dư nợ vay của ngân sách thành phố Hải Phòng không vượt quá 30% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhu cầu vốn đầu tư phát triển của thành phố trong thời gian tới là rất lớn nên mức khống chế 30% này gây khó khăn trong công tác huy động vốn, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển theo định hướng của Đảng đối với thành phố, chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Do vậy, Chính phủ đề nghị cho phép nâng mức dư nợ vay của ngân sách thành phố thêm 10%. Cụ thể dự thảo Nghị định quy định: “Mức dư nợ vay của ngân sách Thành phố không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách Nhà nước hàng năm được Quốc hội quyết định."
Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ vì thực tế cho thấy thành phố Hải Phòng có nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn trong khi việc hỗ trợ bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho địa phương còn hạn chế. Vì vậy, việc nâng mức dư nợ vay như Chính phủ trình sẽ góp phần giúp thành phố có thêm cơ hội và điều kiện trong việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, đồng thời, mức dư nợ vay 40% cho ngân sách Thành phố Hải Phòng tương đồng với mức dư nợ vay của thành phố Đà Nẵng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Đối với việc bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu so với dự toán và thưởng vượt dự toán thu, để bảo đảm hỗ trợ thêm nguồn vốn đầu tư phát triển, đồng thời khuyến khích địa phương trong công tác hành thu, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002 và năm 2015 đều có quy định Ngân sách Trung ương sẽ bổ sung có mục tiêu cho các địa phương từ một phần số tăng thu so với dự toán đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương và khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100%.
Trên thực tế, việc quy định này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng đối với thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Do vậy, Điều 6 của Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định: “Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho thành phố Hải Phòng 70% số tăng thu so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương và các khoản thu ngân sách Trung ương được hưởng 100%; nhưng không vượt quá số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện năm trước."
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành với quy định trên đối với thành phố Hải Phòng và cho rằng tỷ lệ hỗ trợ này là hợp lý và phù hợp với mặt bằng hỗ trợ đối với một số địa phương đã được áp dụng cơ chế đặc thù như thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc lại nội dung quy định về việc sử dụng số bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu trên theo quy định tại khoản 3 Điều 6 của Dự thảo Nghị định theo hướng không thưởng cho ngân sách cấp dưới do khoản 4 Điều 59 của Luật Ngân sách Nhà nước đã có quy định thưởng vượt dự toán các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách.
"Do vậy, đề nghị không nên sử dụng nguồn vốn bổ sung có mục tiêu này để thực hiện thưởng vượt thu cho ngân sách cấp dưới. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng giữa các địa phương khác vì không được hưởng cơ chế ưu đãi đặc thù này," Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Giải trình thêm tại phiên họp, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết trong những năm qua, thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, nhất là năm 2016 và những tháng đầu năm 2017. Tuy nhiên, qua phân tích đánh giá, Hải Phòng chưa thật sự phát huy hết tiềm năng, lợi thế của thành phố cảng biển.
Theo ông Lê Văn Thành, tình trạng trên có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân do nguồn lực của Thành phố rất hạn chế. Trong khi đó, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng tăng mạnh, tạo áp lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
"Nếu Nghị định này được ban hành sẽ tạo động lực mới cho thành phố Hải Phòng phát triển, từ đó thành phố sẽ đóng góp cho ngân sách Trung ương nhiều hơn," Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hải Phòng tạo điều kiện để thành phố “đột phá” trong phát triển kinh tế xã hội; nhất trí cho phép thành phố huy động vốn đầu tư ở mức không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách Nhà nước hàng năm do Quốc hội quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý hàng năm ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho Thành phố Hải Phòng 70% số tăng thu so với dự toán thu được giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương và các khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100% nhưng không vượt quá số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện năm trước.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý thêm: “Vấn đề đặc thù ở đây rất có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các trục kinh tế lớn và theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, không tràn lan."
Thời gian còn lại của buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Võ Kim Cự, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh.