Đề tham khảo Kì thi THPT Quốc gia 2017: Đảm bảo tính phân hóa và yêu cầu tư duy
Như đã đưa tin, chiều 14/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi tham khảo dành cho Kì thi THPT Quốc gia 2017. Theo đó, bộ đề tham khảo bao gồm các môn thi: Toán, Văn, Tổ hợp khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân), Tổ hợp khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) và 6 Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung). Đây là đề thi tham khảo cuối cùng trước khi kỳ thi chính thức diễn ra và tương tự đề thi chính thức về mặt thể thức, cấu trúc đề.
Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến kì thi THPT Quốc gia. Ảnh: Huyền Trang.
Môn Toán: Đã giảm độ khó so với đề minh họa lần 1
Đánh giá về đề thi tham khảo môn Toán lần này, thầy Nguyễn Ngọc Hải, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội cho rằng, dựa trên kết quả của việc thử nghiệm ngân hàng đối với nhiều học sinh, đề tham khảo đã được giảm độ khó so với đề thử nghiệm. Điều này sẽ giúp học sinh khá giỏi thuận lợi hơn trong làm bài, giảm số lượng câu “đánh bừa đáp án”.
Đặc biệt các câu ở mức độ vận dụng cao trong đề đều đảm bảo tính phân hóa và yêu cầu tư duy ở mức linh hoạt, thông minh, phản ứng nhanh nhưng không nặng về tính toán biến đổi nhiều.
Các câu vận dụng cao cũng có những cách hỏi hợp lý để tránh tình trạng thí sinh quá phụ thuộc vào việc sử dụng máy tính cá nhân, nhằm đảm bảo yêu cầu phân hóa ở mức độ tốt nhất có thể.
Theo thầy Hải, với sự thống nhất về mặt cấu trúc và mức độ so với đề thi minh họa và đề thi thử nghiệm đã được Bộ công bố, đề thi tham khảo lần này sẽ một lần nữa giúp các em học sinh tự tin, thoải mới bước vào kỳ thi chính thức.
Ngoài ra, các câu hỏi trong đề thi thử nghiệm đã khai thác trọng tâm vào những vấn đề cơ bản nhất, đồng thời cũng có độ phong phú, cách hỏi mới, những bài toán có yếu tố thực tiễn.
Điều này đòi hỏi cả người dạy và người học cần có sự chuyển động, đổi mới tư duy, phương pháp dạy học để thích ứng tốt nhất với yêu cầu đổi mới.
Để làm tốt được đề thi tham khảo môn Toán, thầy Hải lưu ý, các thí sinh cần phải học nắm chắc và hiểu bản chất các vấn đề, học kỹ các khái niệm cơ bản, khả năng tổng hợp kiến thức, linh hoạt trong cách giải và tránh phụ thuộc quá nhiều vào máy tính cá nhân vì đề ra đã tự hạn chế tối đa việc bấm máy tính cho kết quả.
Môn Văn: Không thể học tủ
Theo thầy Nguyễn Văn Thư, Sở GD&ĐT Bắc Giang, đề thi tham khảo môn Ngữ Văn, môn duy nhất sẽ thi theo hình thực tự luận trong kỳ thi năm nay vẫn bám sát cấu trúc đề thi THPT quốc gia. Với thời lượng 120 phút, đó là một đề vừa sức và đáp ứng tốt những yêu cầu về định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học.
Vào thời điểm kì thi đang đến gần, thầy Nguyễn Văn Thư nêu quan điểm: Việc công bố đề tham khảo sẽ giúp các giáo viên dạy khối 12 có thêm rất nhiều gợi ý về hướng xây dựng, biên soạn các đề ôn luyện. Song, đó cũng là một căn cứ để khẳng định rằng, để ôn tập tốt, học sinh không thể học tủ, học vẹt lại càng không thể ghi nhớ kiến thức một cách máy móc. Điều quan trọng là cần học đều, nắm những kiến thức bản chất về các tác phẩm văn học (trong giới hạn chương trình thi) và những kĩ năng đọc hiểu, tạo lập văn bản.
Môn Giáo dục công dân: Gần với thực tiễn đời sống
Đánh giá về đề thi tham khảo môn Giáo dục công dân, nhiều giáo viên cho rằng, đề thi với nhiều câu hỏi ở các mức độ khác nhau không chỉ đòi hỏi học sinh tái hiện lại những kiến thức đã học mà còn yêu cầu các em phải giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội phù hợp với lứa tuổi.
Cùng với bộ môn Lịch sử và Địa lý, môn GDCD là yếu tố cấu thành nên tổ hợp các bộ môn khoa học xã hội. Đây là lần đầu tiên môn GDCD được đưa vào đề thi dưới hình thức trắc nghiệm khách quan.
Thầy Phạm Văn Sơn, giáo viên trường THPT Phả Lại, Hải Dương, nhận xét, khác với các bộ môn trong tổ hợp xã hội, đề thi GDCD thuần túy là kiến thức pháp luật nên đòi hỏi tính chính xác tuyệt đối. Mặt khác, đề thi phản ánh những sinh hoạt, những mối quan hệ trong cuộc sống đời thường nên khá gần gũi với mỗi người.
Môn Sinh học: Đảm bảo học ban nào cũng làm tốt
Đối với môn Sinh học, theo đánh giá của các giáo viên phổ thông, đề thi lần này bao quát chương trình học, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra cho một đề thi cấp THPT quốc gia với yêu cầu “hai trong một”.
Nhận xét về đề tham khảo môn Sinh học, thầy Lê Anh Quyết, trường THPT Bắc Lý, Hà Nam cho biết, cũng giống như đề minh họa và đề thi thử nghiệm lần trước, đề tham khảo môn Sinh học lần thứ ba tuy phủ kín chương trình sinh học lớp 12 nhưng vẫn nằm trong phần giao nhau của hai bộ sách giáo khoa. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đảm bảo cho các em học sinh đang học theo ban nào (A, A1, D hay C) đều có thể hoàn thành tốt các yêu cầu của đề thi.
Còn theo cô Nguyễn Phương Thanh, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội nhận định: “Kiến thức của đề tham khảo chỉ nằm trong sách giáo khoa 12, đều ở phần giao nhau của sách sinh học 12 cơ bản và sách sinh học 12 nâng cao. Không có kiến thức trong phần giảm tải. Đề thi này để đạt được điểm 5 và 6 là không khó, nhưng để đạt điểm 7 trở lên thì học sinh cần học kiến thức sách giao khoa một cách vững vàng và có kĩ năng làm bài hợp lí”.
Môn Hóa học: Khó đạt điểm tối đa
Khái quát chung về đề tham khảo môn Hóa học, thầy Nguyễn Văn Nam, Trường THPT Quảng Xương 3, tỉnh Thanh Hóa cho rằng, nội dung các câu hỏi đều thuộc chương trình Hóa 12 cơ bản, chỉ có bổ sung thêm một số ý nhỏ của chương trình 10 và 11. Độ chính xác kiến thức cao, câu hỏi dễ hiểu và không làm học sinh hiểu nhầm. Về cấu trúc đề và mức độ khó, theo thầy Nam, tỉ lệ các câu hỏi lý thuyết và bài tập hợp lý với 24 câu lý thuyết và 16 câu bài tập, phân bố hợp lý giữa hóa vô cơ và hóa hữu cơ và có nhiều câu kiến thức liên quan đến thực tiễn, môi trường (câu 41, 42, 62, 72).
Trong đó, bài tập lý thuyết hỏi rất chi tiết và tường tận trong sách giáo khoa Hóa học lớp 12, yêu cầu học sinh phải nắm vững lý thuyết nếu không rất khó để có kết quả chính xác, đặt biệt các câu phát biểu đúng/sai, các câu hỏi đếm, các câu thí nghiệm.
Mức độ khó của câu hỏi phù hợp, đảm bảo sự phân hóa học sinh. Học sinh học khá cũng có thể hoàn thành được 90% đề.
Môn Vật lí: Không có chỗ cho “học vẹt”
Đánh giá về đề tham khảo môn Vật lí, thầy Lê Thanh Sơn, trường THPT Thuận An, Thừa Thiên Huế cho rằng, đề đáp ứng với chương trình Vật lí THPT theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, đảm bảo kiến thức giao nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Các kiến thức phân bố đều cho toàn chương trình, giữa các chương và các bài học.
Trong đề thi, số câu phân bố đề theo các đơn vị kiến thức trọng tâm của chương trình Vật lí lớp 12. Các câu hỏi được phân bố mang tính nhân văn, độ khó tăng dần, câu dễ được phân bố ở đầu, tiếp theo là là các câu khó hơn và cuối cùng là 4 câu khó.
Đề thi có tính kế thừa cao từ các cấu trúc đề thi của các năm học trước, của đề thử nghiệm cũng như đề minh hoạ. Không có sự thay đổi đột ngột về mức độ giữa các phần kiến thức.
Đề cũng có tính phân hóa cao, đa dạng, gắn liền với các vấn đề cuộc sống, khoa học và công nghệ từ mức độ cơ bản đến mức độ vận dụng cao, tạo tâm lí ổn định cho thí sinh khi làm bài thi.