Mùa con ong đi lấy mật
Những ngày này, ở nhiều nơi, bà con tất bật cho mùa mật ong. Từ Mèo Vạc (Hà Giang) cho tới rừng U Minh Hạ (Cà Mau), những thùng, những chai mật ong đặc sánh đang mang lại công ăn, việc làm cho bà con. Nhiều gia đình đã đổi đời nhờ nuôi ong lấy mật.
1. Từ sau Tết, khi các loài hoa của núi, của rừng bắt đầu bung nụ cũng là khi những đàn ong bắt đầu đi lấy mật. Theo đó, mùa mật ong chính thức bắt đầu, mang lại công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều hộ dân.
Đi trên đường Hạnh Phúc, rồi các ngả đường từ trung tâm huyện đi vào các xã Cán Chu Phìn, Lủng Pù, Khâu Vai (Mèo Vạc - Hà Giang) có thể bắt gặp những lán lều dựng tạm. Đó là những lều lán của bà con dựng lên để nuôi ong quay mật hoa bạc hà. Mật ong hoa bạc hà là sản vật nổi tiếng ở Hà Giang, được bán rất đắt hàng. Thậm chí, có những lúc bà con không có đủ mật ong bạc hà mà bán, dù giá giao động khoảng 400.000đ/lít.
Anh Thào Mí Sá (Mèo Vạc) cho biết, bạc hà là một loài cây dại, dù nhiều nơi ở Hà Giang vào mùa khô, phải chắt chiu từng giọt nước nhưng bạc hà vẫn nở hoa. Bạc hà có 3 loại: trắng thân vuông, tím thân tròn (chiếm diện tích nhiều nhất), một má.
Những người nuôi ong thường quyết định sống “du mục” cùng với đàn ong của mình. Ở đâu nhiều hoa bạc hà nở thì họ đưa những thùng ong đến, dựng lán để ở, nhằm thuận tiện cho việc trông nom và quay mật.
Tuy nhiên, kinh nghiệm của những người nuôi ong lâu năm cho thấy, không hẳn cứ chỗ nào nhiều hoa là đàn ong cho nhiều mật. Bí quyết để thu được nhiều mật ong còn nằm ở kinh nghiệm của từng người, như chọn “vị trí vàng”, rồi nơi đặt cầu ong phải phù hợp với việc ong đi lấy mật sau đó vừa cất cánh là có thể về tổ nhả mật. Nếu đặt xa quá ong bay mệt thì khi về đến tổ sẽ không còn rất ít mật. Ngược lại, nếu đặt cạnh nơi có nhiều hoa thì ong sẽ lười, không chịu đi làm.
Với mùa mật ong bạc hà, nhiều bà con đã có cuộc sống khấm khá hơn nhờ vào việc đầu tư chăm sóc cho đàn ong. Những thùng mật ong bạc hà màu vàng chanh, giúp cho dân bản có đồng ra đồng vào, có tiền sửa lại ngôi nhà, cho con đi học…
Hoa bạc hà.
2. Đối với người dân Mèo Vạc, nghề nuôi ong đã và đang trở thành một trong những nghề mang lại nguồn thu nhập chính. Một số liệu thống kê cho thấy, quy mô mở rộng đàn ong ở Mèo Vạc ngày càng tăng.
Nhiều hộ dân cũng tiếp tục đầu tư tăng đàn, một số hộ dân thì học hỏi lẫn nhau để xây dựng đàn ong của gia đình. Hiện toàn huyện Mèo Vạc có khoảng 11.000 đàn ong; sản lượng mật đạt trên 66.000 lít, giá trị sản lượng ước đạt 18,6 tỷ đồng.
Việc sản xuất, chế biến và kinh doanh mật ong của huyện chủ yếu tập trung ở quy mô nhỏ theo hình thức gia đình và HTX. Hiện nay, trên địa bàn huyện có HTX Tuấn Dũng và Công ty TNHH một thành viên Tuấn Dũng chuyên sản xuất, thu mua, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm mật ong Bạc hà Mèo Vạc; trong đó, HTX Tuấn Dũng là đơn vị đầu mối chủ lực, sản lượng mật chế biến, tiêu thụ bình quân đạt 15.000 lít mật/năm, chiếm khoảng 30% sản lượng mật tiêu thụ toàn huyện.
Hướng đến mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất, HTX đã và đang xây dựng đội ngũ cộng tác viên kỹ thuật lành nghề, làm chủ được quy trình công nghệ và có nhiều kinh nghiệm trong trong các khâu: nhân giống, chăm sóc, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Mèo Vạc đã xác định mật ong là một trong những mặt hàng thế mạnh của huyện. Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Cao Cường cho biết, huyện đang thực hiện nhiều giải pháp về nguồn lực, đầu tư phát triển mở rộng quy mô đàn cũng như tăng năng suất, sản lượng mật ong; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả các chính sách về khuyến khích phát triển nghề nuôi ong; khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, xã hội hóa; lồng ghép các chương trình mục tiêu Quốc gia về xóa đói giảm nghèo để tập trung cho phát triển chăn nuôi ong; có cơ chế hỗ trợ HTX Tuấn Dũng đầu tư đổi mới công nghệ, trở thành đầu mối liên kết với các đơn vị có năng lực trong nước mở rộng sản xuất, tạo thêm các sản phẩm mới từ mật ong...
Đồng thời, mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong cho cán bộ khuyến nông và các hộ gia đình chăn nuôi ong. Quy hoạch vùng phát triển nguyên liệu cây hoa bạc hà ở khu vực các xã có điều kiện tự nhiên phù hợp và tiến hành nhân rộng diện tích cây bạc hà; thực hiện nghiêm các biện pháp kỹ thuật di chuyển đàn; tận dụng tối đa nguồn mật ở các mùa vụ, khu vực thích hợp nhằm bảo tồn và phát triển đàn ong cho đến thời vụ khai thác mật chính...
Mùa mật ong bạc hà ở Mèo Vạc (Hà Giang).
3. Trong khi đó, mùa mật ong tràm ở vùng U Minh Hạ (Cà Mau) bắt đầu từ tháng 2 trở đi. Khác với kiểu nuôi ong trong thùng như ở Mèo Vạc (Hà Giang), bà con ở U Minh trông cậy vào đàn ong rừng và vì thế, có cách khai thác riêng.
Theo đó, từ cuối năm trước, bà con tất bật vào rừng gác kèo ong (cành cây để ong làm tổ). Bởi loài ong có thói quen là khi lớn lên tách đàn, hình thành tổ ong mới và cho mật. Kèo ong đơn giản chỉ là một đoạn cây tràm thẳng, to cỡ bắp chân người lớn, dài chừng 2 - 3 m. Tuy nhiên phải được phơi khô. Những người thợ rừng thường xoa một lớp sáp ong để mời gọi ong trinh sát.
“Nhưng không phải gác kèo chỗ nào thì ong kéo vào làm tổ ở đó. Ong rừng cũng kén chọn lắm. Chúng không thích làm tổ ở nơi rợp bóng cây, do vậy, trong mùa ăn ong, người thợ rừng thu được số lượng mật nhiều hay ít còn phải phụ thuộc vào kinh nghiệm của từng người. Người có tay nghề cao, khi gác kèo, ong đóng tổ từ 70 đến 90%”- ông Lê Tư, người có kinh nghiệm hơn 40 năm với nghề ăn ong ở U Minh Hạ, cho biết.
Cũng theo ông Tư, khi đặt kèo ong, phải chọn hướng gió, ánh nắng mặt trời, đường bay của ong, gác kèo chếch cỡ tầm đầu người. Loài ong rất tinh, nên phải gác phải đúng kỹ thuật ong mới chịu làm tổ và cho mật nhiều. Sau khi đặt kèo ong xong, thợ rừng phải xóa hết dấu vết để tránh việc ong phát hiện ra sẽ không đến làm tổ…
Nghề lấy mật ong rừng còn được bà con gọi là nghề “ăn ong”. Đây là nghề cha truyền con nối. Bà con cho biết, nghề này không phải ai muốn làm cũng được mà đòi hỏi người thợ phải có đầy đủ kinh nghiệm, am hiểu tập tính của đàn ong. Tay nghề hơn thua nhau của cánh thợ rừng là việc chinh phục đàn ong về làm tổ trên kèo của mình...
Người dân U Minh Hạ chia việc ăn ong thành 2 mùa. Mùa ong hạn từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau với số lượng mật nhiều, chất lượng mật tốt. Mùa ong nước bắt đầu tháng 6 đến cuối tháng 8, đây là giai đoạn cây tràm trổ bông lần thứ hai, mưa nhiều.
Theo kinh nghiệm, giờ đi ăn ong bắt đầu từ 5 đến 8h sáng. Khi đó, họ mang theo đuốc (xơ dừa) để hun khói xua đuổi đàn ong. Bao giờ cũng vậy, khi lấy mật, người thợ chỉ cắt một phần tổ, chừa lại một phần cho ong non phát triển. Trung bình mỗi kèo ong có thể thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt 8-10 lít mật, sau đó bầy ong mới bỏ đi.
Mật ong bạc hà có màu vàng chanh, hương vị ngọt, thơm mát, không khé… nên được người tiêu dùng và du khách lựa chọn. Năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong bạc hà Mèo Vạc.
4. Vào mùa con ong đi lấy mật năm nay, có một câu chuyện khá rùm beng xảy ra ở huyện U Minh (tỉnh Cà Mau). Đó là việc Công ty TNHH Công nghệ U Bee vận chuyển 270 thùng ong Ý thuộc Hội Nuôi ong tỉnh Tiền Giang đến xã Khánh An, huyện U Minh để gây nuôi thử nghiệm.
Bà con ở đây thì cho rằng, “đàn ong lạ” này xuất hiện ở vùng rừng U Minh Hạ thực ra là ong mật có tên khoa học Apis mellifera ligustica, gọi tắt là ong Ý. Đặc biệt, trong khi giá mật ong tại địa phương giao động khoảng 200.000-250.000đ/lít thì mật ong của “đàn ong lạ” chỉ bán với giá 90.000-100.000đ/lít. Đáng kể hơn, sau khi nhập vào địa bàn huyện, mật ong trên được bán ra với thương hiệu là mật ong rừng U Minh Hạ.
Khi có dư luận xôn xao, cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác định, trong số 270 thùng ong Ý được Công ty U Bee vận chuyển đến nuôi tại tỉnh Cà Mau có 50 thùng ong đang được gây nuôi thử nghiệm tại Trại Thực nghiệm Khánh An (ấp An Phú, xã Khánh An, huyện U Minh) thuộc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Cà Mau. 220 thùng ong còn lại, Công ty đã ký thác gây nuôi tại khu đất vườn của hai hộ dân Phan Văn Càng và Tăng Văn Thắng ngụ cùng ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh.
Sau quá trình kiểm tra, xác minh, cơ quan chức năng cũng đã quyết định phải di dời đàn ong này ra khỏi địa bàn. Theo đó, từ ngày 16 đến ngày 19/4, 220 thùng ong của Công ty U Bee phải di dời khỏi địa bàn. Riêng 50 thùng ong nuôi tại Trại thực nghiệm Khánh An thuộc Trung tâm thông tin ứng dụng khoa học công nghệ Cà Mau, nếu tiếp tục nuôi theo thỏa thuận hợp tác thì chủ sở hữu phải xin chủ trương chính quyền địa phương và làm các thủ tục theo quy định của Nhà nước.
Mật ong rừng tràm U Minh đầu mùa thường có màu vàng, gần cuối mùa màu hơi sậm và cuối mùa có màu hơi đen. Mật ong nguyên chất 100% và không bị pha trộn, để lâu năm không đổi màu, không biến chất. Mật mang hương vị đặc biệt của hoa tràm, mùi thơm nhẹ nhưng có rất nhiều công dụng trong y học, chăm sóc sức khỏe. Điểm đặc biệt dễ phân biệt nhất là mật ong rừng là có rất nhiều khí ga, bạn có thể vặn kín nắp hủ mật ong và để 1 – 2 ngày sau đó mở ra bạn sẽ nghe được âm thanh của khí ga thoát ra, vì trong khi lấy mật ong rừng chắc chắn sẽ bị lẫn phấn hoa, sáp ong hoặc nhọng ong đây chính là nguyên nhân gây ra khí và bọt còn đối với mật ong nuôi thì luôn có sẵn khung gỗ để ong làm sáp, phủ kín mật vào nên khi khai thác sẽ không thể dính phấn hoa hay ong con vào được.