Người mở cõi
Bước ngoặt của lịch sử đôi khi xuất phát một cách rất tình cờ. Nếu anh rể ganh ghét, tìm cách hãm hại, có thể Nguyễn Hoàng chỉ tung hoành trên chiến trường đất Bắc với nhà Mạc. Và nếu không có lời tư vấn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, biết đâu ông cũng không nghĩ ra kế sâu xa xin đi trấn thủ Thuận Hóa.
Tranh chúa Nguyễn Hoàng mở cõi. (Nguồn: internet).
Tất nhiên lịch sử không có chữ “nếu”. Và tất nhiên, ở trong cùng một cơ hội, một bước ngoặt, không phải ai cũng làm được việc kỳ vĩ như Nguyễn Hoàng. Từ hành động chỉ cốt “dung thân”, ông đã mở ra bờ cõi mới, sinh khí mới, cơ hội mới cho lãnh thổ Đại Việt. Suốt một thời gian dài, công lao và sự nghiệp của Nguyễn Hoàng, tức chúa Tiên không được đề cao, chứ chưa nói xứng tầm. Sách giáo khoa cho học sinh phổ thông không đề cập nhân vật lịch sử này. Thế nhưng gần đây, sự nghiệp của ông đã được vinh danh. Năm 2016, tên ông đã được đặt cho một phố dài hơn 2 km, mở đầu quận Nam Từ Liêm mới lập, chạy qua bến xe Mỹ Đình. Lăng Trường Cơ (mộ của chúa Nguyễn Hoàng) cũng vừa được tu bổ với nguồn kinh phí khoảng 3,9 tỷ đồng.
Nguyễn Hoàng - Chúa Tiên (1525 - 1613) là người Gia Miêu, (nay thuộc Hà Trung, Thanh Hóa) là con trai thứ hai của Hữu vệ Điện tiền tướng quân An Thanh hầu Nguyễn Kim (1468 - 1545) và bà Chính thất Nguyễn Thị Mai – con gái Đặc tiến quốc thượng tướng quân thự vệ sự triều Lê Nguyễn Minh Biện (quê ở làng Phạm Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương).
Sự biến liên quan đến Nguyễn Hoàng có thể kể bắt đầu từ sự kiện liên quan đến thân phụ của ông. Đó là tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai trở lại kinh đô ép Lê Cung Hoàng nhường ngôi. Năm 1529, An Thanh hầu Nguyễn Kim đem con em chạy sang nước Ai Lao cầu cứu. Vua Ai Lao cho mượn đất Sầm Châu. Năm 1533, Nguyễn Kim cùng một số cựu thần nhà Lê dựng người hoàng tử Lê Duy Ninh làm vua Lê Trang Tông.
Trong lúc Nguyễn Kim chạy sang Ai Lao thì người con thứ Nguyễn Hoàng mới hai tuổi được gửi lại cho người em ruột là Nguyễn Ư Dĩ nuôi dưỡng. Năm 1545, thời vận thay đổi, Nguyễn Kim, Lại Thế Vinh và người con rể là Trịnh Kiểm đã đánh thắng quân Mạc nhiều trận, quân đội tiến về Yên Mô (thuộc Ninh Bình). Không may, Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất dâng dưa đầu độc chết. Vua Lê Trang Tông phong con trưởng của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông làm Lãng quận công, và Nguyễn Hoàng là Hạ Khê hầu. Ở vào tuổi 20, sau khi được vua phong làm tướng cầm quân, Nguyễn Hoàng đã đánh trận và chém được tướng nhà Mạc là Trịnh Chí, được vua khen: Thực là hổ phụ sinh hổ tử.
Trấn thủ Thuận Hóa
Nguyễn Kim chết, Trịnh Kiểm được ban Thái sư Lượng quốc công, nắm toàn bộ binh quyền. Mâu thuẫn giữa Trịnh Kiểm và Nguyễn Uông gia tăng khi thế lực của tả tướng Nguyễn Uông ngày một mạnh lên. Trịnh Kiểm nghi ngại nên đã giết chết Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng thấy anh bị giết nên lo sợ, sai người tâm phúc lén đi gặp Trạng Trình. Từ câu “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” mà Trạng Trình tư vấn, Nguyễn Hoàng nhờ chị ruột Nguyễn Thị Ngọc Bảo xin với anh rể Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ Thuận Hóa – vùng đất cằn cỗi mới bình định (là khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế ngày nay). Trịnh Kiểm đồng ý.
Tháng 10/1558, Nguyễn Hoàng và gia quyến cùng các tướng Nguyễn Ư Dĩ, Mạc Cảnh Huống, Văn Nham, Thạch Xuyên, Tường Lộc, Thường Trung, Vũ Thì Trung, Vũ Thì An và hàng nghìn đồng hương thân tín Thanh - Nghệ đi vào Thuận Hóa. Khi đến nơi, đoàn thuyền đã đi vào cửa Việt Yên (nay là Cửa Việt). Tương truyền khi Nguyễn Hoàng đến Ái Tử (nay là thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, Quảng Trị), người dân ở đây đã đem dâng 7 chum nước trong. Nguyễn Ư Dĩ mừng rỡ nói: “Đấy là phúc trời cho đó. Việc trời tất có hình tượng. Nay chúa thượng mới đến mà dân đem “nước” dâng lên, có lẽ là điềm “được nước” đó chăng?”. Nguyễn Hoàng bèn chọn Ái Tử làm thủ phủ.
Từ thủ phủ Ái Tử, Nguyễn Hoàng lập kế an dân rồi dần bành trướng về Nam. Nguyễn Hoàng cũng là người chọn Phú Xuân (Huế) làm thủ phủ Đàng Trong, mở ra kinh đô cho nhà Nguyễn sau đó. Truyện kể rằng: Một hôm, khi đi kinh lý qua ngọn đồi Hà Khê, Nguyễn Hoàng gặp một cụ bà mặc áo đỏ. Bà nói muốn chỉ cho Nguyễn Hoàng một vùng đất nhiều sinh khí để lập dinh phủ. Đó chính là vùng đất sau này được xây dựng kinh đô Huế. Để ghi nhớ công ơn bà tiên áo đỏ, Nguyễn Hoàng đã cho xây trên đồi Hà Khê một ngôi chùa, đặt tên là Thiên Mụ…
Năm 1569, Nguyễn Hoàng ra Thanh Hóa dâng thuế, quân lương giúp nhà Lê đánh Mạc. Thái sư Trịnh Kiểm hài lòng, nhân đó phong luôn cho ông kiêm quản trấn thủ Quảng Nam. Trở về Nam, Nguyễn Hoàng dời dinh đến Trà Bát (gần Ái Tử).
Trong khi trấn thủ Thuận Quảng, có hai lần chính Thuận Hóa bị tấn công. Lần thứ nhất, năm 1572, nhà Mạc sai Lập Bạo đem 60 chiến thuyền đánh vào Thuận Hóa. Quân Mạc đổ bộ ở Hồ Xá và Lạng Uyển bên bờ sông Ái Tử. Nguyễn Hoàng lập mưu mỹ nhân kế rồi giết chết Lập Bạo. Quân Mạc đầu hàng được cho ở đất Cồn Tiên đặt làm 36 phường. Sau này, thế hệ con cháu những người được tha mạng đã lập đền thờ Nguyễn Hoàng ở An Định Nha (nay là thôn An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Lần thứ hai, năm 1578, quân Chiêm Thành kéo đến đánh phá. Nguyễn Hoàng không những không đánh bại mà còn cử Lương Văn Chánh đem quân tiến đến sông Đà Diễn, Hoa Anh đánh chiếm thành An Nghiệp – Một trong những thành đồ sộ và kiên cố nhất trong lịch sử Chăm Pa.
Tháng 5 năm 1592, Nguyễn Hoàng ra Bắc, được phong làm Trung quân đô đốc phủ tả đốc chưởng phủ sự thái úy Đoan quốc công, rồi cầm quân đánh Mạc. Trong suốt 8 năm ở Bắc, Nguyễn Hoàng lập nhiều đại công: Từ dẹp giặc, tổ chức thi tiến sĩ, ngoại giao với nhà Minh… Tuy nhiên, đau xót cho ông là hai con trai (con thứ 2 là Hán, con thứ 4 là Diễn) đều chết trận. Bị chúa Trịnh Tùng nghi ngại nên năm 1600, Nguyễn Hoàng nhân cơ hội đi đánh tướng nhà Lê làm phản ở Nam Định đã giong thuyền thẳng vào Nam, để hoàng tử thứ năm là Hải và hoàng tôn là Hắc ở lại làm con tin. Trịnh, Nguyễn đề phòng nhau từ đó.
Mở cõi
Nguyễn Hoàng hết sức dựa vào dân. Từ có được lòng dân, với tầm nhìn xa của người mở cõi, năm 1597, dù đang ở Đông Đô nhưng Nguyễn Hoàng đã có lệnh chỉ cho Lương Văn Chánh, Tri huyện Tuy Viễn, trấn An Biên (nay thuộc tỉnh Bình Định) chiêu tập khoảng 4000 lưu dân vào khai khẩn vùng đất phía Nam của Đại Việt từ đèo Cù Mông (bắc Phú Yên) đến đèo Cả (bắc Khánh Hòa). Ông hạ lệnh khi dân ổn định mới thu thuế. Năm 1608, xứ Thuận Quảng được mùa lớn còn Đàng Ngoài lại mất mùa. Người dân di cư vào Thuận Quảng ngày một nhiều.
Năm 1602, Nguyễn Hoàng cho lập dinh Thanh Chiêm (Quảng Nam) giao cho công tử Nguyễn Phúc Nguyên trấn thủ. Đây là dinh trấn trung tâm điều hành việc phát triển hậu cần, kinh tế, an ninh cho Đàng Trong và thương cảng Hội An. Đồng thời, là căn cứ để mở cõi về phía Nam.
Năm 1604, Nguyễn Hoàng cho lập phủ Điện Bàn tách ra từ đất của phủ Triệu Phong của xứ Thuận Hóa, lệ thuộc xứ Quảng Nam. Phủ Điện Bàn sát nhập với 3 phủ Thăng Hoa, phủ Tư Nghĩa và phủ Hoài Nhơn để thành lập Dinh Quảng Nam. Phủ Điện Bàn quản 5 huyện: Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu.
Để phát triển vùng đất mới, Nguyễn Hoàng đặc biệt chú trọng đến phát triển kinh tế, hướng tầm nhìn ra biển, giao thương với nước ngoài. Đây là điều hiếm thấy ở một vị quan trấn thủ thời đó. Dưới thời Nguyễn Hoàng, thuyền buôn các nước đến nhiều. Cảng thị Hội An sau 150 năm suy thoái đã hồi sinh. Ông cho lập phố Nhật vào năm 1589 và Phố Khách vào khoảng năm 1608, khiến cho Hội An trở thành thương cảng quốc tế lớn nhất Đông Nam Á thời đó.
Nguyễn Hoàng còn trực tiếp viết thư trao đổi bàn bạc với chính quyền Tokugawa (chính quyền quân sự ở Nhật Bản) và nhận một thương gia Nhật Bản là ông Di Thất Lang (Hunamoto Yabeije) làm con nuôi để giữ tình giao hảo hai nước Việt – Nhật.
Bên cạnh việc mở cõi trên đất liền, Nguyễn Hoàng còn có công mở cõi trên biển. Hai gia tướng người Việt gốc Chăm của cha để lại là Vũ Thì An và Vũ Thì Trung đã giúp Nguyễn Hoàng chiếm hữu “Bãi Cát Vàng” (tức Hoàng Sa) giữa biển. Đó là tiền đề để sau đó chúa Nguyễn lập Hải đội Hoàng Sa, thực thi chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cho tới năm 1613, trước khi mất, Nguyễn Hoàng cho gọi người con thứ 6 Nguyễn Phúc Nguyên từ Quảng Nam về truyền ngôi vị và căn dặn:“Nếu Bắc tiến được thì tốt nhất, bằng không giữ vững đất Thuận Quảng và mở mang bờ cõi về phía nam. Đất Thuận Quảng này phía bắc có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, phía Nam có núi Hải Vân và Bi Sơn, thật là đất của người anh hùng dụng võ. Vậy con phải biết thương yêu dân, luyện tập binh sĩ để xây dựng cơ nghiệp muôn đời”. Như vậy, với dải đất từ phía nam Hà Tĩnh tới vùng cực nam Phú Yên, giáp tỉnh Khánh Hòa thì diện tích xứ Thuận Quảng mà Nguyễn Hoàng mở cõi đã rộng khoảng 45.000 km². Có lẽ diện tích này rộng hơn nửa diện tích nước Đại Việt thời Lý.
Các chúa Nguyễn sau đó đã thực hiện hoàn hảo di nguyện của chúa Tiên. Nỗi lòng đau đáu của Nguyễn Hoàng hàng trăm năm trước có lẽ phần nào được lột tả qua những câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ qua bài thơ Nhớ Bắc:
Ai về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long...