2.901 ý kiến, kiến nghị cử tri gửi Quốc hội
Đây là con số đáng chú ý vừa được đưa ra tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBTƯ MTTQ Việt Nam vào cuối giờ chiều ngày 16/5 khi cho ý kiến về dự thảo báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc làm việc.
Việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước là công tác phối hợp thường xuyên giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam Mặt trận và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước mỗi kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên lâu nay, bản dự thảo báo cáo thường được Mặt trận gửi tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản, chính vì vậy, việc hai bên cùng cho ý kiến vào bản dự thảo báo cáo tại một phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là lần đầu tiên thực hiện.
Điều này là một bước nhằm hiện thực hoá kết luận tại Hội nghị ký kết quy chế phối hợp trong năm 2017 giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra hồi đầu năm nay với mục đích làm sao để nâng cao hơn nữa chất lượng báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước tại mỗi kỳ họp Quốc hội.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu.
Theo Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp được 2.901 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 375 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và 2.526 ý kiến, kiến nghị của nhân dân qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Bản dự thảo báo cáo là một bức tranh tổng thể nói rõ lòng dân với rất nhiều vấn đề cử tri và nhân dân đang bức xức đòi hỏi sự nỗ lực của các ngành, các cấp triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để giải quyết như sản xuất kinh doanh, giáo dục và đào tạo nghề, tham nhũng, lãng phí, bảo vệ môi trường, truy cứu trách nhiệm đối với các đối tượng, “nhóm lợi ích” như khai thác cát trái phép, phá rừng hay cần xử lý quyết liệt với các tổ chức cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao bản dự thảo và cho rằng đây là bản dự thảo báo cáo chặt chẽ, đầy đủ khi tập hợp thành 6 nhóm nội dung lớn và 6 nhóm kiến nghị đề xuất với Quốc hội, cũng như các bộ ngành, địa phương.
Đồng thời các đại biểu cũng đề xuất một số ý kiến để bản báo cáo hoàn chỉnh hơn trong việc nhấn mạnh một số nội dung phức tạp, phản ảnh rõ sự bức xúc của nhân dân như: Huỷ diệt môi trường biển từ quá trình khai thác thủy hải sản hay tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển, thuốc lá, đường và ma tuý cũng như những chính sách cụ thể cho cán bộ thôn bản, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hành chính cấp xã, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Quang cảnh Phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, bản dự thảo cần phân định rõ hơn đâu là kiến nghị với Quốc hội, đâu là kiến nghị với Chính phủ cũng như một số ban, ngành khác. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, dự thảo báo cáo nên làm rõ tỉ lệ mà nhân dân quan tâm như môi trường bao nhiêu, sản xuất bao nhiêu để thấy nhân dân hiện đang tập trung vào vấn đề gì. Trên cơ sở này trong những kỳ họp tới, Quốc hội sẽ xem xét vấn đề nào giảm, vấn đề nào chưa giảm.
Trân trọng những ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, báo cáo kiến nghị cử tri lần này đã mang tính định lượng hơn rất nhiều, tức là đã nêu ra những con số rất cụ thể.
Điểm nhấn của báo cáo chính là thái độ của nhân dân đặc biệt hoan nghênh với việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Trong đó nhân dân bày tỏ thái độ “không thể chấp nhận” trước tình trạng khai thác cát trái phép hay chặt phá rừng đang diễn ra nghiêm trọng. Tất cả những vấn đề này lâu nay đã nói quá nhiều, Thủ tướng có chỉ đạo, thậm chí có những tỉnh có hàng chục bài báo tập trung vào những vi phạm như trên nhưng không được xử lý, điều này cho thấy trách nhiệm của người đứng đầu.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, trên cơ sở các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ bổ sung, hoàn thiện bản báo cáo cuối cùng gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.