Thanh tra các doanh nghiệp dễ xảy ra tranh chấp lao động
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tỉnh Hải Dương tổ chức thanh tra, kiểm tra có chọn lọc ở những ngành nghề dễ xảy ra tranh chấp lao động.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.
Chiều 16/5, đoàn công tác liên ngành của Trung ương do ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh Hải Dương về tình hình đình công xảy ra trên địa bàn tỉnh Hải Dương và giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn các cuộc đình công trong thời gian tới.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương, từ tháng 1/2016 đến hết tháng 3/2017, toàn tỉnh xảy ra 13 cuộc đình công, với 6.870 công nhân, lao động (CNLĐ) tham gia. Tuy nhiên, những cuộc đình công này xảy ra không theo đúng quy định của pháp luật (không báo trước, không do công đoàn tổ chức và lãnh đạo...), do đó được xác định là các vụ ngừng việc tập thể.
Các vụ ngừng việc tập thể này thường diễn ra trong thời gian từ 1 đến 5 ngày, chủ yếu xảy ra tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số 9/13 vụ (bằng 69%); ngừng việc tập thể diễn ra nhiều nhất trong các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực may mặc (7/13 doanh nghiệp).
Phần lớn CNLĐ tham gia ngừng việc tập thể kiến nghị chủ doanh nghiệp về: Chậm điều chỉnh lương tối thiểu theo quy định, sa thải người lao động không đúng quy định của pháp luật, chậm thanh toán tiền lương.
Bên cạnh đó, các kiến nghị còn tập trung phản ánh việc các doanh nghiệp chưa công khai đơn giá tiền lương, đơn giá sản phẩm, chưa quy định rõ về ngày nghỉ hằng năm, yêu cầu doanh nghiệp thưởng lương tháng thứ 13, thưởng Tết Âm lịch, tăng lương cơ bản, tăng các khoản trợ cấp xăng xe, chuyên cần, thâm niên, đơn giá sản phẩm, ăn ca…
Sau khi nghe báo cáo về tình hình ngừng việc tập thể trên địa bàn Hải Dương, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận định, Hải Dương hiện là một trong các tỉnh phía Bắc có số vụ việc tương đương đình công ở mức cao. Các cuộc ngừng việc tập thể chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho thấy việc quản lý lao động ở các doanh nghiệp này khá khắt khe.
Để hạn chế xảy ra tình trạng trên, ông Chính đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, Công đoàn và các ngành chức năng của tỉnh cần có kế hoạch tham mưu cho tỉnh những biện pháp tháo gỡ hiệu quả. Cùng với đó, Hải Dương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, xử phạt nghiêm những doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật, nhất là trong lĩnh vực lao động.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra có chọn lọc ở những ngành nghề dễ xảy ra tranh chấp lao động. Tổ chức Công đoàn cần quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của các công đoàn cơ sở; có biện pháp tăng cường số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách tại những doanh nghiệp có đông CNLĐ trên địa bàn.