Nhà Trắng lại khủng hoảng sau cáo buộc Tổng thống Trump để lộ tin mật
Trong hôm 16/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục vướng vào rắc rối sau khi chịu thêm hàng loạt cáo buộc cho rằng ông đã để lộ thông tin tình báo mật cho các nhà ngoại giao Nga tại Phòng Bầu dục, một cáo buộc mà phía Nhà Trắng đang phải căng mình để chống đỡ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc họp tại Nhà Trắng mới đây. (Nguồn: WashingtonPost).
Vào cuối ngày 15/5, tờ Washington Post của Mỹ đã có bài viết cho rằng Tổng thống Trump đã hé lộ thông tin mật về tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong một cuộc gặp hồi tuần trước với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak.
Theo bài viết, thông tin tình báo trên đến từ một nước đồng minh của Mỹ, bên không hề muốn Washington chia sẻ nó với Nga. Diễn biến này được cho là có thể gây tổn hại tới lòng tin trong quan hệ hợp tác về tình báo và chống khủng bố giữa Mỹ và các đồng minh.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ông HR McMaster, đã lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng Tổng thống đã hé lộ “các nguồn tin tình báo hay phương thức tình báo”, nhưng cho hay ông Trump và ông Lavrov “đã xem xét lại hàng loạt các mối đe dọa chung đối với hai nước, trong đó có các mối đe dọa tới hàng không dân dụng”.
Còn theo Washington Post, dẫn nguồn một số quan chức giấu tên, thì Tổng thống Trump đã hé lộ các chi tiết liên quan tới mối đe dọa IS liên quan tới việc sử dụng máy tính xách tay trên các chuyến bay và hé lộ về thành phố nơi mà thông tin tính báo trên được thu thập.
Mới đây, chính quyền Tổng thống Trump đã ra chỉ thị cấm mang theo máy tính xách tay trên các chuyến bay đến từ một số quốc gia ở khu vực Trung Đông, và đang đánh tín hiệu sẽ mở rộng lệnh cấm này sang cả các chuyến bay đến từ châu Âu.
“Không có gì mà Tổng thống tỏ ra nghiêm túc hơn là vấn đề an ninh của người dân Mỹ. Câu chuyện mới xuất hiện là thông tin sai sự thật” - ông McMaster nói trong một tuyên bố.
Những cáo buộc trên là diễn biến mới nhất trong làn sóng khủng hoảng đổ bộ vào Nhà Trắng mới đây, và khiến các cố vấn của ông Trump phải căng mình để trấn an dư luận.
Kể từ sau khi tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Trump đã đi từ cuộc khủng hoảng này tới cuộc khủng hoảng khác, bất đồng với các cơ quan tình báo, giới hành pháp và cả giới truyền thông Mỹ. Hồi tuần trước, ông Trump tiếp tục lao vào cuộc khủng hoảng mới bằng quyết định sa thải Giám đốc FBI James Comey.
Vụ việc xảy ra trong lúc mà ông Comey đang dẫn đầu cuộc điều tra nhằm vào cáo buộc mối liên hệ giữa chiến dịch của ông Trump và phía Nga trong kỳ bầu cử năm ngoái.
Chỉ riêng cuộc họp giữa ông Trump và Ngoại trưởng Nga, trong bối cảnh mà ông Trump vừa sa thải người đang điều tra mình và trong lúc mà Moscow đang hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan tới cáo buộc can thiệp bầu cử, cũng đã gây tranh cãi trong giới chính trị nước Mỹ.
Hiện nay, giới chuyên gia phân tích chính trị và luật pháp cho rằng, việc hé lộ thông tin tình báo mật chính là bước đi tồi tệ nhất của ông Trump kể từ khi ông nhậm chức Tổng thống đến nay.
“Đây là cáo buộc nghiêm trọng nhất mà một vị Tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ phải gánh chịu” - chuyên gia pháp lý Alan Dershowitz nói với hãng tin CNN.
Đối với các đồng minh đang kiệt sức của ông Trump tại Quốc hội thì cuộc khủng hoảng mới nhất này chỉ khiến họ thêm đau đầu và bởi vậy, yêu cầu chính quyền Trump đưa ra lời giải thích rõ ràng về sự việc.
“Phía Nhà Trắng cần phải sớm có hành động gì đó để tự đặt mình dưới tầm kiểm soát và lấy lại trật tự” - Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Bob Corker, nói đồng thời thể hiện sự mệt mỏi sau hàng loạt cuộc khủng hoảng mà chính quyền Trump vấp phải - “Rõ ràng họ đang xuống dốc, và họ cần phải tìm cách thoát khỏi ngay những thứ đang xảy ra”.
Một thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa khác, John McCain, cũng đề cập tới cáo buộc ông Trump lộ tin tình báo mật cho Nga rằng: “Nếu điều đó đúng sự thật, rõ ràng là rất đáng ngại. Nhưng hãy cứ chờ đợi và xem điều gì xảy ra đã”.
Trong khi đó, Thượng nghị sỹ kỳ cựu phía đảng Dân chủ, Chuck Schumer, đã cáo buộc Tổng thống Trump đang đặt cuộc sống của người dân Mỹ vào chỗ rủi ro.
“Nếu thông tin này là đúng, nó thực sự đáng ngại. Hé lộ tin mật ở cấp độ này là đặc biệt nguy hiểm và đặt cuộc sống của người dân Mỹ cùng những người thu thập thông tin tình báo vào chỗ nguy hiểm” - ông Schumer nói.