Người bí thư mang quân hàm xanh

Nguyên Khánh 17/05/2017 08:00

Đã tròn 10 năm người chiến sỹ mang quân hàm xanh ấy về với bà con xã Đàm Thủy (Trùng Khánh, Cao Bằng) với vai trò mới - Bí thư - Chủ tịch xã. Anh là Thượng tá quân đội Mê Văn Đạt. Người chiến sĩ biên phòng sau nhiều năm gắn bó với biên cương đã tiếp tục thử lửa trên cương vị mới, tiếp tục cùng bà con đuổi cái đói, cái nghèo ra khỏi vùng đất khó.

Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch xã Mê Văn Đạt (người thứ nhất bên trái) đến thăm các hộ dân xóm Bản Nưa, Đàm Thủy.

Cán bộ xã 3 trong 1

Mê Văn Đạt là một trong những bí thư xã mang quân hàm xanh đầu tiên được điều động về vùng đất khó nơi biên cương. So với các xã nghèo khác, Đàm Thủy không phải là vùng “túi” nghèo bởi đây là mảnh đất chứa rất nhiều tài nguyên quốc gia.

Cũng vì lẽ đó, Đàm Thủy cách đây hơn 10 năm đã từng là một điểm nóng. Thượng tá Đạt được điều động về vào thời điểm Đàm Thủy nóng nhất. Lúc đó, bà con chẳng ai thiết tha với ruộng nương, hầu hết đều say sưa cơn khát đào quặng. Quặng lấy lên từ lòng đất bán có tiền ngay, còn hạt lúa củ khoai phải mất bao công khó nhọc tháng tháng, ngày ngày mới đến ngày thu hoạch.

Kể về thời điểm nhận nhiệm vụ “đi vào tâm bão” anh Đạt cho biết, lúc đó, Đàm Thủy đang là xã trọng điểm phức tạp về an ninh - trật tự. Xã có làng Lúng Péc có 248 hộ dân, với hơn 1.000 người dân tộc Nùng, sống sát biên giới.

Trước năm 2006, tại địa bàn xã từng có nhiều vụ biểu tình.Thậm chí, nhiều đối tượng xấu còn tụ tập, chống đối người thi hành công vụ. Cán bộ xã là người địa phương không thể vào khu vực đó để giải quyết, xử lý. Chỉ bộ đội biên phòng mới vào được bởi các anh quản lý vấn đề biên giới, có đủ uy tín để vận động, thuyết phục người dân.

Nhưng, thuyết phục người dân từ bỏ những mối lợi rất lớn là điều không đơn giản. “Không nói chuyện đao to búa lớn, tôi chỉ phân tích cho bà con tiền kiếm được từ quặng thời điểm hiện tại thì hơn làm nông nhiều, nhưng hệ lụy của nó là gì? Là nhà nhà bỏ bê ruộng nương, tiền kiếm được con cái họ “nhàn cư vi bất thiện” sa ngã vào nhiều tệ nạn khiến gia đình tan nát. Rồi một thời gian nữa quặng hết thì người dân sẽ về đâu? Trong khi đó, nếu chăm chỉ với ruộng nương bằng cách áp dụng công nghệ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất thì đất sẽ đẻ ra vàng” - anh Đạt nhớ lại.

Nói dễ nhưng làm không đơn giản, anh Đạt cho biết, muốn bà con tin phải có bằng chứng sống rằng sản xuất nông nghiệp sẽ giúp bà con thoát nghèo và đời sống khá lên. Muốn làm được điều này với một người lính là rất khó.

Thế nên anh phải tự tìm tòi, nghiên cứu tìm ra những giống cây hợp đất, những vật nuôi thích ứng với vùng đất này đồng thời kêu gọi “cứu trợ” từ sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thúc đẩy sản xuất.

Đất đã không phụ lòng người. Giờ thì bà con không còn lén lút khai thác quặng trái phép, mà gắn với ruộng nương để có những mùa vàng bội thu. Dân đã tin lời cán bộ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai phổ biến các chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Từ một xã tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm 20,47%, đến nay chỉ còn 8,04% hộ đói nghèo.

Nhiều hoài bão lớn

Với Mê Văn Đạt, khát khao đổi thay vùng đất khó là niềm đam mê để anh quên đi những nỗi niềm riêng tư khi phải sống xa gia đình. Thế là ý tưởng, nối tiếp ý tưởng. Anh bảo, chỉ chăm chỉ làm nông nghiệp chắc chắn không đói nhưng làm giàu sao được?

Phải có thêm nghề phụ. Không thể để người dân sống trong vùng di tích quốc gia, có điều kiện tự nhiên hút khách du lịch lại nghèo đói. Thế là một dự án du lịch manh nha hình thành. Việc làm đầu tiên chính là chăm lo cho thế hệ măng non của thôn bản. Con trẻ phải đến trường, phải có cái chữ mới thực hiện được những điều lớn lao hơn, anh Đạt tự nhủ.

Các lớp học bán trú dân nuôi giờ đây không còn xa lạ trên địa bàn biên giới, song để có được ngày hôm nay, Mê Văn Đạt cùng Đảng ủy xã Đàm Thủy đã phải nỗ lực rất nhiều.

Anh Đạt chia sẻ, để việc học tập của các cháu trong xã được thuận lợi, nâng cao chất lượng, qua nhiều cuộc họp, bàn bạc, Thường vụ Đảng ủy đã quyết định tổ chức mô hình học bán trú, các gia đình không có tiền thì góp bằng củi, bằng gạo. Xã tổ chức khoan giếng cấp nước sạch phục vụ cho sinh hoạt của học sinh, động viên các cô giáo bám lớp, chăm lo học tập và sức khỏe của các em.

Nhờ đó học sinh trong xã được các cô giáo kèm cặp ngoài giờ tốt hơn, kết quả học tập được nâng cao hơn, bên cạnh đó các bậc phụ huynh cũng yên tâm hơn, giảm được gánh nặng quản lý, chăm sóc con cái để tập trung vào việc phát triển kinh tế gia đình.

Nguyên Khánh