Nông dân nhổ bỏ rau, hoa vì nhiễm bệnh lạ

Tuấn Anh-T.K 17/05/2017 07:35

Hàng trăm hộ dân trồng rau, hoa trên địa bàn TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đang lo lắng khi diện tích hoa, rau của gia đình nhiễm bệnh lạ phải nhổ bỏ gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập.

Nhiều diện tích rau, hoa nhiễm bệnh người dân phải nhổ bỏ.

Hơn 1 tháng qua, nhiều diện tích trồng rau, hoa của người dân ở TP Đà Lạt xuất hiện tình trạng bị héo rồi chết dần. Nhiều hộ dân cứ nghĩ do năm nay thời tiết mưa sớm nên cây bị úng rễ.

Thế nhưng sau khi nâng luống xuống giống thì cây tiếp tục bị chết. Đặc biệt hơn 2 tuần qua căn bệnh lạ này đã bùng phát mạnh và lây lan rộng khiến cho nhiều bà con trồng rau, hoa lo lắng. Là người nhiều năm trồng rau, ông Lê Hồng Kha (ngụ tại tổ dân phố Thánh Mẫu, Phường 7, TP Đà Lạt) chia sẻ: Cây xà lách cô rôn được xem là loại cây dễ canh tác nhất vùng này vì nó gần như không có sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vậy mà mới đây gia đình tôi xuống giống 2 sào thì chỉ hơn 10 ngày đã thấy cây bị vàng lá, không phát triển nên đành phải nhổ bỏ.

Hiện toàn phường 7 (TP Đà Lạt) có trên 50ha canh tác xà lách cô rôn, tập trung nhiều nhất tại khu vực Măngline, Thánh Mẫu, Đất Mới, Hố Hồng…, trong đó với gần 80% diện tích đã bị bệnh lạ gây thất thu lớn cho nông dân.

Không chỉ có cây xà lách cô rôn, hiện hàng trăm hộ canh tác hoa cúc ở các phường 7, 8, 9, 11, 12 và xã Xuân Thọ (TP Đà Lạt) cũng đang lao đao vì hiện tượng hoa cúc bị úa vàng, héo rủ khiến nhiều nông hộ thất thu (bình quân mỗi sào thiệt hại từ 20-25 triệu đồng) vì phải nhổ bỏ. Theo số liệu thống kê sơ bộ đến nay đã có hơn 120 ha hoa cúc các loại trên địa bàn TP Đà Lạt bị nhiễm bệnh đốm héo, tập trung chủ yếu ở các phường 7, 8, 11 và 12. Trong đó, có gần 80 ha diện tích hoa cúc bị nhiễm bệnh trung bình đến nặng, một số diện tích bị mất trắng hoàn hoàn toàn.

Ngay sau khi phát hiện bệnh lạ, ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng cũng đã xuống các ruộng rau, hoa của người dân khảo sát, lấy mẫu để phân tích, nhằm xác định nguyên nhân để đưa biện pháp phòng trừ cho nông dân.

Bà Nguyễn Thị Tuyết - Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, dịch bệnh này do một loại virus gây ra, ban đầu lá biến dạng nhỏ, lốm đốm vàng sau đó khô dần, phần thân cây bị nhiễm bệnh có màu nâu đen, khô và thối biểu bì.

Dịch bệnh đốm héo trên cây hoa cúc vẫn đang có xu hướng ngày càng gia tăng, nhất là trên các loại giống cúc đóa, kim cương trắng, xanh thái và vàng thái. Để tránh dịch bệnh lây lan trên diện rộng, cần nhổ bỏ và tiêu hủy toàn bộ diện tích đã nhiễm bệnh, chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác họ.

Bà Tuyết khuyến cáo bà con nông dân đối với những vườn sản xuất, khi trồng mới thì phải sử dụng cây cúc sạch bệnh từ vườn ươm, cây giống uy tín, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất vườn, không có triệu chứng bị nhiễm bệnh.

Bà con cần vệ sinh đồng ruộng, thu gom, tiêu hủy triệt để cây bị nhiễm bệnh, tuyệt đối không vứt bỏ tàn dư cây nhiễm bệnh trên rãnh luống, bờ ruộng hoặc các mương nước tránh lây lan ra diện tích khác theo nguồn nước.

Mặt khác, phải luân canh với các loại cây trồng khác họ, trồng hoa cúc thì không nên trồng nhiều vụ trên cùng một diện tích, bởi nếu trồng liên tục qua nhiều năm sẽ có điều kiện tích tụ dịch bệnh gây hại cho cây trồng.

Tuấn Anh-T.K