Khoe con trên mạng
Con học, con chơi, thậm chí là cả con ốm, con đau… tất tần tật đều được các bậc cha mẹ ngày nay hồn nhiên đăng trên facebook. Với Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em vừa được ban hành, kể từ 1/7 tới đây, người lớn không còn quyền vô tư đưa ảnh trẻ em lên mạng nữa, nếu chưa được trẻ em từ 7 tuổi trở lên cho phép.
Có lẽ ở Việt Nam với sự phát triển mạnh mẽ của internet, những quy định này cũng là hơi chậm. Những mặt trái của việc không đảm bảo an toàn thông tin cho trẻ em trên mạng xã hội đã được chỉ ra và cảnh báo từ lâu.
Tranh minh họa.
Nhưng có lẽ vì chưa hình dung hết mà rất nhiều người vẫn hết sức tùy tiện và dễ dàng trong việc đưa lên mạng những hình ảnh và thông tin về trẻ em. Nay với những chế tài đã có, việc nâng cao nhận thức cho người dùng internet về những quy định bắt buộc phải tuân theo trong việc sử dụng hình ảnh và thông tin về trẻ em càng cần phải được tuyên truyền mạnh mẽ.
Cho đến nay việc khoe ảnh con quá nhiều lên mạng xã hội sẽ để lại những hậu quả khó lường đã quá rõ. Đương nhiên, có thể hiểu những người lớn, mà cụ thể là các bố, các mẹ, theo một lẽ hết sức bản năng luôn sẵn niềm tự hào về con cái. Khoe con cũng không phải là việc xấu, mong muốn lưu giữ những khoảnh khắc của con cũng không phải việc xấu. Nhưng từ một việc không xấu, hậu quả có khi lại trở thành rất xấu.
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo rất nhiều bậc cha mẹ đang khoe ảnh con lên mạng xã hội mà không kiểm tra đầy đủ các thiết lập riêng tư, có nghĩa là cơ hội những tấm ảnh này rơi vào tay kẻ xấu là rất cao. Khi những bức ảnh này rơi vào tay những người sử dụng với mục đích xấu, hậu quả có thể rất khó lường.
Ở Mỹ đã từng xảy ra trường hợp một người mẹ phát hiện thấy trên một trang web khiêu dâm ảnh cô con gái 8 tuổi và đứa con trai 9 tháng tuổi của mình. Đây là những hình ảnh bị đánh cắp từ facebook của người mẹ.
Tương tự, có những trường hợp ảnh những đứa trẻ được lấy từ facebook và instagram được sử dụng trên những trang web có nội dung mua bán trẻ em núp dưới chiêu bài “nhận con nuôi”. Đó chỉ là một số trong rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra mà chúng ta chưa hình dung hết được.
Rất nhiều người ngây thơ nghĩ rằng việc đưa ảnh con cái lên mạng là quyền của họ và họ độc quyền. Họ hầu như không cài đặt các chế độ bảo mật cho facebook của họ, mặc dù họ rất biết là mạng vốn sẵn chức năng “chia sẻ” và vô vàn thông tin mỗi ngày vẫn được chia sẻ đi khắp nơi, tới tận cùng trời cuối đất. Mặt khác, bản thân các trang mạng xã hội cũng đang tự ý sử dụng các hình ảnh được các cá nhân chia sẻ mà không cần xin phép.
Đáng báo động hơn nữa là rất nhiều người lớn còn tự ý tải lên mạng xã hội cả những hình ảnh của những đứa trẻ khác không phải là con mình mà là con cái của người quen, họ hàng lên các phương tiện truyền thông xã hội mà không cần sự cho phép.
Ở nước ngoài theo một nghiên cứu có khoảng 25% người sử dụng thú nhận không bao giờ yêu cầu sự cho phép của người trong ảnh trước khi đăng và 53% đã tải lên một bức ảnh của một đứa trẻ không phải con mình. Ở Việt Nam, trên thực tế đang diễn ra hàng ngày ở mạng xã hội hiện nay, những con số ấy có lẽ còn phổ biến hơn.
Với những quy định trong Luật Trẻ em và trong Nghị định mới được ban hành có hiệu lực từ 1-7 này, giờ đây, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng phải bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em trên môi trường mạng; ngăn chặn thông tin gây hại cho trẻ em.
Nghị định cũng đã quy định rõ, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên.
Có nghĩa là mọi tổ chức, cá nhân phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.
Không thể phủ nhận rằng mạng xã hội đã mang lại những tiện ích tuyệt vời. Và việc chia sẻ hình ảnh con cái trong một khoảnh khắc tuyệt vời nào đó cũng mang lại những cảm xúc đáng quý cho mỗi người.
Nhưng nó không còn đơn giản nữa khi những gì trẻ em vô tình bị đặt vào mối đe dọa về những nguy cơ tiềm ẩn. Ngay cả khi không bị sử dụng vào những mục đích xấu như bị một trang web khiêu dâm đánh cắp hình ảnh thì cũng chưa chắc những đứa trẻ sau này lớn lên lại thích những hình ảnh thời thơ bé đã bị bố mẹ vô tư khoe trên mạng.
Với Nghị định mới được ban hành, quyền trẻ em đã được bảo vệ chặt chẽ hơn. Bây giờ không phải là việc người lớn nên cân nhắc khi đưa ảnh trẻ em lên mạng nữa, mà là chắc chắn, theo quy định của pháp luật, phải được phép của người giám hộ cho trẻ (đối với trẻ em dưới 7 tuổi) và phải xin phép trẻ em (đối với trẻ từ 7 tuổi trở lên) mới được quyền đưa ảnh trẻ em lên mạng. Việc này, phải và nên được thực hiện, để bảo vệ và tôn trọng các em.