Tìm hướng đi cho Tứ Giác Long Xuyên
Đây là mục đích chính của hội thảo “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ Giác Long Xuyên thách thức và tầm nhìn” tại An Giang ngày 16/5.
Lần đầu tiên 4 địa phương (An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang) ngồi lại với nhau tìm hướng đi bền vững cho vùng, từ đó lập Đề án liên kết vùng TGLX để trình Chính phủ trong tháng 6 tới.
Vùng Tứ giác Long Xuyên đang chịu nhiều tổn thương từ biến đổi khí hậu.
Sau hơn 20 năm được đầu tư khai thác, phát triển, TGLX đã trở thành vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo lớn nhất khu vực ĐBSCL với diện tích trên 350 ngàn ha (trên 25% diện tích lúa ĐBSCL) với tổng sản lượng đạt gần 5 triệu tấn/năm.
Bên cạnh đó, ngành nuôi trồng thủy sản nước ngọt và lợ cũng đang phát triển nhanh đóng góp lớn vào kinh tế của vùng. Chỉ tính riêng diện tích nuôi cá tra của 2 tỉnh An Giang và TP Cần Thơ đã khoảng 2.000 ha (chiếm 1/3 diện tích nuôi ở ĐBSCL), ngoài ra, đây cũng là vùng có lợi thế về nuôi tôm nước lợ (Kiên Giang), và các loài thủy sản nước ngọt khác như cá lóc, tôm càng xanh….
Theo TS.Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu – Đại học Cần Thơ: Khu vực sông MeKông với trên 60 triệu người sinh sống hiện đang hứng chịu nhiều tổn thương.
Cụ thể, ĐBSCL đang đối diện với 6 thử thách: Biến đổi khí hậu và nước biển dâng; gia tăng dân số và di dân; khai thác tài nguyên quá mức; suy giảm chất lượng môi trường đất – nước; thay đổi sử dụng đất; phát triển chuỗi đập thuỷ điện ở thượng nguồn.
Ngoài ra trong tương lai vấn đề không khí ĐBSCL cũng không còn trong sạch, với việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than. Sự phát triển đập thuỷ điện thượng nguồn khiến cho nguồn nước đang nan giải. Biển đông, Tây ĐBSCL đang thấp và phẳng, nhiệt độ gia tăng, bức xạ tăng,… tương lai sẽ có những trận lũ lụt lớn.
Thời gian qua ĐBSCL xây dựng rất nhiều hệ thống thuỷ lợi, như Bắc Vàm Nao, Nam Vàm Nao, Thoát lũ ra biển Tây, Ô Môn Xà No, Quản lộ Phụng Hiệp, Tiếp Nhật, Ba Lai, Gò Công.
Theo ông Lê Anh Tuấn việc xây dựng hệ thống đê bao rất lớn ở An Giang sẽ làm ngập lụt ở Cần Thơ gia tăng. Các hiện tượng rừng ngập mặn bị mất, kéo theo sói lở bờ biển sẽ xảy ra khốc liệt hơn trước đó.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, tác động của các đập thuỷ điện Trung Quốc đối với vùng ĐBSCL sẽ làm giảm 50% lượng phù sa, ảnh hưởng độ màu mỡ của đất, gây sạt lở, ảnh hưởng đến thuỷ sản biển, giảm 100% cát sỏi về ĐBSCL, sẽ gây sạt lở bờ biển. Trong khi đó nguyên nhân chính của đợt hạn hán năm 2016 chính là hiện tượng El nino.
Trước những thách thức mà vùng TGLX đang phải hứng chịu, việc liên kết trong tiểu vùng TGLX trở nên hết sức cấp bách, vừa nhằm phát huy những cơ hội và thế mạnh chung, đồng thời cũng nhằm khắc phục những điểm yếu và thách thức.
Ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết: Các tỉnh trong vùng phải đưa ra những thế mạnh cũng như khó khăn để từ đó bàn giải pháp cụ thể. Việc cho rằng nên giảm đất lúa, nhưng cây gì sẽ thay thế cây lúa cũng phải bàn và tính toán kỹ. Ngoài ra các tỉnh cần chú ý tới việc liên kết phát triển cây ăn trái là thế mạnh của vùng TGLX.
Đối với một vùng mở như ĐBSCL nói chung và TGLX nói riêng, vấn đề liên kết vùng vô cùng quan trọng. Liên kết vùng sẽ mở ra triển vọng phối hợp chặt chẽ hơn giữa các tỉnh/thành và Tiểu vùng trong nhiều nội dung hợp tác phát triển, cả về kinh tế, xã hội, văn hóa và an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, trong phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật có tính liên kết vùng cao như giao thông, thủy lợi lại càng cần thiết và quan trọng.