Xoá bỏ mọi định kiến, rào cản để DN phát triển
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp sáng 17/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có những chia sẻ thẳng thắn khi nhìn lại một năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, trong đó có tín hiệu đáng mừng về môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng.
Việt Nam đã tăng 9 bậc về chỉ số môi trường kinh doanh
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó cắt giảm 24 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo khảo sát của VCCI, thời gian thành lập DN trung bình tại các địa phương phổ biến là 2 ngày.
Chính phủ điện tử được triển khai trong nhiều thủ tục hành chính như thuế, hải quan, đăng ký doanh nghiệp… đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí và phòng chống tiêu cực, tham nhũng. 63 tỉnh, thành phố đã ban hành Chương trình hành động; thành lập đường dây nóng, tổ chức đối thoại với nhiều mô hình đa dạng như: Hội nghị “Lắng nghe và đổi mới” của TP Hồ Chí Minh; Cà phê doanh nhân (Quảng Ninh, Trà Vinh, An Giang, Sóc Trăng…), khởi nghiệp - doanh nhân (Kon Tum), Bác sỹ doanh nghiệp (Bắc Ninh)…
Trong lĩnh vực tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cân đối vốn, ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; đề xuất gói tín dụng hỗ trợ DNNVV, nông nghiệp công nghệ cao.
Trong nỗ lực cắt giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành 15 Thông tư điều chỉnh mức thu phí của 29 trạm thu phí. Bộ Giao thông vận tải đã lập tổ công tác liên ngành xem xét, đề xuất tăng cường quản lý, giám sát giá; cắt giảm các khoản phụ thu bất hợp lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển.
Thanh tra Chính phủ đã quán triệt và tăng cường công tác thanh tra, xử lý vi phạm theo hướng lồng ghép, phối hợp và kế thừa, thực hiện theo nội dung và nguyên tắc: thanh/kiểm tra không quá 1 lần/năm như đã nêu tại Nghị quyết.
Định kỳ hàng quý, tổ chức họp báo công bố kết quả thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng và trả lời câu hỏi mà dư luận quan tâm. Một số địa phương như: Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lào Cai, Quảng Bình, Đắk Lắk, Sóc Trăng… đã ban hành văn bản đôn đốc, hướng dẫn phối hợp công tác thanh tra giữa các đơn vị trực thuộc.
Chủ trương khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 35 đã lan tỏa rộng rãi. Hàng trăm sự kiện, cuộc thi khởi nghiệp, lập nghiệp được nhiều tổ chức, địa phương triển khai; gần 30 “không gian làm việc chung” và sáng tạo thuộc khu vực tư nhân được thiết lập; mạng lưới các nhà đầu tư cho khởi nghiệp dần hình thành.
Về mở rộng thị trường, cơ hội đầu tư kinh doanh: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13 trong lĩnh vực mua sắm công, nhằm đẩy mạnh tiêu dùng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước; ban hành Quyết định số 58 thu hẹp các lĩnh vực mà DNNN nắm giữ, tạo thị trường cho khu vực tư nhân tham gia vào các ngành, lĩnh vực quan trọng như: sản xuất, kinh doanh điện, hóa chất cơ bản, thuốc lá, dịch vụ viễn thông, tài chính ngân hàng…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 3 sắp tới với nhiều chính sách đột phá cho doanh nghiệp; Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế; Bộ Công Thương đang xây dựng đề án phát triển thị trường trong nước…
Các Bộ: Công an, Lao động Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng và các địa phương đang triển khai tích cực những nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35.
Những nỗ lực đó đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Riêng năm 2016 đã có hơn 110 nghìn doanh nghiệp thành lập, tăng hơn 16% so với năm 2015, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay; hơn 2.600 dự án đầu tư nước ngoài mới, với gần 16 tỷ USD vốn đăng ký, tăng hơn 23% về số dự án so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới năm 2016, Việt Nam đã tăng 9 bậc (từ vị trí 91 lên 82) về chỉ số môi trường kinh doanh. Đánh giá của Eurocham, Amcham, Jetro… cũng cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam đang tiếp tục được cải thiện; các doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam.
Người đứng đầu Bộ, ngành phải nhận thức sâu sắc hơn tinh thần Nghị quyết 35
Khẳng định những thành tựu đã đạt được, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận, tuy nhà nước đã có nhiều nỗ lực thay đổi môi trường kinh doanh nhưng theo nhiều doanh nghiệp, vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi.
Chẳng hạn vẫn còn tồn tại sự không thống nhất giữa các luật: Đầu tư, Bảo vệ môi trường, Đất đai, Xây dựng… dẫn đến vướng mắc trong thực thi.
Cụ thể, Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường quy định không thống nhất về đối tượng thực hiện đánh giá tác động môi trường, hiệu lực của Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Luật Đất đai và Luật Đầu tư lại quy định không thống nhất về việc thu hồi đất trong trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.
Vẫn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề, gây khó khăn và gia tăng gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp. Ví dụ: lĩnh vực an toàn thực phẩm hiện do 3 Bộ: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp cùng quản lý theo 3 nghị định khác nhau; giấy phép kiểm dịch do các đơn vị khác nhau trong cùng một Bộ xử lý mà không thống nhất đầu mối...
Việc thực hiện thanh tra, kiểm tra ở cấp địa phương còn tồn tại hiện tượng chồng chéo, trùng lắp về nội dung giữa các ngành (công an, môi trường, xây dựng, thuế…), các cấp sở, quận/huyện; còn tồn tại sự thiếu phối hợp giữa ngành thanh tra và ngành kiểm toán, chưa có sự kế thừa các kết luận thanh tra, kiểm tra của các cơ quan. Đây là nguy cơ hiện hữu dẫn đến rủi ro lớn, thiệt hại về tài sản, gián tiếp tạo thêm gánh nặng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp...
Theo Bộ trưởng, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2017 và những năm còn lại của nhiệm kỳ, tinh thần và nội dung của Nghị quyết 35 cần phải được quán triệt và triển khai mạnh mẽ, đồng bộ.
Yếu tố then chốt là người đứng đầu các Bộ ngành, địa phương phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tinh thần Nghị quyết 35, chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo thực hiện một cách chủ động, quyết liệt và hiệu quả; cán bộ công chức phải thay đổi tư duy, thái độ, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Bên cạnh những nỗ lực của Nhà nước trong việc xoá bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính, sửa đổi các quy định về đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, sửa đổi quy định về các loại thuế, quản lý thuế, hải quan; sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng... thì nhận thức của người đứng đầu một số Bộ ngành, địa phương về ý nghĩa và tầm quan trọng triển khai Nghị quyết 35 phải thật đầy đủ, sâu sắc, nhờ đó mà việc triển khai Nghị quyết mới quyết liệt, hiệu quả.
Hiện vẫn còn tồn tại nhiều cán bộ, công chức chưa tự đổi mới tư duy, từ quản lý doanh nghiệp sang lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, chưa theo kịp tinh thần, chủ trương nhà nước kiến tạo; chưa tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc về đạo đức công vụ; thậm chí còn định kiến, phân biệt đối xử, gây khó khăn, nhũng nhiễu; một bộ phận công chức có chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, thiếu thực tế, cứng nhắc trong vận dụng chính sách; chưa giải quyết kịp thời cho doanh nghiệp.
Vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong công tác đối thoại với chính quyền còn mờ nhạt; chưa thể hiện rõ là người đại diện để tranh luận, phân tích một cách độc lập, khách quan, kiến nghị đúng và trúng vấn đề, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực hơn nữa trong đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp; tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới, xây dựng thương hiệu và “chữ tín” trong kinh doanh; chăm lo đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, nhất là về trách nhiệm xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng: Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được ban hành tháng 5 năm 2016, đã khẳng định 10 nguyên tắc và 5 nhóm giải pháp cần thực hiện, nhằm mục tiêu nhà nước kiến tạo; lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp khởi nghiệp, tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. |