Tháng 5, về thăm quê Bác

Điền Bắc 18/05/2017 09:00

Cứ mỗi độ tháng 5 về cảm giác lâng lâng, khỏ tả lại ùa về với những ai hành hương về thăm quê Bác. Không chỉ để được sống lại cảm xúc ấm áp ở nơi đã sinh ra vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam và được đắm mình trong không gian bát ngát hương sen mà còn cảm nhận sự đổi thay của quê hương Người. Bởi cứ một năm trôi qua, Nghệ An lại có những bước phát triển thực sự, mà trước hết là chính từ nỗ lực của người dân.

Du khách thập phương tham quan và thắp hương tại phần mộ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Bác Hồ) tại xã Nam Anh, huyện Nam Đàn vào những dịp tháng 5 về.

“Đất lành chim đậu”

Những ngày tháng 5 lịch sử, người dân ở khắp mọi miền đất nước và cả những kiều bào xa quê hương đều hướng về Nghệ An - vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của vị cha già dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh với tấm lòng thành kính để kỷ niệm 127 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890 - 19/5/2017).

Gần nửa thế kỷ trôi qua, kể từ ngày Bác không còn nữa, đã có bao nhiêu bước chân những người con nối bước trở về, khẽ khàng cúi mình đi giữa không gian văn hóa – lịch sử, mà lòng rưng rưng một nỗi niềm thương nhớ. Làng Sen nay đã trở thành Di tích lịch sử - văn hóa, và khu di tích Kim Liên là Di tích Quốc gia đặc biệt (bao gồm quê nội, quê ngoại Bác Hồ và phần mộ bà Hoàng Thị Loan ở Động Tranh trên dãy Đại Huệ và cụm di tích Núi Chung).

Với niềm tự hào ấy, hơn 10 năm nay, Nghệ An có những bước phát triển mạnh mẽ, ngoài những yếu tố nội lực, những tiềm năng sẵn có còn có việc thu hút đầu tư đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đơn cử như sự đầu tư của Tập đoàn TH khởi công dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao” với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD tại vùng đất đỏ Nghĩa Đàn đã giải quyết việc làm cho khoảng 2.600 lao động trong tỉnh, trong đó có 1.000 lao động là con em trong vùng dự án, tạo ra một thế hệ công nhân với tác phong công nghiệp, cuộc sống của người dân nhờ đó thay đổi từng ngày.

Đặc biệt trong năm 2015 - 2016, Nghệ An tiếp tục là điểm đến đầu tư được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước như Tập đoàn Hoàng Phát The Vissai, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Vingroup, Becamex, Hoa Sen, Masan, Hemaraj… lựa chọn. Nhiều dự án trọng điểm, với mức đầu tư lớn, vào các lĩnh vực quan trọng, đã tạo nên những bước phát triển đột phá, có sức lan tỏa, đem lại sự thay đổi mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.

Những công trình như thế này tại miền núi cao Nghệ An đã thúc đẩy sự phát triển, góp phần thay đổi cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số.

Điều đó đồng nghĩa với tiềm năng của mình, Nghệ An dần khẳng định là nơi đất lành chim đậu cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đó chính là cơ hội tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, thay đổi đời sống người dân trên vùng đất khó. Hay mới đây, nhiều dự án trọng điểm của Nghệ An được đưa vào sử dụng như tuyến đường D4 - N5 nối từ Quốc lộ 7 đến trạm nghiền xi măng sông Lam hiện đã thông xe. Trạm nghiền xi măng Nghi Thiết giai đoạn 1, công suất 4 triệu tấn/ năm cũng đã hoàn thành hạng mục Si lô chứa xi măng 100.000 tấn và hứa hẹn sẽ thu hút hàng ngàn lao động trên địa bàn.

Chuyển mình

Nếu như chính quyền có trách nhiệm thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư vào địa phương để tạo đột phá thì người dân xứ Nghệ lại tiếp tục sự đột phá ấy bằng những nỗ lực, nội lực và nghị lực của chính mình, xây dựng nông thôn mới là một ví dụ. Bởi chính chương trình xây dựng NTM là mô hình để người dân “thể hiện” sức vóc của mình.

Nhờ vậy, đến nay Nghệ An đã có 152 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 2 xã nghèo 30a), đạt 35,3%, cao hơn bình quân chung của cả nước chỉ mới đạt 26,43%. Số tiêu chí bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 9,86 tiêu chí/xã so với năm 2011, hiện đang thí điểm xây dựng 3 xã NTM kiểu mẫu, gồm: xã Sơn Thành (Yên Thành), xã Kim Liên (Nam Đàn) và xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu). Có 2 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt NTM.

Cùng với đó là những mô hình kinh tế của rất nhiều gương làm ăn kinh tế giỏi, làm đổi thay cuộc sống nghèo khó xưa kia. Điển hình như tại xã Phà Đánh (Kỳ Sơn) có anh Lương Văn May (SN 1985) xây dựng mô hình chăn nuôi dê, thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm. Ngay cả nhiều già làng uy tín cũng tự mình thay đổi cuộc sống, thay đổi cách làm bằng các mô hình kinh tế, đó là phải kể đến ông Vừ Vả Chống - bản Trung tâm (xã Huồi Tụ) với mô hình kinh tế tổng hợp gồm vườn chè 3ha trải rộng trên các sườn đồi, đàn trâu 3 con, bò 15 con, hơn 5.000 cây pơ mu, sa mu, mỗi năm thu hoạch 2 - 3 tấn gừng.

Cũng từ đầu năm nay, ngư dân Nghệ An luôn gặp “lộc biển” với những chuyến đi biển bội thu.

Hay như ở xã Thanh Sơn (Thanh Chương) có ông Vi Tuyền Quynh - Chi bộ bản Tân Lập với bề dày 50 tuổi đảng. Ông được người dân vùng tái định cư nể phục không chỉ bởi sự gương mẫu, mà còn bởi khả năng làm kinh tế giỏi với trang trại rộng 1,2 ha, trong đó có vườn chè 1,8 sào, ô tô chở chè, máy cày cho người dân thuê và khu vực dành riêng cho chăn nuôi…

Hay như anh Nguyễn Văn Cường, xóm 10A, xã Nghĩa An (huyện Nghĩa Đàn) là một thanh niên công giáo tiêu biểu làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình với mô hình chăn nuôi bò sữa. Đến nay tổng đàn bò của gia đình anh lên đến 20 con, 12 con cho sữa, lượng sữa mỗi ngày đạt từ 170 đến 180 lít, ước tính khoảng 2 triệu đồng/ngày, trừ chi phí mỗi tháng gia đình anh cũng có nguồn thu khoảng 50 - 60 chục triệu đồng; anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3 - 4 lao động nhàn rỗi.

Đặc biệt, trong quý 1 năm 2017, ngư dân các huyện như Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò… liên tiếp gặp được “lộc biển” thu hàng trăm triệu đồng, thậm chí có nhiều chuyến đi thu về tiền tỷ. Điển hình như xã Quỳnh Lập từ đầu năm đến nay đã khai thác được 7.000 tấn hải sản các loại, giá trị đạt 100 tỷ đồng. Bình quân lao động nghề cá thu nhập mỗi tháng là 6,5 triệu đồng.

Với những điển hình nói trên, người dân trên quê hương Bác đã vươn lên trước những khó khăn, và cũng chính những nỗ lực ấy đã góp sức cho sự thay đổi vùng đất này. Một tháng 5 nữa lại về, những thay đổi ấy đã từng ngày đem lại cho xứ Nghệ một màu da mới, một diện mạo mới.

Điền Bắc