Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Bác Hồ là đề tài rất lớn trong sáng tác của tôi
Có nhiều văn nghệ sĩ đã sáng tác những tác phẩm văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi, thay lời thiếu nhi Việt Nam để nói lên tình cảm chân thành, sâu sắc của mình với Bác. Nhà thơ Trần Đăng Khoa là một trong số đó.
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi.
Nhiều câu thơ của Trần Đăng Khoa viết về Bác Hồ đến nay vẫn được thiếu nhi thuộc lòng, như “Ngày ngày Bác mỉm miệng cười/ Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà/ Ngoài sân có mấy con gà/ Ngoài vườn có mấy quả na chín rồi”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định: Tôi viết khá nhiều về Bác Hồ.
Dù chưa được gặp Bác Hồ lần nào (Bác ơi cháu chẳng bao giờ/ Còn vui gặp Bác, cháu chờ đã lâu) vì lúc nhỏ tôi còn ở quê nhà Hải Dương nhưng ngay trong những sáng tác đầu tiên tôi đã viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là các bài “Ảnh Bác”, “Em gặp Bác Hồ”, “Hà Nội có Bác Hồ”…
Đọc những bài thơ ấy, chúng ta thấy hình tượng Bác Hồ lại đi vào thơ của cậu bé Trần Đăng Khoa khi đó một cách gần gũi và hết sức dung dị. “Bởi vì Bác rất vĩ đại nhưng đối với thiếu nhi Bác như một ông tiên, hiền từ, gần gũi, ấm áp đến mức: “Mắt chỉ cần hé mở/ Là đã thấy Bác rồi”.
Và Bác Hồ cũng viết rất nhiều thơ về thiếu nhi như: “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”; hay: “Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình/ Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh”…
Những năm chiến tranh căng thẳng như thế, khi giặc Mỹ ném bom Hà Nội, trái tim, tâm hồn trẻ con non nớt đã biết lo lắng và viết nên những câu thơ: “Em chưa về Hà Nội/ Nhưng đêm đêm nghe cơn gió nói/ Về ngôi nhà Bác ở giữa Ba Đình/ Bóng Bác bên cây vú sữa/ Tiếng Bác Hồ cười/ Em nghe rất rõ… Tiếng loa dậy lên từ đất/ Tiếng loa dội xuống từ trời/ - Thằng giặc Mỹ ném bom Hà Nội rồi/ Hà Nội có Bác Hồ đang ở”.
Hoặc chỉ nhìn tấm ảnh Bác, cậu bé Trần Đăng Khoa cũng đã viết: “Em nghe như Bác dặn lời/ Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa/ Trồng rau quét bếp đuổi gà/ Thấy tàu bay Mỹ nhớ ra hầm ngồi”.
Đến khi được ra Hà Nội lần đầu tiên, Trần Đăng Khoa đã đến ngay Ba Đình để thăm căn nhà nơi ở của Bác Hồ như thế nào. Khi đó, “nhà thơ tí hon” Trần Đăng Khoa đã viết: “Bác ơi cháu đến đây rồi/ Ba Đình phượng nở một trời tiếng ve/… Bác lo nghĩ suốt một đời/ Để cho chúng cháu vui chơi từng ngày/ Đất trời sáng lắm hôm nay/ Cháu nhìn mái ngói bóng cây bồi hồi”.
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ vĩ đại đồng thời cũng là đề tài lớn của sáng tác văn học nghệ thuật và bản thân Bác cũng là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn. Ta hiểu vì sao mà có rất nhiều tác phẩm đặc sắc viết về Bác.
Riêng cho thiếu nhi chúng ta có “Cha và con” (Hồ Phương), “Búp sen xanh” (Sơn Tùng) và rất nhiều bài hát, bài thơ, trong đó có những tác phẩm trở thành người bạn đường của đông đảo nhân dân.
Không chỉ ở trong nước mà còn ở các nước trên thế giới người ta cũng viết về Bác. Nếu chọn nhà thơ viết hay nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh theo tôi đó là nhà thơ Cuba Felix Pita Rodriguez. Ông có hai bài thơ rất xuất sắc về Bác Hồ đó là “Hồ Chí Minh tên người là cả một niềm thơ” và “Thủ đô Hà Nội nhớ Bác Hồ”.
Với cá nhân mình, nhà thơ Trần Đăng Khoa thừa nhận: “Đề tài Bác Hồ rất là lớn trong sáng tác của tôi. Tôi nghĩ rằng chúng ta hiện nay đang học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nên việc viết về Bác vẫn là một đề tài lớn, tiếp tục được thế hệ những người cầm bút tiếp nối. Bởi, còn rất nhiều bí mật ở Bác Hồ mà chúng ta vẫn chưa nghiên cứu, khai thác hết. Đơn cử như việc tại sao ngày xưa Bác Hồ lại dùng người tài như thế. Bằng phép nhiệm màu như thế nào mà tất cả những người Cụ Hồ chọn để đề bạt thì đều trở thành những nhân vật lịch sử nổi tiếng của trong nước và thậm chí của cả thế giới. Như GS. TS, nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của nước ta và nhiều danh nhân khác. Đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Tác giả “Góc sân và khoảng trời” cũng đề xuất: Bao nhiêu năm qua, tình cảm của nhân dân Việt Nam ta với Bác chưa hề thay đổi. Thế hệ chúng tôi được sống trong bầu khí quyển của Bác, sau này các em không có điều kiện ấy. Với các em nhỏ, học tập Bác qua sách báo, tranh ảnh là hết sức cần thiết. Những bức tranh là để các em nhìn thấy trực diện, xem hình ảnh của Bác thế nào. Còn các tác phẩm văn học để khai thác tâm hồn Bác, cái bên trong, cái mà tranh không vẽ được…