Bùng nhùng tại Công ty CP phân đạm và Hóa chất Hà Bắc- Bài 1: Chậm tiến độ, đội vốn và lỗ lớn
Với kỳ vọng vươn lên thành “Cánh chim đầu đàn” trong lĩnh vực sản xuất phân bón, hóa chất, Công ty CP phân đạm và hóa chất Hà Bắc (trụ sở tại phường Thọ Xương, TP. Bắc Giang) đã bỏ ra gần 600 triệu USD để thực hiện Dự án cải tạo mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc. Tuy nhiên, sau khi Dự án hoàn thành, hiệu quả chưa thấy đâu mà chỉ thấy nhà máy này lỗ cả nghìn tỷ đồng.
Sau lễ khánh thành Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc rất hoành tráng,
Công ty CP phân đạm và Hóa chất Hà Bắc rơi vào thảm cảnh “lỗ khủng”.
Sai phạm “chồng” sai phạm
Năm 2008, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã đầu tư xây dựng Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 568 triệu USD. Theo đó, chủ đầu tư sẽ xây dựng thêm một dây chuyền sản xuất urê mới, kết hợp với cải tạo dây chuyền sản xuất urê hiện có, đi từ nguyên liệu than cục sang sử dụng nguyên liệu than cám. Theo thiết kế, Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc với hệ thống nhà xưởng, thiết bị hiện đại, sẽ có quy mô cho ra lò sản phẩm urê 500.000 tấn/năm, sản phẩm trung gian Amoniac lỏng 300.000 tấn/năm.
Tuy nhiên ngay từ khâu quy hoạch, phê duyệt đến quá trình thi công, Dự án này mắc hàng loạt sai phạm khủng khiến dư luận bất bình.
Vào cuộc thanh tra, gần đây Thanh tra Bộ Xây dựng đã phát hiện, tại Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cấp chứng chỉ quy hoạch có nội dung mở rộng nhà máy về phía Tây và Tây Bắc với diện tích 22,56 ha chưa phù hợp với đồ án quy hoạch chung thành phố Bắc Giang đến năm 2020.
Theo đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Nhà máy phân đạm Hà Bắc được duyệt 9,4 ha đất xây dựng nhà máy và chức năng sử dụng 5,26 ha đất phía Tây- Bắc nhà máy chưa phù hợp với đồ án quy hoạch chung thành phố Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mặt khác, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cấp giấy phép xây dựng các hạng mục thuộc gói thầu EPC thiếu một số nội dung theo quy định và cấp chậm 29 tháng so với thời điểm thi công. Về vấn đề này, Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định trách nhiệm thuộc về Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang.
Thanh tra Bộ Xây dựng cũng phát hiện, chủ đầu tư phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, nhà thầu thi công một số công trình thuộc gói thầu EPC có diện tích xây dựng chưa phù hợp với giấy phép xây dựng đã được cấp. Đáng chú ý, chủ đầu tư lập tổng mức đầu tư điều chỉnh còn một số thiếu sót do tính thừa chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí các hạng mục tạm thời, làm tăng tổng mức đầu tư của Dự án hơn 62 tỷ đồng.
Chủ đầu tư Dự án xác định chi phí quản lý dự án chưa đúng với quy định hơn 35 tỷ đồng. Trong đó chi phí quản lý dự án tăng do xác định lại chi phí thuê tư vấn, quản lý dự án trong phạm vi mức chi phí quản lý dự án theo quy định là 42 tỷ đồng. Chi phí hội họp ở nước ngoài, chi phí quản lý dự án giảm do xác định lại các khoản mục như chi phí họp nước ngoài phục vụ thẩm tra thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công là 6 tỷ đồng và chi phí đào tạo cán bộ, kỹ thuật để vận hành hệ thống máy móc của Dự án là 1 tỷ đồng.
“Chủ đầu tư và liên doanh nhà thầu thực hiện gói thầu EPC xác định chưa chính xác chủng loại, số lượng một số thiết bị trong hợp đồng, dẫn đến có sự chênh lệch giữa giá trị hợp đồng EPC so với giá trị đã nghiệm thu lắp đặt. Giá trị thiết bị đã nghiệm thu lắp đặt tăng so với hợp đồng EPC là 637.835 USD…”- Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận.
Về công tác quản lý chất lượng công trình, Thanh tra Bộ Xây dựng xác định, Chủ đầu tư ủy quyền cho Ban quản lý dự án phê duyệt thiết kế kỹ thuật là chưa phù hợp về thẩm quyền theo quy định. Nhà thầu thực hiện gói thầu EPC thiếu nhiệm vụ khảo sát xây dựng, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng đối với công tác khảo sát địa chất… nhà thầu áp dụng không đúng một số nội dung theo tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu hạng mục cọc khoan nhồi.
Chưa dừng lại ở đó, chủ đầu tư khởi công xây dựng các hạng mục thuộc gói thầu EPC khi chưa có giấy phép xây dựng. Diện tích xây dựng các công trình theo thiết kế bản vẽ thi công chưa phù hợp với giấy phép xây dựng. Chiều cao tháp tạo hạt theo thực tế thi công vượt 5,2m so với chiều cao tối đa được Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu chấp thuận và Giấy phép xây dựng. Giai đoạn năm 2008 - 2015, Chủ đầu tư giao cho hàng trăm nhân viên tham gia quản lý dự án nhưng không hề có chứng nhận nghiệp vụ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, đơn cử năm 2013 là 46/69 người, năm 2014 là 44/64 người, năm 2015 có 22/38 người.
Tiếp đó, Chủ đầu tư thanh toán chi phí mua bảo hiểm các công trình tạm tại hiện trường và bảo hiểm cho người lao động của nhà thầu thi công gói EPC chưa đủ cơ sở. Giá trị thanh toán chi phí mua bảo hiểm chưa đủ cơ sở lên tới 375.000 USD.
Trước đó, tháng 8/2014, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán Dự án và phát hiện một số tồn tại, thiếu sót của chủ đầu tư trong công tác quản lý đầu tư xây dựng dự án. Tổng số tiền vi phạm lên đến 15 tỷ đồng, trong đó thu hồi về 9,8 tỷ đồng.
Đội vốn và “lỗ khủng”
Thanh tra Bộ Xây dựng xác định, do có nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện nên Dự án chậm tiến độ lên đến 3 năm 9 tháng so với tiến độ dự kiến được phê duyệt theo Quyết định số 212/QĐ-HCVN ngày 19/3/2008. Theo đó, Dự án khởi công ngày 28/11/2008 nhưng mãi đến ngày 16/12/2015, công trình mới được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng. Do dự án triển khai chậm tiến độ quá lâu dẫn đến tăng chi phí đầu tư, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, thực tế, tính đến tháng 9-2016, tổng giá trị giải ngân của Dự án là 10.016 tỷ đồng, trong đó vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam 4.125 tỷ đồng, vay các Ngân hàng Thương mại gần 3.282 tỷ đồng, vốn của công ty là 2.608 tỷ đồng.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi của chủ đầu tư, dự án sẽ lỗ trong 2 năm đầu đi vào khai thác, năm đầu lỗ 596 tỷ đồng, năm thứ 2 lỗ khoảng 120 tỷ đồng và đến năm thứ 4 là hết lỗ. Tuy nhiên, thực tế ngay năm đầu đi vào khai thác, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc lỗ tới 669 tỷ đồng, tăng 73 tỷ đồng so với dự báo. Năm 2016, công ty tiếp tục thua lỗ lên đến con số nghìn tỷ, gấp gần chục lần so với dự báo ban đầu.
Trước tình hình đó, Nhà máy đạm Hà Bắc đã gửi kiến nghị khắp nơi đề nghị Ngân hàng khoanh nợ gốc, và lãi vay của Ngân hàng trong 5 năm kể từ 1/7/2016 đồng thời gia hạn các hợp đồng vay vốn đến hết năm 2018. UBND tỉnh Bắc Giang đã từng phải ký văn bản gửi Chính phủ đề nghị giải cứu Nhà máy phân đạm Hà Bắc vì nhà máy sản xuất, kinh doanh thua lỗ. Năm 2017, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhà máy này cũng gặp nhiều khó khăn, đối mặt với sự thua lỗ.
Đức Sơn
(Còn nữa)