Dự án bãi đậu xe ở TP Hồ Chí Minh: Vì sao 'chết lâm sàng'?
Dù lên kế hoạch xây dựng nhiều bãi đậu xe (nổi và ngầm) để giải quyết bài toán thiếu chỗ gửi xe khu vực trung tâm thành phố, thế nhưng cho đến nay một số dự án bãi đậu xe lại đang lâm vào tình cảnh “chết lâm sàng”. Vì sao?
Hai bãi đậu xe tại TP HCM đã đi vào hoạt động, nhưng công suất mới đạt 10 - 30%.
(Ảnh: Hồng Phúc).
Đầu tư bãi giữ xe ế ẩm
Hiện trên địa bàn thành phố có hai dự án bãi đậu xe đã được đưa vào sử dụng, gồm bãi đậu xe 5 tầng nằm ở mặt tiền đường Chế Lan Viên (P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, được khai thác từ giữa năm 2013) và nhà giữ xe 10 tầng ở 326 Võ Văn Kiệt (P.Cô Giang, Q.1). Đối với bãi đậu xe đường Chế Lan Viên với sức chứa khoảng 1.000 ô tô và 2.000 xe máy, có tổng kinh phí đầu tư hơn 400 tỷ đồng thế nhưng cho đến nay đã gần 2 năm thì nhà giữ xe này mới chỉ đạt khoảng 30% công suất thiết kế. Đối với nhà giữ xe 10 tầng rộng hơn 32.000 m2 gồm 9 tầng để xe, thế nhưng từ khi đi vào hoạt động đến nay thì bãi xe mới đạt khoảng 10% công suất thiết kế.
Có trường hợp như Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và công nghiệp IDICO mới đây thậm chí đã xin rút khỏi dự án bãi đậu xe ngầm tại sân vận động công viên Tao Đàn (Q.1). Ngay cả bãi đậu xe ngầm tại sân vận động Hoa Lư, được duyệt vốn đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương cuối cùng cũng xin rút lui khỏi dự án này do khả năng thu hồi vốn rất thấp. Tương tự, bãi đậu xe công viên Lê Văn Tám (Q.1) cũng lâm vào tình trạng “phơi sương” nhiều năm qua, dù đã được động thổ từ tháng 8/2000. Đại diện chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS) phàn nàn về tình trạng dự án kéo dài nên vốn đầu tư ban đầu đã đội lên hơn 200 triệu USD, trong khi các thủ tục rườm rà tiếp tục làm mất nhiều thời gian, tiền bạc của các nhà đầu tư.
Các bãi đậu xe ngầm, như Công trường Lam Sơn, công viên Bách Tùng Diệp, công viên 23-9 (Q.1) và bãi giữ xe ở đường Nguyễn Huệ (Q.1) cũng đã được UBND TP HCM ngưng xem xét đầu tư xây dựng do không còn phù hợp quy hoạch.
Sai từ tầm nhìn
Cựu phi công Mai Trọng Tuấn, người có sáng kiến về bãi đậu xe nổi trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, TP HCM nhận xét. “Ai cũng biết nhu cầu cần chỗ đậu xe cho khu vực trung tâm TP HCM đang rất cần thiết, nếu không muốn nói là cấp bách. Đặc biệt lượng xe hơi cá nhân ngày càng ồ ạt phát triển với tốc độ phi mã mà Nhà nước không thể nào cấm được, trong lúc chỉ với số lượng xe hiện có cũng đã quá tải lắm rồi. Việc làm bãi đậu xe là cấp bách, nhưng làm thế nào thì phải có lộ trình cụ thể”- ông Tuấn tâm tư.
Tác giả của sáng kiến “bãi đậu xe nổi” đặt một loạt câu hỏi mà người dân thành phố đang quan tâm: “Bao giờ các dự án mới được khởi công; Có chắc không? Bao nhiêu lâu thì công trình hoàn thành? Có thi công đồng loạt được không ? Hay làm từng cái một ? Đến bao giờ mới xong? Khi hoàn thành có giải quyết đủ chỗ cho số xe mới nhập không?…
Ngoài giải pháp về bãi giữ xe ngầm thì UBND TP HCM cũng đã duyệt một số dự án bãi giữ xe nổi thông minh lắp ghép ở một số địa điểm trong khu vực trung tâm thành phố.
“Nhưng trong khu vực trung tâm thành phố, kể cả các quận cận kề, lấy đâu ra địa điểm để đáp ứng lắp những dàn đậu xe? Có ý kiến lấy đất phía quận 2 còn trống nhiều, lắp những dàn xe nổi, người có xe gửi vào đó, rồi đi xe điện vào trung tâm thành phố. Nhưng rất tiếc đất trống phía Q.2 kéo dài sang Q.9 đều đã có chủ, đều có dự án. Nếu là của tư nhân thì họ đang rao bán hoặc sẽ làm nhà. Nhất là hiện nay đất ven đô, giá đang nóng lên từng ngày”-ông Tuấn nói.
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ TP HCM cho rằng, chính việc sai từ tầm nhìn quy hoạch dẫn đến “loạn quy hoạch”, để rồi các dự án một là “chết lâm sàng”, hai là đi vào hoạt động thì èo ọt, ế ẩm do không đáp ứng được kỳ vọng thực tế. Theo ông Ninh, muốn thu hút được, hấp dẫn được doanh nghiệp thì trước tiên thành phố phải tính toán được nhu cầu thực tế, nhất là kinh phí làm sao phù hợp để tránh “đội vốn”, mà ngân sách nhà nước lâu nay vẫn là hầu bao béo bở để bù lỗ cho các dự án tương tự như vậy.