Người cựu binh và bảo tàng đặc biệt
Ông không cần gì cả, lúc nào rảnh rỗi các cháu cứ đến đây chơi, tham quan, đó chính là phần thưởng, là nguồn động viên để cụ có thêm sức khỏe mà viết tiếp ngọn lửa truyền thống yêu nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho nhiều thế hệ sau này. Ông Bùi Xuân Phước, xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa chủ nhân Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ với chúng tôi.
Cụ Phước vừa là chủ nhân vừa tự thuyết minh bảo tàng về Bác.
Trong cái nắng gắt của những ngày giữa tháng 5, chúng tôi đến thôn Phước Tân hỏi thăm nhà cụ Phước, từ trẻ con đến những người lớn tuổi ai ai cũng có thể chỉ rõ đường vào nhà cụ.
Ở cái tuổi 83, lẽ ra nhiều người đã vui hưởng tuổi già với con cháu, nhưng ông vẫn miệt mài sưu tầm các tư liệu, hiện vật về Bác Hồ và tạo dựng một “bảo tàng đặc biệt” về Bác. Đến nhà ông vào buổi trưa nhưng vẫn thấy ông chăm chút từng ly, từng tý cho các hiện vật, tư liệu. Không những vậy, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn cùng với các anh trong Ban chỉ huy quân sự xã, bưng bê, trang trí lại những cây mai cảnh đủ thấy cụ say mê công việc sưu tầm và kính yêu Bác Hồ đến nhường nào!.
Sau khi xuất ngũ từ năm 1976, ông công tác tại Bảo tàng tỉnh Phú Khánh (cũ) (giờ là tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa) và năm 1989 giữ cương vị Giám đốc Bảo tàng Phú Yên cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1995. Ông Phước hóm hỉnh: “Nếu nói về sự nghiệp của tôi thì chỉ gói gọn trong hai chữ bộ đội và bảo tàng”.
“Dù tuổi đã lớn nhưng tôi luôn trăn trở muốn làm được thứ gì đó trước lúc nhắm mắt! Tôi muốn dùng những hiện vật trực quan sinh động để giáo dục tình cảm, ý chí cách mạng, cho các thế hệ trẻ”, ông Phước nói về lý do sưu tầm tư liệu về Bác Hồ.
Ông bảo làm điều này để thể hiện lòng biết ơn, kính trọng với Bác và mong muốn có thêm một điểm đến ý nghĩa, để các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Bác.
Trên khu đất hơn 2.000m2 của gia đình, vào cuối những năm 90, ông Phước đã dựng đền thờ Bác Hồ. Sau đó, được sự tư vấn, giúp đỡ của các cựu đồng nghiệp, các chuyên gia về bảo tàng… ông đã tạo dựng nên một phòng trưng bày sinh động về Bác và gọi đó là “Bảo tàng những điểm son về cuộc đời và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Đến Bảo tàng của ông Phước khách tham quan và cả những chuyên gia bảo tàng cũng cho rằng đó thực sự là “một bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ” giữa lòng phố biển Nha Trang. Ở đây hiện đang trưng bày hơn 100 tư liệu, hình ảnh, hiện vật… do chính ông Phước sưu tầm, phục chế từ hiện vật gốc và được các cơ quan, tổ chức trong cả nước trao tặng.
Trong số cả trăm bức ảnh, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáng chú ý là bức ảnh khổ lớn về “thời khắc Bác lâm chung”, được trưng bày trang trọng ở gian chính. Bức ảnh này có khổ gốc nhỏ là 18-24, do bà Liễu là vợ của một cán bộ cao cấp đã có thời gian làm việc với Bác Hồ tặng lại. Thời đó, ở Nha Trang không có tiệm ảnh nào đủ khả năng phục chế thành khổ lớn, và ông phải lặn lội vào TP HCM để làm việc này. “Đó là bức ảnh đã tạo nên tình cảm mãnh liệt nhất với những người đến tham quan và cũng chính là linh hồn cho khu tưởng niệm này”, ông chia sẻ.
Chưa dừng lại ở đó, ông tiếp tục khoe với chúng tôi, vừa rồi Đoàn công tác của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Đại tá Dương Hoàng Toán, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn đã đến và trao tặng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho khu tưởng niệm. Không gì sướng bằng các chú ơi, ông Phước chia sẻ.
Thật ít ai tin nổi, một cụ già tóc đã bạc trắng, lưng đã còng, da đã nhăn nheo… nhưng là một “bảo tàng sống” về Bác Hồ. Dẫn chúng tôi đi tham quan phòng trưng bày, ông Phước đã làm cho mọi người bất ngờ khi thuyết minh hết sức tường tận về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nói, việc tạo dựng một “bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ” giữa lòng phố biển Nha Trang và tự thuyết minh về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người của ông Phước để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ là một việc làm hết sức ý nghĩa.