Phát triển khoa học công nghệ: Khi thảm đỏ đã trải
Phát triển khoa học công nghệ được coi là nhiệm vụ tiên quyết mà UBND TP HCM định hướng cho Sở Khoa học - Công nghệ TP chủ động nghiên cứu cách thức, giải pháp triển khai, thúc đẩy thành ngành mũi nhọn, tạo động lực cho các mục tiêu kinh tế đột phá mà Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X đã đề ra. Giới chuyên gia cho rằng, khi thảm đỏ đã trải, thì vấn đề còn lại là ngành khoa học - công nghệ TP HCM phải nghiên cứu cách làm, giải pháp như thế nào để kích thích được môi trường đổi mới sáng tạo trong mọi n
TP HCM là địa phương có sức hấp dẫn trong thu hút trí thức về khoa học công nghệ. Ảnh: TL.
Coi khoa học - công nghệ là “tài sản trí tuệ”
Ông Phạm Văn Xu - Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM) cho biết, hiện nay Sở đã được UBND TP duyệt thực hiện chương trình quản trị năng suất chất lượng và tài sản trí tuệ, mà mục tiêu là đổi mới sáng tạo công nghệ trong công tác quản lý ngành.
Tuy nhiên, chương trình đưa đến một mục tiêu xa hơn là thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo khoa học - công nghệ (KH-CN) trên toàn địa bàn thành phố. Đó là định hình một cơ chế, chính sách, ứng dụng KH-CN, hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cung cấp thông tin về KH-CN. Thậm chí, chính quyền thành phố còn tạo cơ chế đặt hàng nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ,… trên các lĩnh vực.
Theo ông Xu, hiện nay UBND TP đã ban hành Quyết định (số 3898/QĐ-UBND) duyệt chi ngân sách cho hoạt động KH-CN của thành phố, cho phép các Sở ban ngành có thể thực hiện đề tài, đề án cấp cơ sở; hoạt động đào tạo, chuyển giao, ứng dụng KH-CN; thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu; thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn cho nghiên cứu, chuyển giao KH-CN…
Chương trình quản trị năng suất chất lượng và tài sản trí tuệ của Sở KH-CN TP hiện nay là một hoạt động nằm trong cơ chế đó, với nội dung về đào tạo, tư vấn, đổi mới KH-CN; chương trình sản phẩm mục tiêu; quỹ phát triển KH-CN;... “Chương trình được kỳ vọng là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các Sở ban ngành để thúc đẩy hoạt động KH-CN của ngành mình, nhất là phong trào đổi mới sáng tạo trong xã hội” - ông Xu chia sẻ.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, hiện nay riêng Sở Y tế TP đã triển khai 14 chuyên đề về đổi mới sáng tạo và trong đó có tổ chức đào tạo về công tác lãnh đạo, quản lý cho các trưởng phó khoa chuyên môn. Ngành y tế thành phố cũng đã hoàn thiện mạng lưới cấp cứu 115 ở tất cả 24 quận/huyện trên địa bàn, với quy trình khảo sát, đánh giá định kỳ về mức độ hài lòng của bệnh nhân về các dịch vụ y tế công được cung cấp. Ngoài ra, Sở Y tế TP HCM hiện cũng cho triển khai hệ thống ki-ốt khảo sát mức độ không hài lòng của người bệnh được lắp đặt tại 53 bệnh viện, bao gồm 30 bệnh viện cấp thành phố và 23 bệnh viện tuyến quận, huyện…
Đối với ngành nông nghiệp, ông Dương Văn Xô - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP HCM cho biết, tư duy phát triển ngành nông nghiệp của thành phố hiện nay là ưu tiên cho nông nghiệp công nghệ cao, với các đổi mới sáng tạo từ khâu con/cây giống cho đến toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ,…Các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của thành phố không chỉ đáp ứng nhu cầu trên địa bàn mà còn phục vụ xuất khẩu trong thời gian qua.
Theo ông Xô, việc nhận thức về sức khỏe, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm của người dân ngày càng tốt hơn chính là nhu cầu thực tiễn để ngành đổi mới sáng tạo, đưa đến những sản phẩm nong nghiệp đáp ứng được yêu cầu thực tế của đời sống.
Đối với Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) nhiều lần được lãnh đạo Thành ủy TP HCM đề nghị về đề xuất cổ phần hoá và tăng cường cung cấp phần mềm cho các dự án ứng dụng CNTT đột phá của thành phố. Hiện nay quy mô đầu tư vào Công viên Phần mềm Quang Trung của TP HCM đã tăng lên trên 5.735 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư, với gần 140 doanh nghiệp CNTT, theo thống kê đến năm 2016. Doanh số tích lũy sâu hơn 14 của Công viên phần mềm Quang Trung đã đạt trên 20.300 tỷ đồng…
Lãnh đạo TP HCM kỳ vọng việc không ngừng đổi mới sáng tạo của QTSC sẽ giúp chủ động cung cấp phần mềm cho các dự án ứng dụng CNTT mang tính đột phá của thành phố, nhất là các giải pháp, phần mềm cho các chương trình chống ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, chống ngập nước,... Đây là những vấn đề cấp thiết, nằm trong 7 chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ TP HCM đã đề ra, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Cơ chế đã có, bắt tay làm thế nào?
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh- nguyên Ủy viên Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật TP HCM cho rằng, UBND TP đã có cả quyết định về chi ngân sách cho KH-CN, vấn đề còn lại là ngành KH-CN TP nghiên cứu cách làm, giải pháp như thế nào để kích thích được môi trường đổi mới sáng tạo trong mọi ngành, mọi nghề của thành phố.
Chuyên gia này cho rằng, TP HCM lâu nay vẫn là nơi “vượt rào” về các cải cách đi trước cả nước, sau đó là tiền đề để trung ương đưa ra nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, áp dụng nhân rộng ra nhiều địa phương. PGS.TS Nguyễn Lê Ninh tin tưởng ngành KH-CN của thành phố khi được “bung ra” chắc chắn sẽ được hưởng ứng mạnh mẽ.
TP HCM là địa phương có lực hấp dẫn lớn trong thu hút trí thức về khoa học công nghệ. Ảnh: Thanh Vũ.
Ông Dương Văn Xô góp ý, để việc đổi mới sáng tạo trong KH-CN đạt được hiệu quả cao nhất thì cần có sự thay đổi nhận thức của các cấp lãnh đạo và phải tạo môi trường cho đổi mới sáng tạo, chẳng hạn như đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các trí thức, cán bộ chuyên môn,…
Theo đó, tùy theo từng ngành cần có các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh hoạt động KH-CN của mỗi ngành đó. Ông Xô cũng nhắc đến một khó khăn khác mà lâu nay vẫn kìm hãm hoạt động đổi mới sáng tạo trong KH-CN chính là sự rườm rà về thủ tục hành chính, gây cản trở cho các nhà khoa học…
Ông Tăng Chí Thượng góp ý về việc Sở KH-CN TP cần có đề xuất tăng thêm chi ngân sách cho hoạt động đổi mới sáng tạo KH-CN, bởi lẽ ngay ngành y tế thành phố thời gian qua cũng gặp khó khăn do thiếu kinh phí cho các hoạt động này. Do đó, khi đã có cơ chế chung thì cũng cần phải có hướng dẫn cụ thể để hoạt động đổi mới sáng tạo đi vào chiều sâu, tránh tình trạng chạy theo phong trào, nhưng hiệu quả thì dậm chân tại chỗ như thời gian vừa qua.
GS.TS Phan Thanh Sơn Nam - giảng viên ĐH Bách khoa TP HCM nêu 3 kiến nghị, trong đó ông mong muốn mô hình Quỹ Nafosted của ĐHQG cần phải được phát triển và mở rộng hơn nữa đến nhiều đơn vị quản lý khoa học các cấp và đề nghị hoạt động nghiên cứu của thành phố và cả nước sẽ giúp đưa khoa học công nghệ bước qua một trang sử mới.
GS Nam cũng mong muốn Nhà nước tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý khoa học và quản lý tài chính, theo hướng gọn nhẹ, tăng tiêu chí hiệu quả để các nhà khoa học có thể toàn tâm toàn ý dành trọn thời gian và các hoạt động chuyên môn cho đổi mới, sáng tạo.
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ, khi thành phố đã rải “thảm đỏ” cho phát triển KH-CN, đã duyệt kinh phí cho ngành, thì vấn đề còn lại là rất triển vọng. Các ý kiến cũng góp ý về cơ chế mời chuyên gia, nhân sĩ, trí thức ở nước ngoài về phục vụ cho các doanh nghiệp, kể cả đơn vị công lập trong nước. Tuy nhiên, các nỗ lực cần phải có sự kết hợp, hợp tác, thống nhất nhận thức chung của các Sở ngành để tạo tiền đề cho thúc đẩy các ngành đột phá của thành phố hoàn thành mục tiêu.