Một khu rừng dừa nước bị xâm hại
Đây là khu rừng dừa ở xã Cẩm Thanh, TP Hội An (Quảng Nam), không chỉ đem lại vẻ đẹp về cảnh quan mà còn để chắn gió vào mùa mưa bão, chống sạt lở và tạo môi trường thuận lợi cho cá tôm phát triển tốt.
Ngày 16/5, tới khu rừng dừa ở xã Cẩm Thanh, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh chặt phá, san lấp rừng dừa, xây dựng công trình đang diễn ra công khai.
Tại các khu rừng dừa nước ở thôn Thanh Tam Tây, Thanh Tam Đông, tình trạng người dân đào ao nuôi hải sản, và tự ý xây kè, đúc trụ bê tông và làm các nhà hàng, xây biệt thự kiên cố bằng bê tông cốt thép, cắt lá dừa nước lợp nhà, làm nhà hàng, quán nhậu,… tất cả đang diễn ra công khai ở rừng dừa Bảy Mẫu này.
Rừng dừa Bảy Mẫu này rộng 120ha. Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, thành phố đã trồng mới thêm vài chục ha. Chủ trương khai thác du lịch kết hợp nuôi trồng thủy sản khu vực rừng dừa Bảy Mẫu của chính quyền thành phố Hội An tạo điều kiện để cộng đồng cùng hưởng lợi.
Thế nhưng, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chỉ cần có giấy phép kinh doanh là thi nhau chặt dừa nước để san lấp lấy mặt bằng. Nhiều doanh nghiệp còn đổ đất đá xây kè chắn rồi bơm nước ngọt vào cho dừa tự chết.
Bà Lê Thị Hương, trú xã Cẩm Thanh cho biết: “Họ đã ào ạt tự ý xây dựng các bờ kè bê tông trong diện tích dừa nước để xây dựng nhà cửa hoặc làm quán phục vụ cho du khách tham quan dẫn đến tình trạng nhiều khu vực dừa nước bị chặt phá, ảnh hưởng đến môi trường nước và các loại cá sinh sống ở đây. Việc chặt phá này đã khiến khu rừng dừa trở nên tan tành xơ xác, diện tích ngày một giảm dần”.
Còn theo người dân ở đây, 10 năm trước, rừng dừa Bảy Mẫu là thiên đường xanh, nay đang trở thành cái chợ hỗn loạn.
Tại cuộc họp mới đây giữa Sở VH-TT&DL Quảng Nam cùng với UBND TP Hội An và các đơn vị liên quan, đại diện các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh du lịch tại địa bàn xã Cẩm Thanh còn nhận định, không chỉ rừng dừa Bảy Mẫu bị tàn phá mà nó còn một thực trạng đáng báo động mà du lịch ở làng dừa nước Bảy Mẫu đang đối diện. Đó là những vấn nạn như cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm môi trường tự nhiên, cò mồi, tranh giành khách,…
Người dân cho biết, các công trình xây dựng thi công cả ngày lẫn đêm, lại thêm tàu thuyền, hàng quán mở nhạc đinh tai nhức óc suốt ngày đến nỗi chim chóc, cá tôm ngày càng hiếm vì không dám đến đây trú ngụ, sinh sản.
Ông Nguyễn Văn Sơn- Phó Chủ tịch UBND TP Hội An xác nhận: Rừng dừa ở xã Cẩm Thanh đã bị xâm hại nhiều năm qua rồi, do quá trình phát triển, làm kinh tế của người dân, họ phá dừa để nuôi tôm, phá dừa để làm du lịch. Lãnh đạo thành phố Hội An có nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý rất kiên quyết.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua lượng du khách đến tham quan rừng dừa nước ở xã Cẩm Thanh là rất đông. Người ta đã lén lút phá dừa để làm nhà hàng và các điểm kinh doanh diễn ra cả ban đêm nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng chúng tôi quyết liệt xử lý các trường hợp sai phạm.
Được biết, TP Hội An đã thống kê 19 trường hợp vi phạm xâm hại khu vực dừa nước và đã ra quyết định xử lý từng trường hợp cụ thể và có một số trường hợp đã khắc phục. “Một số trường hợp còn chậm chưa khắc phục. Sắp tời thành phố sẽ hối thúc sớm thực hiện khắc phục sự xâm hại rừng dừa. Nếu trường hợp nào không khắc phục sẽ có biện pháp cưỡng chế để trả lại cảnh quan cho rừng dừa nước”- ông Sơn khẳng định.
Trên thực tế, nếu rừng dừa Bảy Mẫu không còn sẽ là mất mát rất lớn về cảnh quan, môi trường xanh và cả hệ sinh thái động thực vật nơi đây. Vì thế lãnh đạo TP Hội An cần có biện pháp ngăn chặn và quyết liệt, cưỡng chế những trường hợp xây dựng trái phép, bởi tất cả vì một TP Hội An xanh, sạch, đẹp theo hướng thành phố sinh thái văn hóa - du lịch đã đề ra.