Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Làm rõ hơn mục tiêu
Góp ý cho chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, một số chuyên gia giáo dục cho rằng nên cụ thể hơn trong một số nội dung quy định về năng lực, phẩm chất người học. Cũng như cần làm rõ hơn về mục tiêu của chương trình…
Ảnh minh họa.
Bà Hà Thị Tuyết Nhung- thuộc Văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức ChildFun Australia chia sẻ: Cần có phần phân tích tình hình và xu hướng phát triển trong nước và khu vực để định hướng mục tiêu “xây dựng” nên hay “tạo, sản xuất” ra người học, là kết quả đầu ra của chương trình. Ví dụ trong phần này có thể phân tích những thay đổi về mặt kinh tế, chính trị - xã hội, công nghệ, đặc biệt trong thời đại mà những thay đổi về công nghệ thông tin, truyền thông nhanh đột biến như hiện nay thì sẽ mang lại những thách thức hay cơ hội gì cho giáo dục trẻ em.
Bà Nhung cũng cho rằng, cách tiếp cận, xây dựng mục tiêu của chương trình chưa thấy rõ sự đổi mới và chưa đủ cụ thể, chưa mang rõ một triết lý giáo dục thực sự lấy trẻ em làm trung tâm hay lấy kiến thức làm trung tâm.
Cụ thể, hiện mục tiêu nêu “Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất năng lực, định hướng chính vào giáo dục về gia đình, quê hương, cộng đồng và những thói quen, nề nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt”; bà Nhung cho rằng nên viết lại theo cách kết quả đầu ra ở bậc tiểu học.
Sau 5 năm ở tiểu học thì bậc giáo dục này sẽ sản sinh ra những học sinh tiểu học như thế nào? Tốt về mặt năng lực gì cụ thể, phẩm chất gì cụ thể? Như vậy mới có thể định hướng cụ thể được cho những môn học và nội dung sách giáo khoa sau này. Những nội dung trong mục tiêu này chưa cho thấy sự đổi mới, bắt kịp với thời cuộc.
Ví dụ trong xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển của xã hội hiện nay thì học sinh cần phải trở nên con người có những giá trị nhân văn (người tốt) là như thế nào, khác gì với thời đại trước? Hoặc là cần có cả giá trị về gia đình, quê hương, cộng đồng và thêm những giá trị mới…
Theo bà Nhung, với bối cảnh thay đổi nhanh chóng của công nghệ, của cấu trúc xã hội, kinh tế và những thử thách về biến đổi khí hậu như hiện nay, khó có thể đoán trước được tương lai, và cả thử thách đối mặt, cho nên học sinh thời nay cần phải được dạy về kỹ năng tư duy, niềm hứng thú học hỏi và cách tìm tòi học hỏi những điều các em cần. Đặc biệt, các em cũng cần được hun đúc, xây dựng bản lĩnh và ý chí kiên cường để có thể thích ứng và phát triển với những thách thức, khó khăn mà các em có thể phải đối mặt...
Còn theo PGS Nguyễn Vũ Lương- Chủ tịch Hội đồng khoa học Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Hà Nội), nhìn chung Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đã đáp ứng với yêu cầu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Chương trình đã tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Mục đích là để học sinh phát huy sở trường và các em cảm thấy đi học là hạnh phúc, học để tiến tới thành công. Đáng mừng là Dự thảo đã và đang đi theo hướng đó.
Ví dụ: Hoạt động trải nghiệm sáng tạo đã được xuyên suốt từ tiểu học đến THPT. Đây là môn học giúp các em phát huy được năng lực và kỹ năng của mình. Hoặc ngay từ bậc tiểu học đã có môn: Giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta... giúp học sinh hình thành và phát triển nhân cách, phẩm của mình.
Tuy nhiên, PGS Lương vẫn mong muốn Bộ GD-ĐT trên cơ sở những gì đã thấy tốt, đã nhìn thấy con đường đi ấy là đúng đắn, có cơ sở lý luận và thực tiễn thì nên triển khai. Không nên đẽo cày giữa đường nhưng bất cứ chủ trương nào công khai để lấy ý kiến rộng rãi thì sẽ tốt hơn. Sẽ rất hoan nghênh nếu Bộ cầu thị và lắng nghe, tiếp thu.