Biến di sản kiến trúc thành sản phẩm du lịch

Hạ Huyền 19/05/2017 08:00

Thông tin về việc khai trương tour du lịch Nhà hát Lớn Hà Nội (bao gồm cả thưởng lãm kiến trúc và nghệ thuật) đang mở ra kỳ vọng cho các di sản kiến trúc đô thị sẽ sớm trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng. Nhưng để làm được điều đó, trước tiên các di sản kiến trúc cần được quan tâm bảo tồn càng sớm càng tốt.

Một kiến trúc phong cách Đông Dương tiêu biểu của Hà Nội.

Khai thác du lịch để bảo tồn kiến trúc cũ

Trong vòng xoáy của cơn lốc đô thị hóa, việc gìn giữ di sản kiến trúc nói chung và kiến trúc Pháp nói riêng ở Hà Nội hiện nay thực sự nan giải.

Trong đó biệt thự kiến trúc Pháp là di sản đô thị quan trọng, nó cho thấy lịch sử kiến trúc một giai đoạn của thành phố, là nơi chứa đựng ký ức, nhiều giá trị lịch sử và văn hóa của cộng đồng đô thị; thể hiện sự đa dạng của văn hóa và sự phát triển mối giao thoa văn hóa Đông - Tây mà không phải thủ đô nào trên thế giới cũng có được. Vì lẽ đó mà lâu nay giới nghiên cứu luôn đắm đuối với việc bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp tại Hà Nội.

Theo KTS Hoàng Đạo Kính, bảo tồn kiến trúc trong các đô thị muốn được coi là bền vững cần đảm bảo cả 3 yếu tố: Văn hóa - xã hội, kinh tế và môi trường.

Theo ông Kính, bảo tồn di sản kiến trúc thuộc địa Pháp chính là bảo tồn một phần lịch sử Hà Nội, một thành phố có lịch sử lâu đời trong đó có 80 năm dưới sự đô hộ của thực dân Pháp và cuộc đấu tranh chống lại sự đô hộ này. Về mặt xã hội, các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của không gian sinh hoạt cộng đồng của thành phố Hà Nội.

Từ các công trình công cộng như nhà hát, viện bảo tàng, trường học, nhà thờ đến các công trình nhà ở biệt thự… đã tồn tại từ rất lâu và trở thành một bộ phận hữu cơ trong đời sống của người dân, kết nối các tầng lớp trong xã hội một cách bền vững...

Vẫn theo ông Kính, các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp chính là một quỹ tài sản đô thị đặc biệt của Hà Nội. Nếu khai thác hoạt động kinh tế hiệu quả sẽ là một hình thức tái đầu tư để phát triển bền vững. Một trong số những cách làm hiệu quả đó là việc thông qua du lịch.

Bản thân mỗi công trình kiến trúc thời Pháp thuộc mang trong mình một giá trị lịch sử - văn hóa nhất định. Kiến trúc thuộc địa Pháp ở Hà Nội, đầu thể kỷ 20 vốn được ca tụng với những thành phố đẹp nhất vùng Viễn Đông. Các công trình từ kiến trúc biệt thự, dinh thự hay khu phố Pháp đều có thể trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn.

Trong đó, tùy theo các đặc điểm về công năng sử dụng, giá trị văn hóa, hình ảnh kiến trúc của công trình mà chúng ta có đưa ra những giải pháp linh hoạt ở các cấp độ khác nhau từ công trình - tuyến phố - khu vực di sản.

Trân trọng di sản đô thị

Phân tích một cách biện chứng hơn, KTS Hoàng Đạo Kính cho hay, di sản đô thị 36 phố phường Hà Nội đã chịu sự biến đổi gốc rễ từ trong ra. Công cuộc bảo tồn khởi xướng cách đây ngót 30 năm, lại đi theo hướng “di tích hóa” và “bảo tàng hóa”, dẫn đến tình trạng bất khả thi của mọi kế hoạch và mọi giải pháp bảo tồn.

Còn khu phố thời Pháp ở Hà Nội cũng có thân phận tương tự. Biệt thự và công thự biến thành nhà tập thể và nhà hàng. Tình trạng kỹ thuật và mức độ bảo tồn của công trình bị xuống cấp thậm tệ.

Gần đây, có xu hướng nhìn nhận di sản kiến trúc thời Pháp chỉ gồm những biệt thự, đếm đến hàng trăm, cả nghìn đơn vị, quên lãng đi ở Thủ đô và ở TP HCM, hiện hữu cả một “bộ sưu tập” các thể loại công trình, đặc biệt đa dạng mà nền kiến trúc cổ truyền của ta chưa biết đến.

Trong trường hợp di sản kiến trúc Pháp, trở ngại lớn nhất cũng như với khu phố cổ, là vấn đề sở hữu. Nếu không giải quyết được bế tắc này, không thể tính tới chuyện giữ lại và tái sử dụng hữu hiệu.

KTS Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh, sự khác biệt của di sản kiến trúc đô thị với di tích chính là ở sự sống động và khả năng tiếp tục phát triển trong thích ứng, là nối kết chúng vào hệ mạch- dòng chảy chung của chuỗi phát triển. Các di sản đô thị không chỉ là đối tượng của bảo tồn di sản văn hóa. Các di sản đô thị đích thực là nguồn cội, là tài nguyên nhân văn, là tài sản lịch sử không thể chối bỏ trong sự mở mang và hiện đại hóa các thành phố cũ.

Theo các chuyên gia văn hóa, kiến trúc: đã đến lúc nên nhìn nhận một cách đúng mực hơn về vai trò của di sản kiến trúc đô thị trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tại các đô thị di sản trên thế giới, người ta chú trọng việc bảo tồn không gian phục vụ các hoạt động công cộng như lễ hội, xem biểu diễn, ngắm cảnh làm nhiệm vụ quan trọng như các quảng trường Venice (Italia), Concorde (Paris, Pháp), Trafalgar (London, Anh)…

Còn Bờ Hồ Hà Nội chính là nơi các du khách thường xuyên kéo tới. Việc cải thiện các sản phẩm du lịch- trong đó có du lịch di sản kiến trúc sẽ góp phần đem lại nhiều nguồn lợi cho địa phương như tăng công ăn việc làm, tăng nguồn thu…

KTS Tôn Thất Đại khẳng định, kiến trúc là chân dung của một xã hội, một thời đại, kiến trúc chính là một nghệ thuật. Do đó nếu xây dựng được những điểm đến kiến trúc, biến di sản kiến trúc thành sản phẩm du lịch cũng đồng nghĩa với việc quảng bá hiệu quả nhất bề dày văn hóa- lịch sử và quá trình phát triển của vùng đất nơi có điểm đến.

Hạ Huyền