Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: APEC- vườn ươm của những sáng kiến, đề xuất mới
Chiều 18/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời phỏng vấn Ban Thư ký APEC Quốc tế về Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách thương mại APEC lần thứ 23. Đại Đoàn Kết online trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
PV: Quan điểm của Bộ trưởng về tình hình thương mại trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như thế nào ?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Được thành lập từ năm 1989, trải qua 28 năm hình thành và phát triển, APEC đã và đang được coi là đầu tàu kinh tế, là động lực tăng trưởng quan trọng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, vốn bao gồm các nền kinh tế lớn nhất về dân số, giàu mạnh nhất về kinh tế và năng động nhất về sức sản xuất cũng như nhu cầu tiêu dùng trên thế giới.
Theo đó, APEC, với 21 nền kinh tế thành viên, cùng tổng số dân hơn 2,8 tỷ người, chiếm khoảng 59% GDP của thế giới và 49% giao dịch thương mại quốc tế tính đến năm 2016, GDP của APEC đã tăng từ 16 ngàn tỷ USD năm 1989 lên hơn 20 ngàn tỷ trong năm 2016, thành tích này đã giúp nâng mức thu nhập của người dân trong khu vực thêm 74%, và giúp hàng triệu người dân thoát khỏi tình trạng đói nghèo, nâng chất lượng cuộc sống của một bộ phận lớn dân chúng trong khu vực lên mức trung bình chỉ trong thời gian hơn 2 thập kỷ.
Về thương mại, mức thuế quan trung bình trong khu vực đã giảm gần một nửa, từ 11% năm 1996 xuống còn 5,5% vào năm 2016. Những kết quả thực tế nói trên là minh chứng rõ ràng và thuyết phục nhất cho nỗ lực của cả khu vực nói chung, cũng như của từng nền kinh tế thành viên nói riêng trong tiến trình thực hiện các hoạt động hợp tác về tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình đi lại của các doanh nhân và dân chúng trong khu vực, cũng như chia sẻ sự ổn định, phồn vinh và thịnh vượng chung như mong muốn của các Nhà Lãnh đạo APEC trong mọi thời kỳ.
Theo dự báo mới nhất trong tháng 5/2017 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng ở mức 5,5% so với mức dự báo 5,3% được đưa ra trước đó vào năm 2016. Do vậy, tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, khu vực này vẫn tiếp tục duy trì vị thế đầu tàu của mình trong bản đồ kinh tế thế giới và sẽ tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới thông qua sức sản xuất, cung cấp dịch vụ và tiêu thụ rất lớn của mình.
Những thách thức liên quan đến chủ nghĩa dân túy đối với các hiệp định thương mại và sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ trong khu vực có ảnh hưởng như thế nào trong quan điểm chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng?
- Mỗi nền kinh tế thường áp dụng những chính sách phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư khác nhau trong những giai đoạn khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mình. Hơn nữa, các chính phủ thường đưa ra những quyết sách trong từng giai đoạn sao cho phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và môi trường chung trong thời điểm đó.
Hiện nay, người dân nêu một số quan ngại chính đáng về việc các lợi ích thương mại không được chia sẻ một cách công bằng, cả trong từng nước cũng như trên phương diện giữa các nền kinh tế, các khu vực với nhau. Tất nhiên, nhiệm vụ của APEC nói chung và từng nền kinh tế nói riêng là phải chứng minh được hợp tác, cùng chia sẻ thông qua các định chế quốc tế và các hiệp định thương mại mang tính công bằng chính là con đường có lợi nhất.
Quyết định về chính sách phát triển kinh tế và thương mại của các thành viên cần được dựa trên nền tảng chung, lợi ích chung của thế giới và khu vực để hạn chế một cách tối đa những ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích chung cũng như tới cuộc sống của người dân trong toàn khu vực. Sự hòa hợp trong chính sách thương mại của mỗi nền kinh tế theo hướng cân bằng, minh bạch và thống nhất sẽ giúp củng cố và đồng nhất hóa cả hệ thống thương mại trong toàn khu vực và cải thiện môi trường kinh doanh.
Về phần mình, Việt Nam đã, đang và sẽ giữ nguyên lập trường, quyết tâm và ý chí chính trị mạnh mẽ trong nỗ lực cải tổ cơ chế, chính sách và tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Thực tế 30 năm đổi mới của Việt Nam cho thấy, chúng tôi đã và đang đạt được nhiều thành tựu tích cực, rõ ràng về kinh tế, xã hội, an ninh và giáo dục do tiến trình hội nhập mang lại. Chúng tôi vẫn sẽ kiên định với quyết tâm hội nhập sâu, rộng và toàn diện của mình, nhằm đóng góp một cách hiệu quả nhất trong quá trình xây dựng cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương hoà bình, ổn định, phát triển, kết nối và thịnh vượng.
Thưa Bộ trưởng, tại sao công chúng và các nhà hoạch định chính sách thuộc khu vực Thái Bình Dương cần tiếp tục ủng hộ việc hội nhập thị trường sâu rộng hơn cũng như ủng hộ thương mại tự do, song song với việc giúp đỡ các đối tượng bị tụt hậu hoặc bị tổn thương bởi những tác động này?
- Như tôi đã nói ở trên, việc mỗi thành viên trong khu vực xây dựng và áp dụng những chính sách khác nhau, trong mỗi thời kỳ khác nhau là lựa chọn của họ theo từng giai đoạn phát triển và ý nguyện của nhân dân.
Điều quan trọng là chúng ta cần phối hợp một cách hài hòa để xây dựng một hệ thống thương mại chung theo hướng cân bằng, bình đẳng và vì lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp và sự phồn thịnh của xã hội. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vốn dĩ có sự chênh lệch khá lớn về trình độ phát triển cũng như quy mô của các nền kinh tế cũng như sự khác biệt về văn hóa, lối sống nên việc tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và hỗ trợ kỹ thuật là điều quan trọng nhất nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và chia sẻ thịnh vượng chung.
Việc các thành viên trong khu vực ưu tiên đầu tư vào thị trường của nhau cũng nên được coi là một trong những cách tiếp cận giúp thúc đẩy tăng trưởng và xây dựng hệ thống thương mại cũng như cơ sở hạ tầng vững mạnh, góp phần kết nối các nền kinh tế với nhau như tôn chỉ của APEC trong giai đoạn hiện nay.
Bộ trưởng mong muốn đạt được những kết quả gì tại Hội nghị các Bộ trưởng Phụ trách Thương mại sắp tới cũng như quan điểm của Bộ trưởng về sự phát triển thương mại trong khu vực dưới sự tác động của APEC?
- Tái đăng cai APEC sau 11 năm, với phương châm phối hợp cùng các nền kinh tế thành viên trong khu vực xây dựng một cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương hoà bình, ổn định, phát triển, kết nối và thịnh vượng, Việt Nam đặt ưu tiên rất cao đối với các kết quả chính cần đạt được của Hội nghị MRT 23.
Vai trò quan trọng của Hội nghị MRT 23 là nhằm rà soát việc triển khai chủ đề và các ưu tiên của năm APEC 2017 và xác định các bước đi tiếp theo cho hợp tác APEC trong thời gian tới, hướng tới Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 11 năm nay.
Tôi mong muốn Hội nghị MRT 23 sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong APEC, đề ra một số định hướng hiệu quả để triển khai mục tiêu chung của APEC. Tôi cũng mong Hội nghị ghi nhận, thông qua và đưa ra chỉ đạo đối với những đề xuất, sáng kiến mới của APEC nhằm đóng góp cho tiến trinh hợp tác chung của khu vực.
APEC không phải là tổ chức đàm phán mang tính chất ràng buộc mà là diễn đàn hợp tác mang tinh linh hoạt cao, dựa trên cơ sở ý nguyện chung của các nền kinh tế thành viên, song đây là nơi để thử nghiệm, là vườn ươm của những sáng kiến, đề xuất mới.
APEC cũng là diễn đàn quan trọng giúp các thành viên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác và quan hệ song phương tại các dịp hội nghị, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao và các hội nghị cấp Bộ trưởng. Những tính chất cơ bản này của APEC giúp tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tăng trưởng thương mại và đầu tư trong khu vực một cách gián tiếp mà không mang tính trực tiếp.