An ninh bệnh viện – vấn đề nhức nhối
Tại hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí chiều ngày 15/5 tổ chức tại TP Cao Bằng, TS Vương Ánh Dương- Trưởng phòng Quản lý Chất lượng Bệnh viện, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong thời gian qua, tại một số cơ sở khám chữa bệnh đã xảy ra nhiều vụ việc mất an ninh, trật tự như: cò mồi bệnh; trộm cắp, móc túi trong bệnh viện; người nhà người bệnh hành hung nhân viên y tế, gây mất trật tự, an ninh, an toàn bệnh viện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh của bệnh vi
Số liệu theo dõi của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho thấy, từ năm 2010 tới nay, cả nước ghi nhận 26 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự bệnh viện. Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh, chiếm 60%, tiếp đến là bệnh viện trung ương chiếm 20% số vụ việc.
Các bệnh viện có tần suất xảy ra cao như bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ xảy ra 3 vụ việc, Bệnh viện Bạch Mai xảy ra 2 vụ việc. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ, chiếm tới 70% và điều dưỡng chiếm 15% số vụ việc. Đặc biệt, có những vụ việc đối tượng bị hại là người bệnh, người nhà bệnh nhân như vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại BVĐK quận 7, TP Hồ Chí Minh ngày 9/1/2014...
Theo TS Vương Ánh Dương, tính đến cuối năm 2016, cả nước có 1.365 bệnh viện (không tính các bệnh viện Quân đội do Bộ Quốc phòng quản lý) với tổng số gần 254.000 giường theo kế hoạch và khoảng 339.000 giường bệnh thực kê; gần 590.000 cán bôn y tế. Hàng năm, các cơ sở y tế đã khám khoảng 159.000 lượt khám và điều trị nội trú cho 27.206 triệu lượt người.
Việc đảm bảo an ninh, an toàn cho người bệnh và người nàh người bệnh, nhân viên y tế luôn được Bộ Y tế, ngành y tế và toàn xã hội đặc biệt quan tâm nhằm góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, ông Dương cũng thừa nhận bệnh viện là nơi tập trung đủ mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là các nhóm đối tượng manh động, tiêu cực từ những vụ mâu thuẫn dẫn tới đả thương hoặc các đối tượng ăn chơi mắc bệnh xã hội.
Bên cạnh đó là các thành phần bất hảo trà trộn vào bệnh viện để thực hiện hành vi trộm cắp, móc túi, cò mồi khám chữa bệnh, giả danh nhân viên y tế để lừa đảo... khiến môi trường an ninh trật tự trong bệnh viện luôn “căng như dây đàn”.
Một số trường hợp mất an ninh bệnh viện có thể kể đến trong thời gian gần đây như vụ việc xảy ra đêm ngày 15/2/2017 tại khoa Hồi sức Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh, bệnh nhân Lý Văn Quảng nhập viện do tai nạn giao thông.
Khi đang làm thủ tục cấp cứu, chị Nguyễn Thị Lan, điều dưỡng Khoa hồi sức cấp cứu bất ngờ bị một nam thanh niên đi chung với Quang tấn công. Ban đầu, thanh niên này đánh vào đầu, mặt chị Lan, sau đó tiếp tục lấy một chiếc ghế inox loại lớn phang vào người chị.
Tối ngày 8/4/2017, tại Bệnh viện Đa khoa Cái Nước, Cà Mau, một nhóm thanh niên đã mang theo dao, mã tấu, ống sắt… đánh người bệnh là anh Nguyễn Hoàng Linh gây thương tích ở đầu và đánh nhân viên bảo vệ bệnh viện là anh Đỗ Hoàng Dũng gây chấn thương ở má trái.
Hay vụ việc xảy ra vừa qua tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, Hà Nội, anh Cẩn Ngọc Giang là bố của bệnh nhân Cẩn Ngọc Thanh đã dùng cốc ném vào đầu bác sĩ Lê Quang Dương khiến bác sĩ Dương ngất tại chỗ, đầu có 2 vết thương, phải khâu 7 mũi và theo dõi chấn thương sọ não.
Tối 29/4/2017 tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, trong khi đang chuẩn bị vận chuyển người bệnh đi chiếu chụp phim, sinh viên y khoa Phạm Lê Tùng đã bị người thân của người bệnh Bùi Thế Sơn chửi, dọa dẫm và tát liên tiếp.
Không chỉ vậy, nguy hiểm hơn, tình trạng các băng nhóm giang hồ truy sát nhau tại các bệnh viện cũng xảy ra rất thường xuyên.
Có thể kể đến như vụ việc xảy ra ngày 5/6/2016 tại phòng cấp cứu bệnh viện Quốc Ánh (Q. Bình Tân, TP HCM) hai thanh niên khoảng 25 tuổi bị thương, máu chảy khắp người được nhóm bạn đưa vào bệnh viện cấp cứu. Trong khi các y bác sĩ của bệnh viện đang sơ cứu vết thương cho bệnh nhân thì một tốp thanh niên khoảng 20 người trên tay cầm mã tấu, dao, tuýp sắt chạy lao vào phòng cấp cứu, đánh, chém hai thanh niên đang cấp cứu khiến nạn nhân gục tại chỗ.
Vừa qua, vào hồi 4h sáng ngày 7/5, khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận một trường hợp nam thanh niên bị thương ở đầu do đánh nhau trong quán karaoke. Khi các bác sĩ đang cấp cứu cho bệnh nhân thì một nhóm người đã lao vào khoa cấp cứu, khống chế bác sĩ và tiếp tục chém người bệnh, trong đó có một vết thương ở cổ gây đứt khí quản. Nhóm côn đồ được camera của Bệnh viện ghi lại gồm khoảng 20 thanh niên, đi 7 xe máy kẹp 2, 3 người, phi vào bệnh viện, cầm dao, mã tấu chém bệnh nhân thêm nhiều vết thương.
Kết quả nghiên cứu tổng quan của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho thấy: tỷ lệ bạo hành nhân viên y tế nói chung chiếm khoảng 25% tổng số các trường hợp bạo hành nơi làm việc.
Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy tỷ lệ nhân viên y tế bị bạo hành cao gấp 16 lần so với các ngành khác, tại Anh cho thấy tỷ lệ này cao gấp 4 lần, tại Thụy Điển, tỷ lên này cũng cao gấp 7 lần.
Trước tình hình này, ngày 15/5/2017, Bộ Y tế đã có công văn số 2544/BYT-KCB gửi Bộ trưởng Bộ Công an. Tại công văn, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị công an địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thực hiện một số nội dung sau:
1. Điều tra xác minh làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo hành trong bệnh viện đối với các vụ việc nêu trên, truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có phạm tội), xử lý nghiêm minh các đối tượng hành hung người bệnh và nhân viên y tế, công khai kết luận điều tra, xét xử để công luận, người dân biết, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa.
2. Tiếp tục chỉ đạo công an địa phương thực hiện nội dung Quy chế số 03/QC-BCA-BYT ngày 26/9/2013 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về việc phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế.
3. Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự khu vực xung quanh bệnh viện như các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phục vụ người dân khi đến khám chữa bệnh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước các cổng bệnh viện.
4. Hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn trang bị các thiết bị kỹ thuật bảo đảm an ninh, bảo vệ tại bệnh viện; phối hợp tập huấn, nâng cao trình độ bảo vệ, phản ứng nhanh với các tình huống gây rối, đánh nhau, hành hung tại các bệnh viện và cơ sở y tế. Xây dựng và thử nghiệm, triển khai mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về an ninh trật tự tại các bệnh viện.
5. Cắt cử cán bộ tuần tra, bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện lớn, có lượng người đến đông và năng lực chuyên môn của các nhân viên bảo vệ còn hạn chế.
6. Thiết lập mạng lưới đường dây nóng của lực lượng Cảnh sát cơ động và cơ quan công an gần nhất cho Bệnh viện và điểm nóng hay xảy ra mất an ninh trật tự bệnh viện trên địa bàn để kịp thời gọi và hỗ trợ khẩn cấp trước các tình huống nguy cơ mất an ninh, trật tự.