Mong manh tổ ấm công nhân
Với nhiều người để có được một mái ấm gia đình là điều hoàn toàn bình thường nhưng không ít công nhân ngoại tỉnh đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) để có được tình yêu, hôn nhân đã khó, giữ gìn tổ ấm đó bền chặt còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Nỗi lo cơm gạo tiền triền miên cùng sự thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng tâm lý về hôn nhân gia đình khiến tổ ấm của họ dễ bị lung lay, dễ vỡ.
Nhiều nữ công nhân khu công nghiệp khó lập gia đình vì hoàn cảnh công việc.
Nhiều vấn đề trong đời sống hôn nhân
Không lập gia đình hoặc gia đình đổ vỡ, không có điều kiện hưởng thụ các giá trị tinh thần, công việc tạm thời, nhà ở tạm thời... khiến ước mơ “an cư, lạc nghiệp” của không ít người lao động tại các KCN, KCX trở nên xa vời, trong khi lương tối thiểu của công nhân lại cực kỳ thấp.
Điệp khúc tăng ca luôn thường trực khiến nhiều công nhân không có cả thời gian tìm hiểu đôi lứa. Tình trạng có người yêu mà không dám cưới, cưới rồi không dám sinh con, sinh con rồi không dám đẻ tiếp… trở thành vòng luẩn quẩn ám ảnh nhiều công nhân.
Tới khu nhà trọ của công nhân tại KCN xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, chúng tôi gặp 3 người phụ nữ đến từ 3 tỉnh khác nhau nhưng có chung một hoàn cảnh. Họ đều là công nhân khu công nghiệp Phú Nghĩa và đều bị chồng ruồng bỏ vì gia cảnh khó khăn, túng quẫn.
Sau gần hai năm tìm hiểu, chị Nguyễn Thị Hương quê Hòa Bình cùng anh Đào Khắc Hải ở Nghệ An cũng nên duyên vợ chồng trước sự chứng kiến của hai họ. Khi hai vợ chồng còn son rỗi đã phải ăn bữa trước lo bữa sau nhưng từ khi có con tiền tiêu tốn gấp ba, bốn lần so với trước. Nghỉ sinh con, thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào chồng nhưng đúng lúc đó công ty chồng ít việc, đơn hàng giảm sút, công nhân phải làm việc cầm chừng.
“Không có tiền, mâu thuẫn vợ chồng ngày một lớn. Nhàn rỗi chồng cô sinh rượu chè, cờ bạc. Bế tắc, cô ôm con về nhờ ông bà ngoại chăm nom rồi đi kiếm việc làm. Chồng cô từ đó cũng không đoái hoài gì đến hai mẹ con”, Hương sụt sùi kể.
Bi kịch hơn gia đình chị Hương đó là câu chuyện của chị Thúy Hạnh cùng phòng. Chị Hạnh vốn là người xinh đẹp được không ít chàng trai để ý nhưng lại phải lòng con trai của bà chủ nhà trọ. Họ yêu nhau rồi cưới nhau nhưng do công việc chia ca kíp, cô thường xuyên phải đi sớm về khuya khiến công việc gia đình không thể chu toàn.
Cùng với định kiến trai thành thị lấy gái thôn quê, trí thức lấy công nhân khiến hạnh phúc đôi trẻ dần rạn nứt. Từ một người hiền lành, yêu thương vợ, chồng Hạnh thay đổi hẳn tính nết trở lên cục cằn, thô lỗ. Níu kéo mãi chẳng được, cuối cùng cô đâm đơn ly dị và chấp nhận nuôi con một mình.
Cần tìm giải pháp căn cơ
Theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, cả nước có 212 KCN, KCX đang hoạt động, thu hút hơn 2,4 triệu công nhân, trong đó 60-70% là lao động nữ đến từ nhiều địa phương khác nhau. Sự phát triển của các KCN, KCX đã tác động tích cực, tạo công ăn việc làm, thu hút lao động với quy mô lớn. Tuy nhiên, việc xây dựng đời sống gia đình để công nhân “an cư, lạc nghiệp” tại các KCN đang đối mặt với nhiều thách thức.
Khảo sát tại các KCN, KCX cho thấy, đa phần công nhân đang làm việc ở đây đều có tuổi đời rất trẻ mới tốt nghiệp phổ thông, thoát ly từ nông thôn ra thành thị để tìm việc làm.
Hầu hết các KCN hiện nay chưa có quy hoạch về xây dựng nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa, xã hội phục vụ người lao động, đời sống tinh thần của công nhân nghèo nàn, mất cân bằng giới tính tại KCN... trong khi tiền lương chưa đáp ứng được mức chi tiêu cơ bản hằng ngày của người lao động.
Tất cả những nguyên nhân đó dẫn tới áp lực về đời sống vật chất khiến đại bộ phận công nhân lúng túng khi lựa chọn bạn đời và lo lắng các điều kiện cần và đủ để xây dựng hạnh phúc gia đình.
Phác họa bức tranh toàn cảnh về đời sống hiện nay của công nhân tại các KCN, KCX, bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Hiện nay, gần 80% công nhân KCN không có tích lũy, 69,7% không có nhà cửa ổn định, 38,2% sợ ốm đau không có tiền chữa bệnh, 29,2% lo lắng công việc không ổn định, 47,5% cho rằng không đủ điều kiện chăm sóc, nuôi con và 21,8% phải gửi con về quê nhờ ông bà trông giúp.
Qua thực tế hoạt động, bà Hồng cho biết thêm, tại các KCN, nhiều đôi trẻ yêu nhau rồi tiến tới hôn nhân và xây dựng hạnh phúc gia đình là quyền của mỗi người, là nhu cầu tự nhiên, thể hiện khát vọng cuộc sống. Thế nhưng, ước mong giản dị đó với đa phần công nhân lao động ở KCN, KCX không hề dễ dàng.
Việc xây dựng thiết chế công đoàn để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của công nhân KCN, KCX là yêu cầu bức thiết để phần nào giải quyết những khó khăn hiện nay mà công nhân đang gặp phải.