Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công

H.Hương 20/05/2017 10:00

Địa phương xây dựng công trình với chi phí nghìn tỷ nhưng bỏ phí sau thời gian sử dụng vài năm; lãnh đạo sử dụng xe công vào việc tư; đất công lại cho tư nhân thuê với mục đích kinh doanh… Thất thoát, lãng phí tài sản công là điệp khúc: Biết rồi khổ lắm nói mãi. Đã đến lúc có cơ chế quản tài sản công chặt chẽ hơn.

Cần sớm có cơ chế quản lý tài sản công một cách chặt chẽ, hiệu quả. Ảnh minh họa.

Nguồn tài sản rất lớn

Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017) nhằm thể chế hóa Điều 53 Hiến pháp năm 2013 về tài sản công. Nếu được thông qua, công tác quản lý, sử dụng tài sản công chắc chắn sẽ đi vào đường ray chuẩn hơn.

Đều đặn các năm, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện các chuyên đề kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm tại các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty. Số liệu 2 năm gần đây cho thấy một mẫu số chung: hạn chế, yếu kém về quản lý tài sản của các tập đoàn, tổng công ty.

Chẳng hạn, theo kết quả kiểm toán năm 2015 do KTNN công bố, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí.

Điển hình là Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn để “đắp chiếu” hệ thống máy chuyên dùng cào bóc, tái chế nguội mặt đường, được đầu tư 38,79 tỷ đồng. Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) mua xe Toyota 4Runner giá 2,25 tỷ đồng, cao hơn mức tối đa cho phép 1,21 tỷ đồng. Công ty cổ phần Xây dựng số 1 - Việt Nguyên mua xe Mercedes-Benz và thanh lý xe Audi cũng không đúng quy chế tài chính…

Cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước (TSNN) cho biết, Bộ Tài chính hiện đang quản lý thông tin của 3 loại TSNN với tổng nguyên giá: 2.892 nghìn tỷ đồng; giá trị còn lại: 2.645 nghìn tỷ đồng.

Trong đó: TSNN khu vực hành chính sự nghiệp (chưa bao gồm các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Việt Nam ở nước ngoài) có nguyên giá: 1.040 nghìn tỷ đồng (Quyền sử dụng đất: 699 nghìn tỷ đồng, nhà: 256 nghìn tỷ đồng, ô tô: 23 nghìn tỷ đồng, tài sản khác: 62 nghìn tỷ đồng); Tài sản hạ tầng giao thông đường bộ có nguyên giá: 1.831 nghìn tỷ đồng; Công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung có nguyên giá: 19 nghìn tỷ đồng.

Dẫn chứng về tình trạng thất thoát tài sản công, trong một hội thảo vừa diễn ra vào cuối tuần trước, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đưa số liệu: Từ năm 2005 tới nay, mỗi năm nước ta có khoảng 25.000-30.000 dự án lớn, nhỏ, riêng tiền làm quy hoạch các dự án thất thoát hàng nghìn tỉ đồng. Nhiều địa phương, lãnh đạo địa phương không đủ điều kiện có xe riêng nhưng vẫn có xe đưa đón hàng ngày.

Nhiều lãnh đạo địa phương không đủ điều kiện có xe riêng nhưng vẫn có xe đưa đón hàng ngày. Ảnh minh họa.

Tăng cường quản lý mua sắm tài sản công

Vì là tài sản công nên còn lỏng lẻo trong xác lập được chủ quản lý hoặc chủ sử dụng đối với từng tài sản. Do vậy cũng không xác định được người chịu trách nhiệm chính đối với mỗi tài sản. Cha chung không ai khóc là gốc của “tham ô, lãng phí, sử dụng thiếu trách nhiệm đối với tài sản công”.

Thống kê cũng chỉ ra chúng ta có 150.000 cơ sở nhà đất giao cho các cơ quan nhưng hiện việc quản lý ra sao chưa nắm rõ. Riêng về giá trị nhà, đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp hiện nay phần lớn nằm ở vị trí vàng, vị trí có giá trị thương mại cao song việc sử dụng còn phân tán, hiệu suất thấp.

Trong đó nhiều cơ sở nhà, đất mặc dù đã có quyết định bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không thực hiện vì thiếu quy hoạch. Gần đây nhất, Bộ Tài chính còn đưa ra bản thống kê 60 dự án đất vàng thất thoát hàng nghìn tỷ đồng

Giới chuyên gia cho rằng, cần sớm phát triển hệ thống quản lý dựa trên công nghệ thông tin hiện đại kết hợp với việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ; xử lý nghiêm khắc những trường hợp tham nhũng, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Như thế mới chặn được tình trạng thất thoát tài sản công.

Dư luận cho rằng việc siết chặt các quy định để tránh thất thoát, lãng phí là rất cần thiết. TSNN, vốn nhà nước được hình thành từ tiền thuế của nhân dân đóng góp. Nhà nước là người đại diện, thay mặt nhân dân quản lý, khi nhà đất công sử dụng sai mục đích cần phải chấn chỉnh lại.

Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng cho rằng, trước tình trạng sử dụng tài sản công chưa hiệu quả, lãng phí, việc sớm ban hành Luật Quản lý sử dụng tài sản công là rất cần thiết.

Vị Cục trưởng này từng chia sẻ, chúng ta phải biết có bao nhiêu xe, thực trạng nhà công, đất công, xe công như thế nào và TSNN có giá trị trên 500 triệu đồng gồm những gì… thì mới có thể đưa ra phương thức quản lý hiệu quả.

Theo quy định mới của Bộ Tài chính, hướng dẫn việc mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2017 và nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính trong quản lý và sử dụng tài sản công, việc mua sắm các tài sản nhà nước khác phải thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức quy định, kế hoạch và dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trình tự, thủ tục mua sắm phải tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu. TSNN sau khi mua sắm phải được hạch toán, báo cáo và quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết: Sửa đổi cơ chế sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước để phù hợp với phân cấp ngân sách theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 đối với tiền bán tài sản công. Tiếp tục đẩy mạnh rà soát, sắp xếp lại việc sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ và đẩy mạnh việc áp dụng cơ chế khoán, thuê tài sản phục vụ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tài sản dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng phải được xử lý kịp thời, công khai để thu nộp ngân sách nhà nước.
Đẩy mạnh thực hiện đấu giá trong giao đất, cho thuê đất, cấp quyền khai thác tài nguyên.

H.Hương