Kỳ thi THPT quốc gia 2017: Cân nhắc khi làm bài thi Ngữ văn
So với năm 2016, môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT 2017 năm nay được nhận định là môn thi gây nhiều khó khăn cho học sinh. Thứ nhất, do thời gian của môn thi giảm từ 180 phút (năm 2016) xuống còn 120 phút (năm 2017), và số câu hỏi có thể giảm khiến thí sinh áp lực hơn. Thứ hai, đây cũng là môn tự luận duy nhất trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, mà thí sinh đã quen với cách thi nhiều năm trước…
Ảnh minh họa.
Để giảm bớt sự căng thẳng cho các thí sinh, nhiều thầy cô giáo đã đưa ra lưu ý cụ thể về môn học này, giúp học sinh biết cách ôn tập phù hợp nhất.
Thầy giáo Vũ Thanh Hoà- giáo viên Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ một vài lưu ý để các em có thể hoàn thành bài thi tốt nhất. Theo đó, so với năm ngoái, kỳ thi năm nay có những thuận lợi và khó khăn riêng. Đó là thời gian làm bài giảm từ 180 phút xuống 120 phút. Cấu trúc đề thi được giữ nguyên, bao gồm 3 phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học…
Tuy nhiên, điểm số của các phần lại có sự thay đổi. Năm 2016, câu nghị luận xã hội 3 điểm, nghị luận văn học 4 điểm. Năm nay, điểm câu nghị luận xã hội có thể giảm xuống 2 điểm, số điểm tối đa cho câu nghị luận văn học là 5 điểm. Ngoài ra, câu Đọc hiểu sẽ chỉ còn một văn bản, 4 câu hỏi thay vì hai văn bản, 8 câu hỏi như năm ngoái. Những điểm khác biệt này chắc chắn sẽ dẫn đến sự thay đổi trong phương pháp ôn thi.
Vẫn theo thầy giáo Vũ Thanh Hoà: Năm 2017, nội dung thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Điều này giúp thí sinh thu hẹp phạm vi kiến thức cần ôn tập. Số lượng câu hỏi cũng giảm do thời gian làm bài giảm. Đây vừa là thuận lợi vừa là khó khăn đối với thí sinh. Còn việc giảm từ 180 phút xuống 120 phút gia tăng áp lực lên người thi. Nếu không có chiến thuật làm bài, phân phối thời gian hợp lý, các em dễ thiếu thời gian làm câu sau.
Theo phân tích của thầy Hoà: Số lượng câu hỏi giảm nên số điểm mỗi câu tăng lên, ví dụ một ý nhỏ cũng chiếm một điểm. Chỉ cần mắc sai lầm ở một câu, thí sinh sẽ mất luôn một điểm. Điều này đòi hỏi các em phải làm bài thật chính xác. Khi chúng ta đặt bút viết, thời gian lại ngắn, chúng ta phải đảm bảo độ chính xác thật cao.
Cùng chia sẻ về môn Văn, cô giáo Hoàng Thị Huyền (giáo viên dạy Văn tại Hà Nội) cũng đặc biệt lưu ý với thí sinh về thời gian tổ chức kỳ thi. Theo cô Huyền, kỳ thi năm nay được tổ chức sớm hơn. Vì thế, thời gian ôn tập ít hơn so với năm ngoái. Đây là những khó khăn thực sự, đòi hỏi thí sinh phải có chiến thuật ôn thi hợp lý.
Theo cô Huyền: Nếu Bộ GD&ĐT ra đề thi thật giống như đề minh họa Bộ vừa công bố, thì các thí sinh có thể làm bài tốt nếu chăm chỉ ôn luyện theo dạng đề mà Bộ vừa ra. Tuy nhiên các em cũng phải rất cân nhắc về thời gian làm bài.
Nhìn chung, đề thi minh họa lần 3 có tính phân loại cao, tương đương với mức độ phân loại trong đề thi minh họa lần 2. Đối với học sinh khá giỏi, đây là đề thi hay, là cơ hội để các em thể hiện. Tuy nhiên, câu nghị luận văn học có đất viết khá rộng nên các em cần phân chia thời gian hợp lý, tránh trường hợp không kịp thời gian dẫn đến hiện tượng đầu voi đuôi chuột.
Cô Huyền cũng đưa ra lời khuyên cho các em học sinh rằng: Thời gian ôn thi không còn nhiều, các em nên hệ thống lại kiến thức dưới dạng sơ đồ, luận điểm để tự tin và chủ động trong làm bài. Đồng thời, nên dành thời gian để luyện đề thi thử để tự đánh giá kiến thức của bản thân, tự phát hiện ra các lỗ hổng kiến thức và bổ sung những phần thiếu sót đó. Đặc biệt không học tủ, không loại trừ bất cứ tác phẩm nào, kể cả các tác phẩm đã từng ra năm trước và năm trước đó. “Với một kỳ thi quan trọng như thi THPT quốc gia, chủ quan là tự đánh mất cơ hội của chính mình”- cô Huyền lưu ý.